Trước đó, Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đều đã tìm cách đòi quyền tài phán đối với các khu vực thuộc Bắc Cực - nơi được cho là chứa 1/4 lượng dầu khí chưa được phát hiện của Trái đất.
Nga là nước đầu tiên trình LHQ tuyên bố chủ quyền đối Bắc Cực vào năm 2002, song đã bị LHQ gửi trả lại vì thiếu chứng cứ. Bản tuyên bố chủ quyền mới này chứa nhiều dữ liệu hơn.
Năm 2007, Moskva đã đưa ra một tuyên bố chủ quyền mang tính biểu tượng đối với đáy Bắc Cực bằng cách dùng tàu ngầm nhỏ để thả một hộp chứa quốc kỳ Nga xuống đáy biển ở Bắc Cực.
Hiện nay, điều phối các hoạt động ở Bắc cực là Hội đồng Bắc Cực (AC), bao gồm 8 nước: Canada, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga.
Tại khu vực này đang diễn ra các hoạt động tranh đoạt dầu mỏ, khí tự nhiên, khoáng sản và một số tài nguyên thiên nhiên khác tuy ngấm ngầm nhưng không kém phần quyết liệt.
Mỹ mới đây thừa nhận Mỹ không thể cạnh tranh với Nga ở Bắc Cực và đã lùi bước trong tuyệt vọng. Nga đang chinh phục khu vực đầy triển vọng này một cách thành công hơn nhiều.
Tạp chí Newsweek dẫn lời Chỉ huy Đội Phòng vệ Duyên hải Mỹ Paul Zukunft thừa nhận: "Chúng ta thậm chí không chơi được với Nga một cách ngang hàng.
Nói đúng hơn, Mỹ không tham dự được trò chơi ở đây". Theo ông Zukunft, hàng loạt quốc gia, mà đứng đầu là Nga, thậm chí chẳng cần cạnh tranh với Mỹ mà đã vượt xa về phía trước.
Điểm mấu chốt đầu tiên là Washington thiếu tàu phá băng. Vào thời điểm hiện nay, để nghiên cứu và khám phá vùng Bắc Cực thì người Mỹ chỉ có 2 tàu diesel lớn loại này, mà chỉ một chiếc trong đó - Polar Star - ở tình trạng có thể làm việc.
Trong khi đó, Nga có tới 6 tàu phá băng nguyên tử. Đó là những con tàu khổng lồ đủ sức hoạt động độc lập nhờ có năng lượng hạt nhân và cho phép tổ chức điều hướng gần như ở bất cứ nơi nào và vào bất cứ thời điểm nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 25/2 tuyên bố nước này không loại trừ khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia tại Bắc Cực bằng biện pháp quân sự.
Nhưng vấn đề không chỉ ở tàu phá băng. Hoạch định chiến lược khả thi khám phá và khai thác Bắc Cực chính là thứ Nga đang có.
Để duy trì lợi ích của mình ở Bắc Cực, vào tháng 12/2014, Nga còn thành lập Ban Tham mưu chiến lược thống nhất với tên gọi "Phương Bắc".
Ngoài ra, đội tàu phá băng khổng lồ sẽ tạo điều kiện để Nga kiểm soát hoàn toàn tuyến đường biển phương Bắc huyết mạch đầy tiềm năng, cuối cùng sẽ thay thế cho tuyến đường phía Nam qua kênh đào Suez.
Tuyến đường phương Bắc ngắn hơn và trong một số trường hợp, còn đảm bảo an toàn hơn.
Dự án Yamal liên doanh giữa ba công ty Novatek của Nga, Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc.
Đây là nơi họ cùng chung tay xây dựng giấc mơ: biến Yamal trở thành một trong những dự án khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, vận chuyển hàng hóa đến cả châu Á và châu Âu.