Sáng hôm qua (25/8), Bộ ngoại giao Trung Quốc đã công bố bản danh sách lãnh đạo các quốc gia tới tham dự hoạt động kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II của nước này, cũng như tình hình các quân nhân ngoại quốc tham gia lễ duyệt binh.
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, trong bối cảnh Mỹ không cử lãnh đạo hay quan chức cấp cao nào tham dự lễ duyệt binh và quân đội Mỹ tẩy chay Trung Quốc, thì việc có 30 lãnh đạo quốc gia và 19 quan chức cấp cao chính phủ nhân lời Bắc Kinh đã là "thành tích ngoại giao không tệ".
Ngoài 11 quốc gia cử quân nhân, còn có 6 nước khác cử đội đại diện tham gia lễ duyệt binh của Trung Quốc. Bắc Kinh quyết biến lễ duyệt binh ngày 3/9 thành cuộc kiểm duyệt quân sự 'náo nhiệt' nhất thế giới trong những năm gần đây, Hoàn Cầu cho biết.
Khách mời Trung Quốc xem là "tôn quý nhất" chính là Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngoài ra các quốc gia khác thuộc Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và khối BRICS cũng có lãnh đạo hoặc quan chức cấp cao tới Bắc Kinh.
Về phía phương Tây, Pháp, Hà Lan, Italy, Australia cử Ngoại trưởng hoặc quan chức tương đương cấp Bộ trưởng, trong khi Anh, New Zealand chỉ cử đặc sứ của Thủ tướng.
Ngoài ra, các đại sứ tại Trung Quốc sẽ đại diện cho Mỹ, Đức, Canada tham dự lễ duyệt binh nói trên.
Thái độ hờ hững rõ rệt của phương Tây, từ truyền thông tới các chính phủ, khiến Trung Quốc đành phải "ngậm ngùi" chấp nhận sự thật nước này "hiển nhiên không phải là quốc gia có khả năng 'nhất hô bách ứng' trên thế giới".
Thời báo Hoàn Cầu thừa nhận, Trung Quốc không có sức kêu gọi mạnh mẽ. Nếu những hành động của Trung Quốc không được Mỹ tán thành hoặc thậm chí tẩy chay, thì điều này sẽ là trở ngại và phiền phức rất lớn. Bắc Kinh tự mình hiểu rõ điều này.
Trong 2 năm trở lại đây, các mâu thuẫn, phân cực về chính trị trên thế giới gia tăng, xuất phát từ khủng hoảng Ukraine, vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên, vấn đề biển Đông... cũng khiến quan hệ Trung-Mỹ dần trở nên vô cùng nhạy cảm.
Trước việc bị cộng đồng quốc tế, mà chủ yếu là Washington, chỉ trích gay gắt về thái độ hung hăng, ngang ngược ở biển Đông kể từ năm 2014, Bắc Kinh đang tham vọng biến lễ duyệt binh thành một bước "lật ngược thế cờ".
Trung Quốc nhiều lần tuyên bố muốn trở thành nước khởi xướng "khối đoàn kết quốc tế" và xây dựng một "cuộc chơi đa phương" được quốc tế đón nhận nhiều nhất từ trước tới nay.
Hoàn Cầu tỏ ra cay cú khi bình luận "hành động tẩy chay duyệt binh cho thấy Mỹ hẹp hòi", nhưng Trung Quốc cũng... "sẵn lòng bao dung".
"Điều quan trọng là chúng ta có thái độ tích cực trong kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng của Trung Quốc. Đối với những hậu duệ 'bảo thủ' của các đồng minh người Mỹ thời xưa, chúng ta sẵn lòng... cười mà cho qua." - Hoàn Cầu bình luận "kẻ cả".