Vì sao TQ bất lực trong việc tự chủ kết quả của lễ duyệt binh?

Hải Võ |

Càng đến gần thời điểm diễn ra lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Trung Quốc, mối quan hệ Mỹ-Nhật-Trung-Hàn càng xuất hiện những vấn đề nhạy cảm.

Nhạy cảm trong quan hệ "tam giác" Nhật-Trung-Hàn

Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc gần đây nhận định, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye nên tới Trung Quốc tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, diễn ra vào ngày 3/9 tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Trang Đa Chiều (Mỹ) cho rằng, quan điểm của JoongAng Ilbo phần nào phản ánh được mối quan ngại của xã hội Hàn Quốc vào thời điểm này.

Một mặt, Seoul phải quan tâm đến phản ứng của Mỹ, Nhật Bản về vấn đề này, trong khi nước này cũng không muốn làm mếch lòng Bắc Kinh, khi mà hơn 25% giá trị mậu dịch của nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đa Chiều cảnh báo, việc Tổng thống Park bỏ qua "cơ hội" đến Trung Quốc ngày 3/9 tới có thể ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Hàn vốn đang tiến triển tốt đẹp.

Cùng là đồng minh của Mỹ, nhưng mối quan hệ Nhật-Hàn khá nhạy cảm, đặc biệt trong lập trường của Seoul và Tokyo đối với Trung Quốc.

Cùng là đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á, nhưng mối quan hệ Nhật-Hàn khá nhạy cảm, đặc biệt trong lập trường của Seoul và Tokyo đối với Trung Quốc.

Tại Đông Bắc Á, quan hệ "tam giác" Nhật-Trung-Hàn được đánh giá là tiềm ẩn nhiều bất ngờ và khó lý giải.

Trước đây, một số quan chức cấp cao Trung Quốc từng tuyên bố ông Tập Cận Bình đã "mở lời" mời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, khẳng định ông Abe có thể "học theo Thủ tướng Đức Angela Merkel" hồi tháng 5 và đến Bắc Kinh sau khi lễ duyệt binh kết thúc.

Tuy nhiên, diễn biến tích cực trong quan hệ Trung-Nhật "đổi chiều" nhanh đến chóng mặt.

Sau chuyến công du của các quan chức cấp cao Nhật tới Trung Quốc hồi tháng 7 thì mới đây tại Kuala Lumpur, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bất ngờ tuyên bố "không có thông tin gì về việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới Bắc Kinh".

Động thái của ông Vương được cho là "bước ngoặt" mới đáng kể nhất trong quan hệ Trung-Nhật, có thể xuất phát từ sự bất mãn của Trung Quốc trước lập trường kiên quyết của ông Shinzo Abe trong tuyên bố về Thế chiến II.

Trong bài phát biểu về vấn đề lịch sử nhân dịp 70 năm kết thúc Thế chiến II hôm 14/8, ông Abe có nhắc tới những từ như "xâm lược", "phản tỉnh", "xin lỗi" và khẳng đinh "các thế hệ sau này của Nhật Bản sẽ không phải xin lỗi cho sai lầm của thế hệ trước".

Bộ ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức đưa ra phản ứng và chỉ trích phát biểu của Thủ tướng Abe "không chân thành".

Tuy nhiên, theo Đa Chiều, cũng có bình luận cho rằng Thủ tướng Nhật Bản đã cự tuyệt Bắc Kinh một cách khéo léo và tránh gây ra ấn tượng ông "tạ tội trước Trung Quốc" trên truyền thông Nhật cũng như quốc tế.

Chỉnh bởi tính phức tạp trong các khúc mắc về lợi ích quốc gia giữa các bên ở Đông Bắc Á, lễ duyệt binh 3/9 của Trung Quốc được đánh giá như một "cuộc diễu võ giương oai của Trung Quốc" và là "bàn cờ địa chính trị khu vực".

Trung Quốc muốn lễ duyệt binh thành công, thì vừa phải làm tốt công tác đón khách, vừa đạt mục tiêu "gây áp lực" lên Tokyo nhưng lại không được "quá đà" để nghi thức này trở thành một "cuộc duyệt binh chống Nhật" trên báo chí.

Một đại lô được phong tỏa ở Bắc Kinh để các phương tiện quân sự tập dượt trước lễ duyệt binh ngày 3/9. Ảnh: AFP.

Một đại lô được phong tỏa ở Bắc Kinh để các phương tiện quân sự tập dượt trước lễ duyệt binh ngày 3/9. Ảnh: AFP.

Mỹ tẩy chay lễ duyệt binh, mục đích của Trung Quốc "phá sản"?

Đa Chiều nhận xét, lễ duyệt binh của Trung Quốc phản ánh quan hệ "tam quốc" Đông Bắc Á và hơn nữa là hiện thực quan hệ quốc tế.

Theo đó, sở dĩ sự kiện mà Trung Quốc xem là "trọng đại" này vấp phải thái độ tiêu cực, bàng quan từ phương Tây chủ yếu do Mỹ. Nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự lễ duyệt binh, tình hình sẽ khác hơn rất nhiều, Đa Chiều bình luận.

Là quốc gia đóng vai trò chủ đạo ở phương Tây, Tổng thống Mỹ có thể "lôi kéo" các lãnh đạo châu Âu và các nguyên thủ khác ở châu Á-Thái Bình Dương tới Bắc Kinh.

Tuy nhiên, thực tế phũ phàng đối với Trung Quốc là ông Obama sẽ không tới lễ duyệt binh của họ, xuất phát từ hàng loạt mâu thuẫn gay gắt giữa Mỹ-Trung trong 3 tháng trở lại đây.

Ở cả biển Hoa Đông và biển Đông, các tuyên bố và hành động hung hăng của Trung Quốc đang biến nước này thành một mối đe dọa đáng kể trong mắt Washington, đồng thời thúc đẩy chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" bước vào giai đoạn "sâu" hơn.

Trước sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh đang dần phải chấp nhận giải quyết vấn đề biển Đông thông qua đàm phán đa phương và đồng ý nhanh chóng tiến tới thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thậm chí, trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6, nhóm này cũng đã tỏ rõ thái độ "quan ngại sâu sắc" về các hành động làm phức tạp tình hình của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Đây cũng là lần đầu tiên, Trung Quốc bị nhìn nhận (một cách không đích danh) là nhân tố chủ yếu gây bất ổn trong khu vực bằng những hành động thay đổi hiện trạng trên biển của mình.

Điều mỉa mai đối với Bắc Kinh là, chính kế hoạch bành trướng ngang ngược của nước này trong khu vực đã làm lu mờ "giá trị chính nghĩa" mà họ đang cố tìm cách khuếch trương bằng lễ duyệt binh.

Thêm vào đó, làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đến từ Mỹ đã "chặn đứng" cửa ngõ tuyên truyền "vị thế nước chiến thắng" của Trung Quốc vào phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại