Học giả Nga lật tẩy trò hề của Trung Quốc về tranh chấp biển đảo

Phan Hồng Hà |

Mới đây, hôm 13/3, Trung Quốc tuyên bố sẽ lập một "Trung tâm tòa án hàng hải quốc tế" để "bảo vệ chủ quyền cùng các quyền hàng hải" mà họ tự nhận là của mình.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Chu Cường khi tuyên bố điều này, đã nói thêm: "Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, các quyền hàng hải và những lợi ích cốt lõi khác."

Ai cũng biết Trung Quốc hiện có tranh chấp hàng hải với Nhật Bản tại khu vực biển Hoa Đông và với các nước láng giềng ASEAN tại biển Đông.

Việc tự thân đòi lập một Trung tâm tòa án hàng hải mạo danh "quốc tế" để xử lý các tranh chấp biển đảo đúng là một trò hề không hơn không kém.

Hãng tin báo chí quốc nội Ridus của Nga đã bình luận về sự kiện này trong bài báo có tên "Trung Quốc tự phân xử tranh chấp lãnh thổ".

Bài báo viết: "'Trung tâm tòa án' 100% Trung Quốc này sẽ đưa ra những phán quyết gì, không khó để dự đoán.

Các tranh chấp về chủ quyền biển đảo, theo thông lệ, sẽ được Tòa án Quốc tế Liên hợp quốc phân xử. Ngoài ra, còn có Tòa án quốc tế về Luật Biển".

Học giả Nga Andrey Ostrovsky, Phó giám đốc Viện Viễn Đông trực thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga đã vạch trần "trò hề" này của phía Trung Quốc: "Cần nghiêm khắc nói rằng, cái cơ quan tư pháp này hoàn toàn không phù hợp với định nghĩa 'tòa án'.

Khái niệm "tòa án" bao hàm phải có 2 bên, mỗi bên đều có những luận điểm riêng của mình.

Cơ quan này được Trung Quốc lập ra, do quan chức Trung Quốc đứng đầu, và người đưa đơn kiện sẽ là các công dân Trung Quốc cùng các pháp nhân khác".

Học giả Osrovsky nhận xét, "không cần phải đoán đến ba lần, ai cũng biết là các phán quyết của một 'trọng tài' như thế sẽ có lợi cho ai".

Ông cũng cho các độc giả biết hiện các bản đồ do Bắc Kinh công bố đều thể hiện "đường chín đoạn" - yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra trên biển Đông, vốn vô giá trị và đang bị Philippines kiện ra Tòa thường trực quốc tế The Hague (PCA).

Về các phán quyết trong tương lai của cái gọi là "Trung tâm tòa án hàng hải quốc tế" mà Trung Quốc âm mưu lập ra, ông Ostrovsky khẳng định: "Các phán quyết này sẽ không có bất cứ hiệu lực pháp lý nào cả, do tính đơn phương của nó.

Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu nó được trình ra các Cơ quan quốc tế, thì chỉ được coi đó chỉ là quan điểm của phía Trung Quốc mà thôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại