Bài viết khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ-ASEAN là cơ hội để Quốc hội Mỹ khẳng định lợi ích của đất nước và phê chuẩn tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bài viết cho rằng, hiện dân số của 10 quốc gia thành viên ASEAN khoảng 660 triệu người, đại diện cho nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, tầm quan trọng của khu vực ASEAN đủ sức thuyết phục để Mỹ đưa ra các cam kết chiến lược với các đồng minh và đối tác, phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo đồng thời kiên quyết bảo vệ quyền tự do đi lại tại khu vực.
Một điều rõ ràng rằng, ngày càng nhiều lãnh đạo quân đội Mỹ, các nhà hoạch định an ninh quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và các quốc gia thành viên ASEAN trông chờ Quốc Hội Mỹ sẽ phê chuẩn UNCLOS để có thể giải quyết và đối phó hiệu quả với các hành động hiếu chiến vẫn không ngừng diễn ra của Trung Quốc tại Biển Đông.
UNCLOS được thông qua vào năm 1982, có 162 quốc gia thành viên tham gia, trong đó cả Trung Quốc và Nga, nội dung Công ước điều chỉnh các hoạt động tại các đại dương trên thế giới, trong đó Mỹ chưa ký tham gia công ước này.
Không thể phủ nhận rằng, UNCLOS có thể đóng góp một giải pháp quan trọng trong giải quyết các tranh chấp, nhưng nó cũng có thể là cơ sở để một số nước lợi dụng từ đó có thể làm phát sinh các tranh giành lãnh thổ và tài nguyên trên biển.
Tuy nhiên, đã đến lúc Mỹ cần gác lại các vấn đề đảng phái để tập trung vào lợi ích quốc gia, trong đó có quyền đi lại tự do vô hại.
Hạm đội 7 của Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải tại các khu vực có tranh chấp do Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông.
Cơ sở quan trọng để Mỹ triển khai các hoạt động này là các quy định của UNCLOS, trong đó có các quy định về việc đi lại qua “các eo biển quốc tế” và các “vùng đặc quyền kinh tế”.
Nhìn chung, việc ký tham gia UNCLOS sẽ tạo cơ sở vững chắc hơn cho quân đội Mỹ thực thi quyền tự do đi lại phù hợp với nhiều chương trình, sáng kiến quan trọng do Mỹ đề xướng.
Việc phê chuẩn UNCLOS cũng tạo cho Mỹ có địa vị pháp lý phù hợp để tham gia các hoạt động tố tụng tại các cơ quan tài phán có chức năng giải quyết tranh chấp quốc tế và do đó có thể tránh được các va chạm nguy hiểm với các lực lượng hải quân và tàu cá bán quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.
Hơn nữa, điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ tăng cường các kênh hợp tác chính thức với các nước, bởi hầu hết các đồng minh, đối tác của Mỹ đều là thành viên của UNCLOS.
Việc ký UNCLOS sẽ tạo sức thuyết phục hơn khi Mỹ “niệm câu thần chú”: “Mỹ yêu cầu tự do tối đa cho cả tàu hải quân và thương mại khi di chuyển và hoạt động ngoài khơi bờ biển các nước mà không gặp phải bất kỳ sự sự can thiệp nào.”
Rõ ràng Mỹ sẽ có cơ sở hơn để thực thi quyền tự do đi lại và tiếp cận toàn cầu đối với các tàu quân sự, thương mại, máy bay và hệ thống cáp quang ngầm dưới biển thông qua việc phê chuẩn UNCLOS, Công ước mà lâu nay Mỹ vẫn đang dựa vào để khẳng định quyền tự do đi lại của mình.
Việc phê chuẩn UNCLOS cũng sẽ cho phép Mỹ giành vị trí chiến lược tại khu vực Thái Bình Dương đồng thời biến lời nói thành hành động nhằm tạo sự tin tưởng vào lời nói của Mỹ trong bối cảnh nổi lên mối quan ngại rằng một số quốc gia thành viên UNCLOS đang cố gắng thay đổi cán cân tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Tư cách thành viên UNCLOS còn tạo cho Mỹ cơ sở pháp lý để ủng hộ và thúc đẩy các biện pháp hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp dựa trên quy định của luật pháp quốc tế.
Từ vụ Philippine kiện Trung Quốc tại Tòa trọng tài Quốc tế cho thấy, việc chưa phê chuẩn UNCLOS đang làm Mỹ mất đi nhiều đòn bẩy hỗ trợ quốc tế mà Mỹ có thể lợi dụng để bảo vệ quyền lợi của mình, nhất là quyền tự do đi lại.
Tất nhiên, thách thức cấp bách nhất hiện nay đối với Biển Đông là làm thế nào để tránh được các cuộc xung đột nổ ra giữa lực lượng vũ trang của các quốc gia có yêu sách, đây là điều hết sức nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến sự leo thang hơn nữa và làm gia tăng khả năng can dự của quân đội các nước lớn.
Mặc dù chưa ký UNCLOS nhưng Mỹ hiện vẫn luôn cho rằng cần dựa vào các quy định của UNCLOS để giải quyết các tranh chấp phát sinh trên biển.
Cuối cùng, việc tham gia UNCLOS cũng có thể giúp Mỹ có cơ sở trong việc bảo vệ những lợi ích của mình ở Bắc Cực, khu vực được cho là có lợi ích an ninh hàng hải và kinh tế ngày càng quan trọng.
Hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới là thời điểm lý tưởng để Mỹ xây dựng quan hệ đối tác sâu sắc hơn với ASEAN, điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ thực hiện thành công chiến lược tái cân bằng hướng tới châu Á - Thái Bình Dương.
Việc công bố một kế hoạch phê chuẩn UNCLOS cũng sẽ tạo ra sự thuyết phục và tin tưởng hơn vào các tuyên bố của Mỹ.
Chúng ta hãy trông chờ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ mang lại những kết quả đích thực, có thể giúp ổn định tình khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông./.