Rút quân khỏi Syria là tuyên bố thất bại hay chiến thắng của Nga?

Ngọc Minh |

Nga quyết định rút quân khỏi Syria không phải chỉ là vì đã đạt được mục tiêu, mà là vì những điều dù muốn vẫn chưa thể có được, theo nhà bình luận người Mỹ.

Ngày 14/3 - đúng ngày hòa đàm Syria được nối lại ở Geneva, Tổng thống Nga Putin đã khiến cả thế giới bất ngờ khi tuyên bố ngay lập tức rút các lực lượng chính ở Syria sau gần 6 tháng can thiệp vào cuộc xung đột tại đây.

Rút quân vì "đã đạt mục tiêu". Nhưng mục tiêu là gì?

Nhà bình luận người Anh Max Fisher cho rằng, xét tổng thể lời nói và hành động của Nga ở Syria, thì mục tiêu lớn của Putin tại quốc gia Trung Đông này: ngăn chặn sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad, giúp Nga giành được đòn bẩy về chính trị trong các cuộc hòa đàm.

Nga chỉ có duy nhất một căn cứ quân sự tại một quốc gia ngoài không gian Xô Viết, đó là Syria. Dù là về chính trị hay quân sự, thì Syria có tầm ảnh hưởng nhất định ở Trung Đông, và với không gian nhỏ hơn, thì là ở Địa Trung Hải.

Vì thế, Putin không thể ngồi yên khi thấy Bashar al-Assad đang yếu dần.

Ở góc độ này, Putin đã thành công. Nga đã "đảo chiều" cuộc chiến ở Syria - vốn là sự giành giật, tranh nhau bước tiến giữa quân đội Assad và phe nổi dậy.

Sự can thiệp của Nga, cùng với Iran, đã giúp Assad giành được đủ lãnh thổ nhằm duy trì "ngai vàng" của mình, dù rằng phần lãnh thổ đó không đủ để Assad hi vọng có thể giành chiến thắng hoàn toàn.

Trong nhiều năm qua, sự hậu thuẫn của nhiều quốc gia như Ả Rập Xê-Út hay Thổ Nhĩ Kỳ đối với phe nổi dậy đã khiến tình hình Syria leo thang căng thằng. Không có quốc gia nào, kể cả Mỹ, có thể giải quyết được vấn đề cốt lõi ở Syria. Mọi thứ vẫn bế tắc.

Thực tế này dẫn chúng ta tới mục tiêu thứ 2 của Nga ở Syria - "ra tay" vừa đủ để có một ghế trong bàn đàm phán, đảm bảo Nga sẽ có cơ hội đề cập tới lợi ích của mình trong bất cứ thỏa thuận hòa bình cuối cùng nào.

Ngay trước khi quyết định can thiệp quân sự, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga đang mất dần ảnh hưởng với chính phủ Syria, còn sự hiện diện của Iran tại Damascus ngày càng tăng - điều mà Syria có lẽ cũng không muốn.

Một số báo cáo đã chỉ ra rằng, Assad từng mời Nga can thiệp để đối trọng lại ảnh hưởng của Iran. Mặc dù Nga và Iran trên danh nghĩa là đồng minh, song họ lại là đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, tới nay, sau 6 tháng Nga điều quân tới Syria, không có ai, dù ở Damascus hay Geneva, có thể phủ nhận thực tế rằng Moscow là một nhân tố quan trọng trong cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông.

Nga cần phải có mặt trong các cuộc hòa đàm, và Nga đã làm được điều đó. Việc có ghế trong bàn đàm phán sẽ đảm bảo cho Nga có quyền được duy trì các căn cứ quân sự ở Syria và những tiếp xúc cấp cao với quân đội nước này.


Lính Nga tại căn cứ quân sự Latakia ở Syria.

Lính Nga tại căn cứ quân sự Latakia ở Syria.

Vì sao lại là lúc này?

Hoà đàm lại bắt đầu, và có lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Syria, mọi thứ diễn ra khá tốt đẹp.

Syria đã được thử nghiệm với lệnh ngừng bắn tạm thời mới đây. Dù vẫn có những vi phạm, dù lệnh ngừng bắn rất mong manh và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, song bạo lực đã giảm đáng kể, thương vong ít đi, viện trợ nhân đạo đã tới được những nơi trước đây bị giới hạn.

Đối với Moscow, đây là thời điểm tốt để rút lui. Nga đã đạt được những mục đích tức thì, vì vậy, nếu cứ tiếp tục tham chiến thì thắng lợi sẽ giảm đi.

Tình hình hiện nay là đủ để Putin có thể chấp nhận được và sử dụng nó làm căn cứ cho các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là những tín hiệu của Nga đối với Syria.

Nga đã nhiều lần cho thấy họ chỉ có tầm ảnh hưởng rất hạn chế đối với chế độ của Assad - một chế độ thiếu thận trọng và thường gây leo thang cuộc chiến ngay cả ở những thời điểm không khôn ngoan về mặt chiến lược.

Nếu Moscow muốn đóng băng hiện trạng ở Syria, nước này cần phải đưa Assad vào đàm phán một cách nghiêm túc và không quyết liệt phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn.

Lần này cũng vậy, Nga vẫn chưa thể khiến Assad thực sự thuận theo ý mình - nhà lãnh đạo Syria vẫn tỏ ra "dửng dưng", không mấy mặn mà với điều mà Nga nỗ lực đạt được này.

Do đó, Putin buộc phải làm nhiều hơn để thuyết phục Assad tin vào hòa bình: Gây áp lực với nhà lãnh đạo Syria.

Bằng cách rút một phần quan trọng lực lượng quân sự của mình ở Syria, Putin đã khiến Assad trở nên yếu hơn và khiến các cuộc đàm phán trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn đối với người đồng minh của mình.

Một minh chứng là, Putin không hề tham vấn trước Assad về việc Nga rút quân.


Putin đang gây áp lực buộc Assad ngồi vào bàn đàm phán

Putin đang gây áp lực buộc Assad ngồi vào bàn đàm phán

Chiến lược không ngoan nhất của Putin, theo một số nhà bình luận, là "xoá bỏ" lực lượng ở Syria, buộc Assad thấy áp lực mà phải ngồi vào bàn đàm hòa bình.

Bên cạnh đó, Nga vẫn giữ lại một lực lượng lính Nga vừa đủ ở Syria để ngăn chặn các phe đối lập gây leo thang, bằng cách ngầm đe dọa rằng Nga sẽ tái can thiệp để đối đầu với họ.

Nếu những phân tích này là chính xác, thì điều đó cho thấy Nga đã sẵn sàng đàm phán một cách nghiêm túc, và cũng tin rằng ít nhất thì Bashar al-Assad cũng làm điều tương tự.

Không chỉ toàn thắng lợi

Mặc dù Putin tuyên bố đã đạt mục tiêu ở Syria, và trên thực tế, đúng là như vậy, song điều đó không có nghĩa ông không gặp phải thất bại thực sự.

Putin đã thất bại trong 2 mục tiêu do chính mình đề ra: giúp quân đội Assad giành chiến thắng và dẫn đầu liên minh toàn cầu chống khủng bố ở Syria.

Liên minh toàn cầu chống khủng bố là điều mà Putin đã nhắc tới trong bài phát biểu đầu tiên sau 1 thập kỷ tại Đai hội đồng LHQ, ông cũng nhiều lần "lôi kéo" thành viên.

Một liên minh như vậy không chỉ đảm bảo cho lợi ích của Nga ở Syria mà còn chấm dứt sự cô lập của Nga với phương Tây, hay nói cách khác, phương Tây chấp nhận sự giúp đỡ ở Syria và quên đi Ukraine - điều quan trọng với Nga hơn bất cứ thứ gì xảy ra ở Syria.

Thế nhưng, Assad vẫn không thể chiến thắng ở Syria và Nga vẫn phải hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Năm 2014, sau những động thái can thiệp vào Ukraine, tỉ lệ ủng hộ giành cho Putin tăng vọt ngay cả trong tình hình kinh tế suy thoái.

Tuy nhiên, khi cảm giác yên tâm của Nga mờ dần, còn nền kinh tế Nga vẫn chưa thể khởi sắc, thì Putin cần có một chiến thắng chính trị lớn hơn để bảo vệ sự thịnh vượng của nội các của mình.

Mặc dù quân đội Assad và đồng minh đã có những thắng lợi đáng chú ý trên chiến trường, giành lại nhiều đất đai từ lực lượng nổi dậy, IS hứng chịu thiệt hại đáng kể, song Syria không thể trở thành động lực đó.

Syria không hoàn toàn giành thắng lợi chính trong nước như những gì Putin mong muốn.

Xét ở góc độ này, theo ông Fisher, "sự rút lui của Putin ở Syria là tuyên bố thất bại hơn là tuyên bố chiến thắng".

Ông này nêu dự đoán: "Ngay cả khi Putin rút quân, tôi vẫn lấy làm ngạc nhiên nếu Syria đạt được thỏa thuận hòa bình - dù trên giấy tờ - vào năm nay, và tôi sẽ hết sức ngạc nhiên nếu cuộc chiến ở Syria thực sự chấm dứt trước 2020.

Nhưng nếu Putin rút quân khỏi Syria, thế giới sẽ tiến gần tới mục tiêu đó hơn".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại