Ngày mai, "thảm đỏ rực rỡ nhất" sẽ chờ đón ông Tập ở châu Âu

My Lan |

Một thập kỷ qua, "quan hệ đối tác chiến lược" là điều được Trung Quốc và Anh nhiều lần nhắc tới, song vài tháng trở lại đây, người ta mới thấy được những biến chuyển rõ nét nhất.

Thời cơ "vàng"

Chuyến thăm kéo dài 5 ngày, từ 19/10, của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới London sẽ đánh dấu thời khắc quan trọng, mang tính quyết định trong mối quan hệ giữa 2 nước.

10 năm sau chuyến thăm Anh cuối cùng của một nhà lãnh đạo Trung Quốc, có nhiều vấn đề chứ không chỉ đơn giản là tăng cường mối quan hệ song phương.

Báo Hồng Kông Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) nhận định, trong khi Bắc Kinh cần thị trường nước ngoài để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng kinh tế, London cũng cần đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết.

Nói một cách đơn giản hơn, Anh đang khao khát trở thành "đối tác tốt nhất của Trung Quốc ở phương Tây" và nước này có vẻ như sẽ làm tất cả để "bảo toàn" danh xưng này.

Chuyến đi lần này của ông Tập tới Anh quan trọng tới mức, cả 2 bên không thể cho phép bất kỳ vấn đề nào làm hỏng việc ký kết các thỏa thuận, kể cả các vấn đề vốn được coi là nổi cộm như Tây Tạng, Hồng Kông hay nhân quyền.

Để làm được điều này, trên thực tế, Anh, và cả Trung Quốc, đã chuẩn bị trước rất nhiều.

Đại sứ Trung Quốc ở Anh Lưu Hiểu Minh đã nhắc nhở Anh không đề cập tới các vấn đề có liên quan tới nhân quyền trong sự kiện sắp tới, vì Chủ tịch Trung Quốc sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu chuyến thăm của ông bị sử dụng để khơi lên chủ đề này.

“Chúng tôi không lảng tránh việc trao đổi các vấn đề nhân quyền. Nhưng chúng tôi phản đối việc sử dụng vấn đề này để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác cũng như áp đặt thể chế của các bạn lên nước khác”.

Đề nghị này của ông Lưu nhiều khả năng được London chấp nhận, bởi trong chuyến thăm hồi tháng Chín của Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, vấn đề này đã hoàn toàn không có trong chương trình nghị sự, ít nhất là theo những gì được công bố.

Bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt thì công khai nhắc nhở người dân nước này cần phải làm việc chăm chỉ như người Trung Quốc.

Báo Hồng Kông
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP)
Quan hệ Anh – Trung hiện nay nồng ấm tới mức, điều bất đồng duy nhất giữa 2 nước có vẻ chỉ nằm ở chỗ, thực sự thì nó quý hóa tới mức nào.

Ông Osborne ca ngợi đây là "thập kỷ vàng" cho quan hệ song phương, còn Thủ tướng Anh David Cameron có phần khiêm tốn hơn khi gọi năm 2016 là "năm vàng". Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh cũng không thể kém cạnh khi dùng tới cụm từ "kỷ nguyên vàng".

Trong chuyến thăm London hồi năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chê Anh thiếu lịch sự khi thảm đỏ dẫn tới bậc thang lên máy bay bị hụt mất vài mét.

Tuy nhiên, lần này, theo SCMP, Hoàng gia cũng như Thủ tướng Anh Cameron sẽ trải "thảm đỏ rực rỡ nhất" để đón tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Quốc yến chiêu đãi ông Tập và phu nhân dự kiến sẽ được tổ chức tại Cung điện Buckingham mà không có sự xuất hiện của Hoàng tử Charles - nhân vật từng hơn một lần chỉ trích Trung Quốc.

"Lựa chọn chiến lược"

Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Anh Osborne đã kêu gọi thầu các hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc HS2 trị giá 11,8 tỉ bảng, nối liền một số thành phố nước Anh.

Điều đáng chú ý là đề án này phải còn khá lâu nữa mới được phê duyệt.


Bộ trưởng Tài chính Anh bắt tay Thủ tướng Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 9.

Bộ trưởng Tài chính Anh bắt tay Thủ tướng Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 9.

Ông Osborne cũng cam kết hỗ trợ bước đầu 2 tỉ bảng Anh cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 16 tỉ bảng Anh tại Somerset - vốn là đề án mà 2 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc về hạt nhân quan tâm.

Đối với nhiều nhà phê bình, việc đặt chỉ một phần nhỏ tương lai điện hạt nhân trong nước vào tay nhà đầu tư nước ngoài đã là một ý tưởng gây sốc.

Anh cũng có đề án trở thành quốc gia phương Tây đầu Tiên phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Tổng cộng, hai quốc gia đã kí kết 53 thỏa thuận trong khuôn khổ Đối thoại Tài chính và Kinh tế Trung - Anh hồi tháng Chín vừa qua.

Sắp tới, tại Anh, ông Tập Cận Bình sẽ công bố các thỏa thuận đầu tư trị giá nhiều tỉ bảng Anh.

Hai bên cũng được kỳ vọng sẽ trao đổi để tăng cường hiểu biết song phương về hàng loạt các dự án kinh doanh, đồng thời có thể sẽ ký kết thêm các thỏa thuận khác nữa – hiện vẫn đang nằm trong vòng bí mật.

Giám đốc Viện chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham (Anh) Niv Horesh nhận định, đã có một sự thay đổi trong chính sách của chính phủ Anh đối với Trung Quốc và do Bộ Tài chính, chứ không phải Bộ Ngoại giao nước này, đề ta.

Hiện nay, Anh vẫn chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc ở EU, sau Đức.

Ông Horesh cũng cảnh báo, Anh phải cẩn thận để không bị coi là "hạ mình hay lên lớp" với Trung Quốc.

Giáo sư Anh
Niv Horesh
Quan hệ Anh - Trung đang nằm ở ngã tư đường, và chính phủ Anh đã ra một số quyết định thực sự thực sự mang tính then chốt... Nói một cách đơn giản, Anh cần sắp xếp lại thứ tự ưu tiên.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hết lời ca ngợi việc Anh quyết định tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc.

"Anh đã nói rằng họ muốn trở thành quốc gia phương Tây cởi mở nhất với Trung Quốc. Đây là lựa chọn chiến lược và có tầm nhìn xa, hoàn toàn phù hợp với lợi ích lâu dài của Anh.

Trung Quốc hi vọng có thể hợp tác với Anh trong phạm vi rộng lớn hơn, ở mức độ cao hơn và sâu hơn".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại