"IS là cơ hội để TQ giành con bài thương lượng với Mỹ ở châu Á"

Hùng Anh |

Tổng thống Mỹ Obama đã chỉ trích Trung Quốc cứ "một mình một kiểu trong 30 năm qua", thể hiện sự thất vọng trước việc Bắc Kinh từ chối hỗ trợ nước này trong cuộc đối đầu với IS.

Trong bài viết đăng tải trên báo Anh The Telegraph ngày 24/9, giáo sư Niv Horesh đã chỉ ra nhữn nguyên nhân vì sao Trung Quốc nên có những động thái ủng hộ Mỹ mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống IS. Giáo sư Horesh đã đặt ra vấn đề rằng: "Trung Quốc không thể trốn tránh thực tế rằng một cường quốc kinh tế cần phát huy vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế".

Dưới đây là bài viết mang quan điểm cá nhân của giáo sư Niv Horesh trên tờ The Telegraph:

Từ lâu, Trung Quốc đã nhắc đi nhắc lại chính sách "không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác" như một cái cớ để khỏi phải “động chân động tay” trong suốt khoảng thời gian cả thế giới rối tung vì khủng hoảng. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích Trung Quốc cứ "một mình một kiểu trong 30 năm qua". Lời nhận xét này có vẻ như là khoảnh khắc hiếm hoi Mỹ công khai thể hiện sự thất vọng trước việc Trung Quốc từ chối hỗ trợ nước này trong cuộc đối đầu với sự trỗi dậy của lực lượng IS.

Ông Niv Horesh là Giáo sư về Lịch sử Hiện đại Trung Quốc, đồng thời là Giám đốc Viện chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham (Anh).

Ông Niv Horesh là Giáo sư về Lịch sử Hiện đại Trung Quốc, đồng thời là Giám đốc Viện chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham (Anh).

Thông tin lan truyền trong tuần này về việc phiến quân ở miền viễn tây xa xôi Tân Cương được chiến binh IS "huấn luyện khủng bố" sẽ khiến Bắc Kinh khó có thể ngồi yên được nữa. IS từng nhấn mạnh Trung Quốc là quốc gia mà ở đó "quyền của người Hồi giáo bị tước đoạt", và vì vậy nơi đây chính là một mục tiêu để IS trút giận dữ.

Tuy nhiên, không cần chờ đến lúc mối đe dọa này trực tiếp nhằm vào lãnh thổ của mình thì Trung Quốc cũng đã nhận ra rằng những hành động quyết liệt chống lại IS sẽ mang tới cơ hội có một không hai để Trung Quốc không chỉ bảo vệ, mà còn tăng cường, lợi ích kinh tế và chính trị, trong khi đó, lại được quốc tế nhìn nhận là biết cách hành xử như một công dân toàn cầu có trách nhiệm.

Giờ đây Trung Quốc không thể tiếp tục trốn tránh thực tế rằng hệ quả của việc thách thức Mỹ trong vai trò đầu tàu kinh tế thế giới chính là phải biết chủ động hơn trong các vấn đề quốc tế. Áp lực buộc Trung Quốc bước ra trước “đầu sóng ngọn gió” cứ ngày càng lớn dần lên trong một tuần, khi mà Đại hội đồng LHQ triệu tập cuộc họp tại New York vì Mỹ tiến hành ném bóm các mục tiêu IS ở Iraq và Syria.

Nhưng nếu Trung Quốc có hành động mạnh tay hơn thì cũng đừng vội xem đó như một nỗ lực vì sự nghiệp chung. Đó chẳng qua là chiếc chìa khóa nhằm giúp cho quốc gia đông dân nhất thế giới giải được bài toán giữ yên ổn cho ngôi nhà riêng của mình mà thôi.

Nhu cầu về dầu mỏ của Trung Quốc đang tăng lên không ngừng. Là nước nhập siêu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã phải đa dạng hóa chiến lược săn lùng nguồn cung trong những năm gần đây - vừa chốt chặt các đơn hàng dầu mỏ dài hạn với châu Mỹ La tinh và châu Phi, vừa ký kết thêm nhiều hợp đồng khí đốt với Trung Á.

Song điều này chưa thể giúp giảm sự phụ thuộc tuyệt đối của Trung Quốc vào Iraq, Iran và Ả Rập Xê-út khi nước này cần phải đảm bảo nhu cầu nhập khẩu 6 triệu thùng mỗi ngày, nhằm phục vụ tốc độ phát triển hiện nay.

Về phương diện này, Trung Quốc chính là bên hưởng lợi nhiều nhất từ sự ổn định an ninh trong khu vực, thậm chí còn nhiều hơn nữa kể từ khi Mỹ giảm nhập khẩu dầu từ Trung Đông - một phần là bởi xu hướng chuyển sang tự khai thác khí đá phiến ở trong nước.

Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều người chờ đợi Bắc Kinh thể hiện vai trò quyết đoán hơn trong vấn đề an ninh khu vực. Tuy nhiên, có rất ít tín hiệu cho thấy hiện trạng sẽ được thay đổi. Mỹ vẫn chi hàng tỷ USD để đảm bảo cho luồng giao thông dầu mỏ tự do qua eo biển Hormuz, tuyến hàng hải chiến lược nhất thế giới kết nối Biển Ả Rập và Vịnh Ba Tư. Nếu chẳng may một ngày Trung Quốc và Mỹ “không muốn nhìn mặt nhau” thì Trung Quốc hẳn sẽ mãi hối tiếc vì thái độ hờ hững như hiện nay.

Tòa nhà chỉ huy của IS trước và sau khi bị Mỹ không kích

Tòa nhà chỉ huy của IS trước và sau khi bị Mỹ không kích

Mối đe dọa đến từ IS đang mang tới cho Trung Quốc một cơ hội để thay đổi. Nhiều thập kỷ qua, quốc gia này đã quá dè dặt không dám đưa ra bất kỳ hành động nào mà nó lo ngại có thể đi ngược tuyên bố "trỗi dậy hòa bình" của mình. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đề nghị hỗ trợ quân sự, chung tay cùng cộng đồng ​​quốc tế chống lại IS sẽ giúp thế giới bớt đi phần lo lắng.

Quả thực là Trung Quốc cần giành được sự tôn trọng mới từ các quốc gia khác, trong đó nhiều nước đang trông chờ một đối trọng xứng tầm với chính sách đối ngoại thống trị bấy lâu nay của Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có thể tận dụng thái độ công khai ủng hộ chính sách của Mỹ ở Trung Đông như một con bài thương lượng để làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ trước bậc cửa nhà mình. Đã gần một tuần trôi qua mà hầu như không có bất cứ báo cáo mới nào từ biển Đông và biển Hoa Đông về tình trạng căng thẳng hay cận kề xung đột giữa các tàu hải quân và máy bay trinh sát Mỹ với tuần dương hạm và máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Đã có quá nhiều ý kiến về nỗ lực của Mỹ nhằm “xoay trục" chính sách đối ngoại sang châu Á để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng ông Obama còn đang phải lo đối phó với IS, xử lý tình hình ở Ukraine và giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine, vốn chưa có hồi kết. Rồi gần đây lại xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang xích lại gần Hàn Quốc hơn, xâm nhập vào liên minh “bộ ba” trong khu vực giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Động thái sẵn sàng bắt tay với Mỹ, phát đi từ chính phủ Trung Quốc, nhằm cùng đối phó với IS, sẽ cho Bắc Kinh một vị thế đàm phán “có trọng lượng” hơn, khi mà nước này đang nỗ lực làm phân tán sự hiện diện quân sự của Mỹ, vốn bị Trung Quốc coi là đã quá “dày đặc” ở châu Á.

Đối với Trung Quốc, chỉ đơn thuần "âm thầm chấp thuận", theo ngôn ngữ ngoại giao, chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống lại IS là chưa đủ. Nước này có nguy cơ sắp bỏ lỡ một thời cơ ngồi vào vị thế hàng đầu trên trường ngoại giao quốc tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại