Cuộc cách mạng ngầm trong thế giới Arab
Giáo sĩ Sheikh Abdulaziz Al Sheikh của Saudi Arabia, tháng 12/2015, đã tuyên bố rằng người theo đạo Hồi không được phép chơi cờ.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều những tuyên bố kém hiểu biết, mù quáng và cực đoan vẫn thường xuyên xuất hiện tại vương quốc này.
Cũng trong tháng 12 vừa rồi, vị giáo sĩ nói trên cũng cáo buộc Israel đứng sau, chỉ huy IS.
Ngày 17/1, Sheikh Saud al-Shuraim, người đứng đầu Nhà thờ Hồi giáo tại Mecca, lại quả quyết rằng người Do Thái và người Iran đang âm mưu chống lại các tín đồ Hồi giáo, cụ thể là những tín đồ dòng Sunni dưới quyền ông.
"Liên minh của triều đại Safavid cùng bè lũ Do Thái và các tín đồ Cơ Đốc giáo chống đối đạo Hồi không phải là điều bất ngờ, lịch sử đã từng minh chứng việc này. Bất ngờ là ở chỗ nhiều người đã từ chối chấp nhận sự thật ấy cho tới tận bây giờ."
Sau những tuyên bố thế này, theo chuyên gia Frantzman, có lẽ điều bất ngờ nhất ở đây là việc Israel ngày càng tiến dần vào quỹ đạo của Saudi.
Ngày 21/1, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Sudan là Ibrahim Ghandour đã phát biểu trong một hội nghị rằng: "Vấn đề bình thường hóa quan hệ với Israel có thể được xem xét."
Bình luận của ông đến đúng vào thời điểm Sudan cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ tấn công đại sứ quán Saudi ở Tehran và Saudi kích động nhà nước dòng Sunni phản đối chống Iran.
Chắc hẳn, việc Sudan "mở cửa" với Israel chỉ là phần nhỏ trong một cuộc cách mạng ngầm đang dần lan rộng trong thế giới của các nước Arab.
Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Dore Gold đã phát biểu trong hội thảo của Viện nghiên cứu an ninh quốc gia (INSS) ngày 18/1 rằng Israel đã liên hệ với "hầu như tất cả các nước Arab".
Do đó, thay vì cô lập, Israel đang bị kéo vào quỹ đạo của Saudi-Arab. The Wall Street Journal đã gọi đây là hành động Israel "bí mật theo đuổi các nước Hồi giáo Sunni", tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại.
Mưu tính của Arab "phản tác dụng"?
Các nước Hồi giáo Sunni của Liên đoàn Arab mong muốn Israel bảo vệ những mục tiêu của họ vào thời điểm "con bạch tuộc khổng lổ" Iran làm cả thế giới của họ sụp đổ, đặc biệt là sau khi Iraq, Syria, Lebanon và Yemen đều thất bại trong các cuộc chiến ủy nhiệm với Iran.
Vận may bị đảo ngược này có thể thấy được trong vô vàn các tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ về việc nối lại quan hệ hợp tác với Israel.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng biến việc chỉ trích Israel thành trọng tâm của các chính sách khu vực từ khi đảng AKP của ông lên nắm quyền 15 năm trước.
Tuy vậy, sau nhiều năm ủng hộ Hamas ở dải Gaza và đưa ra rất nhiều bình luận xúc phạm tới Israel cũng như người Do Thái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi thái độ vào ngày 2/1.
"Israel cần Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng tôi cũng phải công nhận rằng chúng tôi cần Israel." - ông nói, trong chuyến bay về từ Saudi Arabia.
Các động thái do Saudi dẫn đầu đã từng có tiền lệ. Trong phong trào Intifada lần thứ hai, Saudi đã khởi xướng một kế hoạch hòa bình, đồng ý thừa nhận Israel trong khu vực nếu nước này rút khỏi khu Bờ Tây và dải Gaza.
Các quốc gia Arab muốn dựa dẫm vào Israel do không có khả năng độc lập đối đầu với Iran. Ảnh: RT
Tháng 6/2015, trong Hội nghị về Quan hệ ngoại giao ở Mỹ, đại diện Saudi cũng nói với Israel rằng Iran là kẻ thù chung.
Ẩn sau trong thái độ đối với thế giới của Saudi là âm mưu lợi dụng các nhân tổ bên ngoài để đạt được mục đích trong khu vực.
Trong những năm 1980, điều này có nghĩa là hỗ trợ tài chính cho Saddam Hussein ở Iraq gây chiến với Iran, rồi đến năm 1990 lại cầu cứu Mỹ giải thoát cho đất nước này khỏi Saddam khi ông ta trở nên quá lớn mạnh và đòi chiếm Kuwait.
Các quốc gia Arab với phần đông dân số là tín đồ Hồi giáo dòng Sunni muốn dựa dẫm vào Israel do không có khả năng độc lập đối đầu với Iran.
Ở Yemen, liên minh của Saudi Arabia, các nước vùng Vịnh và một vài quốc gia khác đã phải nhờ tới lính đánh thuê của Columbia, đồng thời, Quốc vương Salman của Saudi thậm chí từng phải kêu gọi Pakistan điều động quân đội.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thoạt tiên, nước này cho rằng phe nổi dậy Syria sẽ đánh bại Tổng thống Assad, nhưng vì một số lí do nào đó lại không nhận ra mối nguy hại IS đang ngày một lớn mạnh.
Liên minh Saudi - Thổ Nhĩ Kỳ - Qatar chống lại Assad có thể đã lật đổ vị Tổng thống này thành công vào năm 2013 và 2014 nếu 3 nước có thể ngăn chặn sự phát triển của IS.
Tuy nhiên, phải tới năm 2015 Thổ Nhĩ Kỳ mới tiến hành bắt giữ nhiều kẻ tình nguyện tham gia IS.
Dù thế, việc này diễn ra quá muộn và IS đã chiếm giữ nhiều thành phố thuộc Iraq và Syria, khiến Iran càng thêm tự tin và cuối cùng dẫn tới sự can thiệp của Nga.
Tổng thống Assad, người bị cả thế giới ghét bỏ năm 2013, giờ đột nhiên lại trở thành "bức tường thành chống chủ nghĩa cực đoan".
Sau khi Iraq và Syria thất bại, giờ ai sẽ là người đứng lên chống lại Iran? - chuyên gia Frantzman đặt câu hỏi.
Năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tổng cộng 913 kẻ tình nguyện tham gia IS từ 57 quốc gia. Ảnh: AP
"Israel chỉ là con tốt trong tay Saudi"
Việc các giáo sĩ Saudi ghét môn cờ vua cũng là điều dễ hiểu - họ không giỏi môn này. Trong trận chiến khu vực giữa Saudi và Iran, người Saudi đã bị vượt mặt hoàn toàn.
Người Ba Tư, trái lại, đã phát minh ra cờ vua. Và có lẽ trò chơi mang đậm tính lịch sử và nhiều nét phức tạp này tương đồng với nhiều mặt của Iran cổ đại hơn Saudi Arabia.
Cờ vua cũng là một bộ môn là người Do Thái chơi rất tốt. Danh sách 64 "bộ não" cờ vua giỏi nhất mọi thời đại có tới 31 người Do Thái. Những nét tinh tế của bộ môn này phù hợp với những di sản về văn hóa và tôn giáo của dân tộc Do Thái.
Vậy tại sao liên minh của Israel trong khu vực lại do Saudi dẫn đầu? Bởi chính phủ Iran không ưa Israel. Khi nói chuyện tại INSS, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Moshe Ya’alon đã bình luận ngoài lề rằng ông "thà chọn IS còn hơn Iran."
Không giống IS, lực lượng chỉ có duy nhất một chính sách cực đoan gây mâu thuẫn với thế giới, toàn bộ chính sách ngoại giao quốc tế và cả lực lượng ủy nhiệm Hezbollah của Iran đang đe dọa Israel.
Điển hình là sự kiện diễn ra cuối tuần vừa qua khi Iran đã tổ chức một buổi họp cấp cao với Trung Quốc, cũng như việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận tại Riyadh rằng 80.000 tên lửa Hezbollah nhắm vào Israel đến từ Iran.
Một báo cáo khác cũng tiết lộ rằng Iran đã tuyển thêm 20.000 binh lính dòng Shia của Afghan để chiến đấu tại Syria, đồng thời việc gỡ bỏ trừng phạt sẽ đem tới cho kho bạc của các Vệ binh Cách mạng hàng triệu USD, khoản tiền sẽ duy trì cuộc chiến tại Syria và Iraq
Đây không phải là tình cảnh Israel mong muốn từ đầu. Israel có nhiều nét tương đồng với Iran do cùng được xây dựng trên những di sản của nền văn hóa Trung Đông cổ đại. Tuy nhiên, chủ nghĩa Hồi giáo Wahhabi ở Saudi Arabia lại là kẻ tiêu diệt vẻ đẹp văn hóa đa dạng này.
Dù chính phủ Iran cũng có những tư tưởng cực đoan, đất nước này là nơi có cấp độ bài Do Thái thấp nhất trong khu vực. Và cũng phải nói thêm rằng, bản tính cực đoan của nhà nước Iran hiện này trái ngược hẳn với lịch sử nước này, chuyên gia Frantzman nhận xét.
Israel và Iran đã từng có quan hệ ngoại giao một thời gian sau năm 1948, và Iran là nước thứ hai sau Thổ Nhĩ Kỳ công nhận sự tồn tại cùa nhà nước Do Thái này. Đó là mối quan hệ dựa trên những mối quan tâm chung.
Từ năm 1964 đến 1975, mối quan hệ hòa hảo với Iran đã mở đường cho Israel tiếp cận với người Kurd, lực lượng khi đó đang chiến đấu chống lại chính phủ Iraq.
Thú vị là ở chỗ, người Kurd ở Iraq hiện giờ cũng đang gặp phải tình cảnh rối ren tương tự Israel. Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng nhau vun đắp mối quan hệ với Chính phủ khu vực Kurdistan ở Iraq, đúng vào thời điểm lãnh đạo ở đây đang theo đuổi một nền độc lập tự chủ.
Thanh niên Kurdistan giơ cao khẩu hiệu tuyên bố về nền độc lập. Ảnh: Kurdiu
Các nước Arab thường ví Kurdistan như "Israel mới" của khu vực. Do vậy, chắc chắn rằng sự hậu thuẫn Kurdistan tại vùng Vịnh gần đây bắt nguồn từ quan điểm cho rằng Kurdistan có thể là bức tường ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Iran tại Iraq và Syria.
Một số nhà chiến lược của Saudi mong muốn biến Israel và Kurdistan trở thành những con tốt chống lại vị thế của Iran hiện tại.
Vì lẽ đó, Israel không nên xem việc Saudi "mở cửa" là minh chứng cho sự khởi đầu của một tình bạn chân thành.
Đất nước này nên ghi nhớ rằng, dù chính phủ Tehran vẫn còn nhiều điểm không tốt, Iran vẫn là nước có nhiều điểm tương đồng với Israel về các di sản văn hóa và thái độ gìn giữ nét đa dạng trong khu vực.
Israel có lẽ từng muốn liên minh với Iran, nhưng dù chủ nghĩa cực đoan trong cuộc cách mạng năm 1979, nhà nước Do Thái này cuối cùng đã lựa chọn Saudi. Hiện nay có lẽ sự hợp tác này sẽ mang lại ít nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, trong dài hạn, Israel nên xây dựng mối quan hệ với một số các nhóm khác, mà theo chuyên gia Frantzman là người Kurd.