Bộ ba cố vấn “diều hâu” của ông (nữ Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland, Giám đốc Cục tình báo quốc gia Mỹ James Klepper và Tổng Chỉ huy các lực lượng NATO ở châu Âu Philip Breedlove) thậm chí phớt lờ lập trường của ông và công khai cổ động cho việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Tại Hội nghị về an ninh họp ở Munchen (Đức) hồi tháng 2, Nuland và Breelove trong hậu trường đã ra sức thuyết phục các đồng minh châu Âu tin rằng cần cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Giữa tháng 3, trong phiên họp của Tiểu ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Nuland kêu gọi Mỹ cung cấp vũ khí ngay lập tức cho Kiev.
Còn Breedlove, để cổ động cho việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đã nhiều lần khẳng định quân đội Nga tham chiến ở miền Đông Ukraine mặc dù không đưa ra được bất lỳ bằng chứng gì.
Thuộc phái “diều hâu” cổ động cho việc cung cấp vũ khí cho Ukraine còn có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey.
Nhưng tổng thống Obama vẫn do dự chưa quyết. Tại sao?
Có thể tìm thấy lời giải đáp qua cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình mới đây của nghị sĩ Ukraine Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine.
Ông Gerashchenko cho biết, trong chuyến đi thăm Mỹ vừa qua, khi gặp gỡ các chính khách Mỹ, ông đã nhiều lần đặt câu hỏi tại sao tổng thống Obama khăng khăng từ chối thực hiện yêu cầu của Quốc hội Mỹ đòi cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Và ông được trả lời đó là vì ông Obama đã nhận được hai lời cảnh báo của tổng thống Nga Putin về những hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ hành động như vậy.
Cũng theo lời ông Gerashchenko, ông đã nhận được thông tin cụ thể về hai lời cảnh báo này. Trong lời cảnh báo thứ nhất, tổng thống Putin khẳng định nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho các đơn vị quân đội Ukraine đang giao chiến ở Donbass, quân đội Nga sẽ tiến vào lãnh thổ Ukraine và chiếm thủ đô Kiev.
Còn trong lời cảnh báo thứ hai, tổng thống Putin tuyên bố nếu ai đó cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, Nga sẽ quốc hữu hoá tất cả các khoản đầu tư của châu Âu và Mỹ trên đất Nga (tổng trị giá gần 700 tỷ USD).