Một điểm đáng chú ý là ông Tập đã thăm nhiều nước nhỏ bé, xa xôi, nhưng chưa từng sang những nước láng giềng như CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản.
Nhìn vào danh sách các nước được chọn mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng trên website sẽ thấy chỉ trong vòng 31 tháng từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã thăm chính thức 33 quốc gia.
Điều đáng chú ý là tính đa dạng trong các quốc gia được lựa chọn.
Trong đó đương nhiên có những điểm đến có thể đoán trước, gồm 4 chuyến thăm Nga, 2 chuyến thăm Mỹ, 3 chuyến thăm Indonesia.
Hầu hết các chuyến thăm này đều để dự những diễn đàn quốc tế như Hội nghị Bandung, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Olympic mùa đông Sochi…
Nhưng bên cạnh đó còn có hàng loạt chuyến thăm song phương vì mục đích ngoại giao đơn thuần, trong đó có chuyến thăm Nam Phi năm 2013, ngay sau chuyến công du đầu tiên trên cương vị lãnh đạo mới đến Mátxcơva, thăm hầu hết các nước Trung Á trong mùa thu năm 2013; thăm hàng loạt nước Trung Âu trong mùa xuân tiếp theo, sau đó là Mỹ Latin, Nam Á, Úc và New Zealand.
Chỉ trong năm 2014, ông Tập thăm không dưới 20 nước.
Giới quan sát nói rằng, điều dễ thấy là trong danh sách quốc gia mà ông Tập đến thăm không có Nhật Bản và Triều Tiên.
Những căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ năm 2010 cho thấy việc ông Tập chưa thăm Nhật Bản là điều dễ hiểu, nhưng việc nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa sang Triều Tiên được cho là điều bất thường.
Ông Tập đã thăm cả những nước nhỏ bé và xa xôi hơn nhiều như Fiji (dân số chỉ 881.000 người), Maldives (345.000 dân), Trinidad & Tobago (1,3 triệu dân), trong khi chưa đáp một chuyến bay chỉ khoảng 1 giờ để sang nước được cho là đồng minh ngoại giao thân cận nhất của Bắc Kinh.
Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa có chuyến thăm nào đến Trung Đông, cho dù khu vực này vẫn là nguồn cung dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc, cũng được cho là điều đáng ngạc nhiên.
Những chuyến công du của ông Tập nói lên các ưu tiên chiến lược của giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay.
Khi phải đối mặt những thách thức bên trong như GDP tăng chậm lại, việc duy trì những mối quan hệ rộng rãi và hiệu quả với thế giới bên ngoài được coi là ưu tiên cốt lõi của giới lãnh đạo Bắc Kinh, giới quan sát nhận định.
Theo họ, đương nhiên những chuyến thăm này cũng giúp nâng cao hình ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc nhờ các chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc.
Theo cách này, những chuyến đi của ông Tập được coi là một phần trong chiến lược lãnh đạo, rằng họ đang muốn khẳng định giới lãnh đạo hiện nay của Bắc Kinh có cơ hội tốt nhất để đưa Trung Quốc trở thành tay chơi trung tâm và hùng mạnh trên thế giới.
Những bức ảnh các chuyến công du của ông Tập được coi là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng mới của Trung Quốc được thừa nhận bên ngoài biên giới nước này, giới phân tích nhận định.
Trong chuyến thăm Anh đang diễn ra, dự kiến, ông Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Anh được xây trong thế hệ này.
Nhà máy sẽ được hoàn tất vào năm 2025, và Trung Quốc dự kiến đóng góp 30% chi phí xây dựng.
Hai nhà máy điện hạt nhân khác tại Anh cũng có thể được triển khai sau đó.
Trong đó, một nhà máy sẽ do Trung Quốc thiết kế, đánh dấu lần đầu tiên nước này thể hiện công nghệ hạt nhân của mình ở nước ngoài.
Các thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc đạt được trong chuyến công du của ông Tập lần này ước tính có tổng trị giá hơn 30 tỷ bảng Anh, BBC đưa tin hôm qua.