Đối ngược với hình ảnh một lãnh đạo với tín nhiệm cao và được dân chúng yêu mến tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin trong mắt phương Tây lại được mô tả như một nhân vật phản diện, một cỗ máy chiến tranh, hay thậm chí một kẻ độc tài.
Vì sự đối địch giữa Nga và phương Tây, sự khác biệt rõ rệt trong đánh giá một cá nhân có ảnh hưởng lớn như ông Putin để đạt được mục đích tuyên truyền của riêng mình là hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học New York, ông Mark Galeotti, phương Tây đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi áp dụng cách nhìn nhận thiển cận, nặng tính tuyên truyền về Putin để hoạch định chính sách đối phó với Nga, đặc biệt là trong tình hình Syria hiện nay.
Ông Galeotti cho rằng, việc Nga can thiệp vào Syria hơn hết đã khiến Washington "bẽ mặt". Những đợt không kích của các phi đội Su-25 đã không chỉ giúp Moscow phô diễn sức mạnh quân sự, mà còn thể hiện quyết tâm khẳng định vị thế cường quốc của Nga trên toàn cầu.
Máy bay Nga xuất kích từ căn cứ Latakia. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, theo chuyên gia này, những lời chỉ trích của phương Tây về động thái của Nga lại thể hiện một tiêu chuẩn kép đáng lo ngại.
Chỉ trích lấy được?
Hãy cũng điểm qua những lời chỉ trích phổ biến được các chính trị gia Washington đưa ra nhắm vào Nga trong vấn đề Syria.
"Nga không có nghĩa vụ gì ở Syria"
Theo giáo sư Galeotti, dù Bashar al-Assad có "độc tài" hay không, thì chính phủ của ông này vẫn là một chính phủ hợp hiến được cộng đồng quốc tế công nhận, và thậm chí còn có đại sứ quán ngay tại Washington.
Để giải quyết nội chiến, al-Assad đã "cầu cứu" Nga. Với tư cách đồng minh được chính phủ đương nhiệm một quốc gia "mời" đến hỗ trợ quân sự, việc Nga có mặt tại Syria hoàn toàn hợp lẽ.
Mặt khác, theo ông Galeotti, có lẽ chính Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ mới "không có quyền hành hay nghĩa vụ" tại Syria. Cái gọi là "mục đích nhân đạo" của Mỹ trong chiến dịch lật đổ chính phủ al-Assad, công bằng mà nói, thực sự không đủ sức thuyết phục.
Cũng phải thừa nhận rằng, nếu al-Assad bị lật đổ, nhiều khả năng chế độ thay thế sẽ bớt tàn bạo và chính đáng hơn. Nhưng những gì xảy ra tại Iraq (Saddam Hussein) hay Libya (Muammar Gaddafi) trước đó cũng cho thấy, gạt bỏ độc tài không đồng nghĩa với đem lại bình ổn.
"Nga đang không kích lực lượng 'nổi dậy ôn hòa'"
Theo ông Galeotti, ngoài việc rất nhiều phần tử trong hàng ngũ được Mỹ đặt cho cái tên "nổi dậy ôn hòa" này thực chất không hề "ôn hòa" chút nào, bản thân Nga cũng không hề giấu giếm ý định bảo vệ chế độ Assad. Và để làm như vậy, đương nhiên Moscow phải "xử lý" phe nổi dậy.
Trong khi phiến quân IS tập trung phần nhiều ở khu vực đông bắc Syria, thì quân đội chính phủ lại nằm ở phía tây và nam. Do đó việc Nga có nhắm vào phe nổi dậy, các mục tiêu mang mối đe dọa trực tiếp hơn đối với Damascus, cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.
"Nga đang hành động nguy hiểm, có thể dẫn tới va chạm giữa máy bay Nga và phương Tây"
Theo ông Galeotti, rủi ro này đúng là có thể xảy ra, nhất là với việc phi công Nga nổi tiếng "hung hãn" hơn các đồng nghiệp Syria. Dù là vô tình, cũng không thể phủ nhận sự bất cẩn của người Nga hai tuần trước khi một chiếc Su-24 đã "vượt biên" sang Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO.
Nhưng đấy là chuyện khác. Theo ông Galeotti, điểm vô lý trong lời chỉ trích này của phương Tây là việc trong khi Nga được sự cho phép của chính phủ al-Assad hoạt động trên không phận Syria, thì Mỹ và các đồng minh lấy quyền gì để "dạy đời" Nga như vậy?
"Việc 'tránh va chạm' phải chăng nên là trách nhiệm của Mỹ và đồng minh?" - giáo sư này đặt dấu hỏi.
Tiêu chuẩn kép "nguy hiểm và ngu ngốc"
Nói tóm lại, rõ ràng Nga đến Syria với những toan tính của riêng mình. Bảo vệ al-Assad và đánh IS là một chuyện, nhưng Nga cũng muốn giành ảnh hưởng tại Trung Đông, và cũng muốn "đá" quả bóng Ukraine sang phương Tây.
Nhưng trong địa chính trị, hành động phục vụ lợi ích cá nhân thì có gì lạ?
Trong bài viết của mình, ông Galeotti đã hỏi ngược Mỹ rằng, việc nước này phát động chiến tranh ủy nhiệm chống lại al-Assad, một kẻ độc tài tàn bạo trong mắt Washington, thì giúp ích gì cho người dân Syria?
Nếu Mỹ thực sự muốn áp đặt những chuẩn mực đạo đức của mình, thì chẳng nói đâu xa, ngay chính những đồng minh trong chiến dịch Syria của họ như Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia cũng không thiếu những vấn đề nhân quyền cần giải quyết.
Chuẩn mực đạo đức của Mỹ ở đâu khi đồng minh Saudi Arabia của họ vẫn áp dụng chém đầu như một hình thức hành hình hợp pháp? Ảnh: Reuters
Theo ông Galeotti, đây không đơn thuần chỉ là chiêu trò lên án một bên khác để làm bia đỡ đạn tránh chỉ trích nhắm vào mình, mà nó cho thấy Mỹ một mặt đang hành động một cách thực dụng, nhưng mặt khác lại suy nghĩ theo cái chuẩn mực đạo đức mà họ muốn hướng tới.
Cách tiếp cận theo kiểu tiêu chuẩn kép này của Mỹ là "hết sức nguy hiểm và ngu ngốc", theo lời của ông Galeotti.
Giáo sư này nhấn mạnh, việc nhìn nhận chính phủ al-Assad, hay thậm chí cả Putin, bằng con mắt đạo đức, mà không hành xử đúng với chuẩn mực tự đặt ra, sẽ chỉ khiến phương Tây ngày một tách rời Nga, lòng tin trở nên mai một, và dẫn tới hàng loạt những đánh giá sai lầm.
"Sự thật đáng buồn là hiện nay tại Syria, cũng như trên nhiều phương diện khác, Putin đang lạnh lùng lợi dụng và đẩy lên một nấc nữa chính những tiền lệ mà phương Tây đã đặt ra" - ông Galeotti kết luận.
Chưa nói quan điểm của giáo sư này đúng hay sai, nhưng việc một chuyên gia nổi tiếng khắt khe và thường xuyên chỉ trích Nga như ông Galeotti lại có thể viết một bài phân tích theo hướng này thật không khỏi khiến người ta phải tự hỏi, phải chăng phương Tây đang thực sự gặp vấn đề?