Trước động thái của Bình Nhưỡng, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 3/2 khẳng định Bắc Kinh "vô cùng quan ngại".
Ông Lục nói: "Chúng tôi hết sức quan ngại với thông tin liên quan [về việc Triều Tiên phóng vệ tinh]. Triều Tiên vốn dĩ nên có quyền lợi khai thác, sử dụng không gian một cách hòa bình.
Tuy nhiên, quyền lợi này của họ hiện đang bị hạn chế bởi nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong tình hình hiện tại, chúng tôi hy vọng Triều Tiên kiềm chế về vấn đề phóng vệ tinh, hành động một cách cẩn trọng, không có bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang cục diện căng thẳng trên bán đảo."
Hôm 2/2, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố, Bình Nhưỡng lợi dụng công nghệ tên lửa đạn đạo để tiến hành phóng vệ tinh là hành động "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ quốc tế", chứng minh mạnh mẽ sự đúng đắn của việc trừng phạt nghiêm khắc Triều Tiên.
Theo ông Russel, thông cáo mới nhất của Triều Tiên "là sự khinh thường đối với HĐBALHQ, Trung Quốc và xã hội quốc tế", "là cái tát vào mặt quốc gia phản đối gia tăng trừng phạt nước này".
Đáp lại đánh giá "mỉa mai" Trung Quốc, quốc gia trong nhiều tuần qua đã phớt lờ kêu gọi áp đặt trừng phạt mạnh tay với Bình Nhưỡng từ Mỹ-Nhật-Hàn Quốc, ông Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh đã rất nỗ lực trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Theo ông Lục: "Nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo, chúng tôi từng đạt được 'Tuyên bố chung 19/9' rất tốt, trong đó Triều Tiên cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân, nhanh chóng trở lại 'Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân'.
Chúng tôi cũng từng có văn kiện chung 13/2 mà Triều Tiên cam kết rõ sẽ từ bỏ mục tiêu hạt nhân cùng lộ trình cụ thể...
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, mọi người đều biết rằng xuất phát từ những nguyên nhân không phải do phía Trung Quốc, các nhận thức chung nêu trên vẫn chưa được thực hiện, vòng Đàm phán 6 bên rơi vào bế tắc."
Lục Khảng quay sang "đá xoáy" lại Mỹ: "Ngay trong bối cảnh Đàm phán 6 bên đình trệ, các nước liên quan chủ trương và kêu gọi gia tăng trường phạt, thì Triều Tiên bắt đầu lần lượt tiến hành các vụ thử hạt nhân.
Nếu nhìn từ khía cạnh này, đúng là Triều Tiên đã vả vào mặt quốc gia nào đó. Còn vả vào mặt ai, thì nước đó tự biết."
Đại diện Bộ ngoại giao Trung Quốc cảnh báo, Bắc Kinh "không muốn thấy bất kỳ cục diện leo thang căng thẳng và mâu thuẫn nào", nhưng nếu có quốc gia cố ý thì Trung Quốc "cũng không ngăn cản được".
"Nhưng có một vấn đề Trung Quốc phải tuyên bố rõ, là quốc gia láng giềng của bán đảo, chúng tôi sẽ không cho phép bản đảo bị hỗn loạn và bùng phát chiến tranh.
Chúng tôi cũng không cho phép bất cứ nước nào đưa vào những mục đích riêng trong mục tiêu chung là thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong xã hội quốc tế."
Cũng hôm 2/2, Chính phủ Trung Quốc xác nhận đã cử Trưởng đoàn đàm phán sự vụ hạt nhân bán đảo Triều Tiên Vũ Đại Vĩ tới Bình Nhưỡng để trao đổi ý kiến với phía Triều Tiên về tình hình bán đảo hiện tại.