Đập tan lo ngại xung đột Trung - Nhật
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cuối cùng đã từ chối lời mời của Trung Quốc tới tham dự lễ duyệt binh kỉ niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, diễn ra vào ngày 3/9 tới đây tại Bắc Kinh.
Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga hôm 24/8 xác nhận: “Thủ tướng Shinzo Abe sẽ không dự buổi lễ đó. Quyết định được đưa ra dựa trên tình hình trong quốc hội... Chúng tôi đã thông báo điều này cho phía Trung Quốc".
Học giả Dingding Chen là trợ lý giáo sư tại Đại học Macao và là nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách công toàn cầu ở Berlin (Đức). Ông cũng là Giám đốc sáng lập viện chính sách độc lập Intellisia Institute, chuyên nghiên cứu và tư vấn các vấn đề quốc tế ở Trung Quốc.
Trong một bài viết trên tờ The Diplomat, nhà nghiên cứu độc lập người Trung Quốc Dingding Chen cho rằng, quyết định này sẽ là một trở ngại lớn đối với chính sách ngoại giao của ông Abe, đặc biệt là về quan hệ Trung - Nhật.
"Tất nhiên, ông Abe cũng có những lý do đúng đắn để không tham dự lễ duyệt binh, song nếu xem xét tất cả, thì rõ ràng là ông Abe nên tới Trung Quốc, vì lợi ích của Nhật Bản và của cả khu vực".
Ông Chen đã đưa ra các lý do "hợp lý" cho việc vì sao nhà lãnh đạo Nhật Bản nên thay đổi quyết định.
Đầu tiên và quan trọng nhất, theo học giả Chen, sự hiện diện của ông Abe ở Bắc Kinh ngày 3/9 có thể gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng quan hệ Trung - Nhật có thể được cải thiện một cách đáng kể.
Kể từ năm 2012, quan hệ giữa 2 quốc gia này đã xấu đi và vẫn chưa thể được cải thiện, bất chấp nỗ lực từ cả 2 phía.
Trong khi đó, theo chuyên gia Chen, Bắc Kinh và Tokyo đều không thể thiếu được đối với sự phát triển trong tương lai của đối phương - Đó là điều không cần phải bàn cãi.
Ông này lý giải: "Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, còn Nhật Bản xếp thứ ba. Nếu hai người khổng lồ châu Á không thể hợp tác một cách có hiệu quả, thì Đông Á cũng không thể ổn định".
Sự xuất hiện của Thủ tướng Nhật Bản tại lễ duyệt binh ngày 3/9 ở Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải những tiếng nói phản đối từ trong nước, song đối với một chính trị gia "có nhiều khát vọng" như ông Abe, tương lai của Nhật Bản và Đông Á nên được xem trọng hơn.
Thứ hai, theo phân tích của học giả Trung Quốc, ông Abe đang phải đấu tranh với những sự phản đối trong nội bộ quốc gia mình đối với dự luật mở rộng vai trò của quân đội.
"Lý do cơ bản khiến nhà lãnh đạo Nhật Bản rơi vào tình thế đó là bởi người dân nước này lo ngại rằng, luật mới có thể đẩy nước này vào một cuộc xung đột quân sự thực sự với Trung Quốc".
Với ông Abe, quan hệ Trung - Nhật cải thiện sẽ làm giảm đáng kể mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc và giảm khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa 2 bên.
Như vậy, "nỗi lo lắng của người dân Nhật Bản cũng sẽ giảm đi và có thể họ sẽ ủng hộ nhiều hơn cho dự luật của ông Abe".
Những tiếng nói ủng hộ
Thêm nữa, tỉ lệ ủng hộ ông Abe tại Nhật đang giảm trong vài tháng trở lại đây, dù rằng ông vẫn được đánh giá là một nhà lãnh đạo quyền lực.
"Các đồng minh chính trị cánh hữu của ông này có thể sẽ là người chịu nhiều mất mát nhất nếu ông Abe tới Nhật, bởi họ cho rằng, điều đó thể hiệnTrung Quốc một lần nữa lại chiến thắng Nhật Bản. Các nhóm cánh hữu này chắc chắn sẽ gây áp lực cho ông Abe".
Tuy nhiên, chuyên gia Chen đã so sánh chuyến đi ngày 3/9 của nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Bắc Kinh với "chuyến đi Trung Quốc của (cố Tổng thống Mỹ) Nixon" năm 1972, "nếu chiếu theo lịch sử".
"Ông Abe có thể phải trả giá về chính trị cho việc tới Trung Quốc dự lễ duyệt binh, nhưng nó sẽ chẳng là gì so với những thành quả lớn mà ông đạt được từ chuyến thăm".
Bài viết trên tờ The Diplomat nhận định, mặc dù Mỹ không hề thích việc ông Abe đến lễ duyệt binh của Trung Quốc, song nước này sẽ miễn cưỡng chấp nhận nếu đó là quyết định của Thủ tướng Nhật.
"Có nhiều điều khiến Mỹ phải lo lắng hơn ở thời điểm hiện tại... Vì lợi ích của việc duy trì ổn định và hòa bình ở Đông Á, Trung Quốc nên ủng hộ mối quan hệ tốt đẹp Trung - Nhật".
Bài phân tích kết luận rằng, "sự xuất hiện của ông Abe tại lễ duyệt binh của Trung Quốc là cơ hội vàng để cải thiện quan hệ Trung - Nhật, nếu đó là điều mà ông Abe thực sự muốn đối với 2 quốc gia.
Tất nhiên, Trung Quốc nên có một động thái tốt đẹp để đảm bảo rằng sự tham dự của ông Abe không phải là khoảnh khắc sỉ nhục đối với nước Nhật.
Cả 2 bên có thể cùng nỗ lực một cách chân thành để giải quyết vấn đề lịch sử đầy gai góc trong quan hệ song phương".