Không chỉ có dầu mỏ
Trong một bài phân tích mới đây trên tờ National Interest, nhà phân tích chính trị Fahad Nazer chỉ ra, Ả Rập Xê-Út đang có khả năng tăng thêm mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc.
Trên thực tế, quan hệ giữa 2 quốc gia từng phát triển khá chậm chạp, song cho đến nay, cả quan chức, doanh nhân Ả Rập Xê-Út và các nhà phân tích đều có chung một quan điểm: Mối quan hệ với Trung Quốc không chỉ nên duy trì, mà còn nên mở rộng thêm nữa.
Học giả này đã nêu ra một chi tiết khá thú vị rằng, dường như bất cứ cuộc trò chuyện nào về quan hệ Ả Rập Xê-Út - Trung Quốc cũng bắt đầu và kết thúc với vấn đề dầu mỏ.
Bởi xét cho cùng, Ả Rập Xê-Út là nhà xuất khẩu dầu thô đứng đầu thế giới, còn Trung Quốc lại là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất.
Ông Fahad Nazer là nhà phân tích chính trị cấp cao tại Hãng tư vấn JTG Inc. (Mỹ). Ông từng là chuyên gia phân tích chính trị tại Đại sứ quán Ả Rập Xê-Út ở Washington D.C.
Chỉ tính riêng Bảy, Ả Rập Xê-Út đã xuất khẩu 993.000 thùng dầu thô mỗi ngày đến Trung Quốc, tăng 12% so với tháng trước.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế còn ước tính, sản lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Trung Đông sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035.
Trong khi đó, thị trường châu Á lại càng trở nên hấp dẫn, khi mà cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ đã khiến sản lượng trong nước tăng lên, giảm nhu cầu nhập khẩu từ Ả Rập Xê-út.
Nói là vậy, song các mối quan hệ về năng lượng giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê-Út đã vượt ra ngoài lĩnh vực buôn bán dầu thô.
Ả Rập Xê-Út đã chi một khoản đầu tư lớn cho các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, đổi lại, Bắc Kinh cũng giúp đỡ đối tác phát triển các nhà máy lọc dầu cũng như trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên.
Điển hình cho kết quả của sự hợp tác này là một nhà máy với công suất 400.000 thùng/ngày tại Ả Rập Xê-Út và một nhà máy công suất 260.000 thùng/ngày ở tây nam Trung Quốc.
Bắc Kinh hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Riyadh với tổng giá trị đã vượt quá con số 72 tỉ USD vào năm ngoái.
Các mặt hàng điện tử, dệt may và thực phẩm giá rẻ từ Trung Quốc, với chất lượng ngày càng tăng đang tràn ngập thị trường quốc gia Trung Đông.
Thêm vào đó, nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của Riyadh cũng dẫn tới sự giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp vũ khí lớn nhất – Đó là Mỹ.
Lúc này, Trung Quốc đã may mắn đáp ứng được nhu cầu của Ả Rập Xê-Út trong lĩnh vực đó. Tính riêng năm ngoái, Ả Rập Xê-Út đã chi hơn 800 tỉ USD cho các nhu cầu về quốc phòng và an ninh nội địa, trong khi đang bị bao vây bởi nhiều mối nguy hiểm.
Theo ông Nazer, trước đó, Ả Rập Xê-Út thậm chí đã qua mặt Mỹ để mua tên lửa đạn đạo của Trung Quốc năm 1988, và ít nhất là thêm một lần nữa vào năm 2007.
Không ràng buộc
Ả Rập Xê-Út đang đánh giá cao tiềm năng lâu dài của dầu thô, các sản phẩm hóa dầu hay dầu tinh luyện tại thị trường Trung Quốc, song sự hấp dẫn thực sự của mối quan hệ này, theo ông Nazer, nằm ở chỗ, nó không đi kèm bất cứ sự ràng buộc nào.
Trong khi Washington thường xuyên công bố các báo cáo, nhấn mạnh sự khó khăn của phụ nữ tại đây hoặc cảnh báo Riyadh tìm cách giải quyết êm thấm với các nhóm thiểu số Hồi giáo, thì Bắc Kinh luôn chủ ý tránh chỉ trích chính sách đối nội hay đối ngoại của Riyadh.
Thay vào đó, quan chức Trung Quốc ở tất cả các cấp - từ Chủ tịch Tập Cận Bình tới nhân viên Đại sứ quán ở Riyadh - đều lên tiếng ca ngợi tầm quan trọng của Ả Rập Xê-Út tại thị trường năng lượng toàn cầu.
Thậm chí, giới chức Trung Quốc còn khẳng định rằng, họ tôn trọng con đường phát triển mà Ả Rập Xê-Út lựa chọn bởi nó "phù hợp với điều kiện riêng của nước này", và điều đó khiến quốc gia ở Trung Đông rất cảm kích.
Đáp lại, Ả Rập Xê-Út dường như cũng đứng về phía Bắc Kinh trong các vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Rõ ràng nhất là năm 2014, Ả Rập Xê-Út đã tuyên bố lên án vụ tấn công của người Duy Ngô Nhĩ nhằm vào một khu chợ Trung Quốc hồi tháng Năm.
Bất đồng quan điểm?
Ông Nazer tiết lộ, chính sách về Syria của Trung Quốc đã khiến nước này phải tốn kém tiền của đôi chút, tất nhiên là không tới mức như Nga hay Iran.
Dù vậy, sự ủng hộ đó của Bắc Kinh dành cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria cũng khiến Ả Rập Xê-Út khó chịu.
Thế nhưng, phái đoàn Trung Quốc, bao gồm các cựu quan chức, học giả và giới lãnh đạo doanh nghiệp, khi tham dự diễn đàn Ả Rập - Trung Quốc tại Riyadh năm 2012, đã lên tiếng phủ nhận việc nước này có cam kết đứng về phía ông Assad.
Thay vào đó, Bắc Kinh giải thích rằng, hành động của họ tại Hội đồng Bảo An chủ yếu hướng tới việc bảo vệ chủ quyền của Syria.
Ông Nazer cũng cho rằng, Ả Rập Xê-Út, có lẽ cũng như các quốc gia khác, mong muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn tại khu vực và không chỉ trong lĩnh vực kinh tế.
“Mặc dù việc Trung Quốc có sẵn sàng từ bỏ sự thận trọng quá mức của mình hay không vẫn là điều chưa sáng tỏ, nhưng những cam kết tăng cường quan hệ với Ả Rập Xê-Út thì không cần phải bàn cãi, và quốc gia Trung Đông thì cũng không thể hài lòng hơn được nữa”.