Với một ứng viên nặng kí đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 như Donald Trump, không có gì ngạc nhiên khi quan điểm đối ngoại của tỉ phú bất động sản này được giới phân tích chính trị Mỹ ra sức mổ xẻ rất kĩ lưỡng.
Trong bối cảnh mùa tranh cử Tổng thống Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút trước thềm bầu cử sơ bộ, trên khắp các mặt báo Mỹ đã đăng tải nhiều bài viết phân tích về những đường lối mà Trump có thể áp dụng nếu chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Các bài phân tích đa phần mổ xẻ những phát ngôn "thẳng như ruột ngựa" của Trump. Nhưng đáng nói là ở chỗ, họ cho rằng những phát ngôn ấy hoàn toàn không chỉ mang tính gây sốc đơn thuần, mà chúng thực sự phản ánh suy nghĩ của tỉ phú bất động sản này.
Trên Politico, Washington Post, hay New York Times, các chuyên gia đã nói nhiều về những lỗ hổng trong cách nhìn của Trump với thế giới bên ngoài. Và một trong những điểm nhấn mà các bài phân tích chỉ ra, đó là ý định "xoay trục ra khỏi châu Á" của tỉ phú này.
"Nếu các bạn cho rằng chiến lược xoay trục châu Á hiện nay của Mỹ còn khá hời hợt, thì cứ đợi đến lúc Trump xoay trục ra khỏi châu Á xem, sẽ rất triệt để, rất đẳng cấp" - chuyên gia Ankit Panda nhận định trong một bài viết trên tạp chí The Diplomat.
Nếu Donald Trump trở thành Tổng thống, điều này cũng đồng nghĩa với "ngày tàn" của những liên minh Mỹ đã thiết lập tại Đông Á, những liên minh đóng vai trò cốt lõi trên sân chơi địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương trong suốt nửa thế kỉ qua.
Cụ thể, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Philippines sẽ phải "tự lực cánh sinh", trong khi Trump tập trung vào mục tiêu "Đưa Mỹ về thời hoàng kim" (Make America Great Again), cụm từ mà tỉ phú này đã sử dụng làm khẩu hiệu cho chiến dịch tranh cử của mình.
Make America Great Again - khẩu hiệu chiến dịch tranh cử Tổng thống của Donald Trump. Ảnh: AP
Bắt Nhật phải "trả tiền đàng hoàng"
Trong trường hợp của Nhật Bản, Trump từ lâu đã lên án những điều khoản trong liên minh Mỹ-Nhật, khi ông cho rằng Mỹ phải chịu thiệt quá nhiều mà chẳng được mấy lợi lộc.
Theo chuyên gia Panda, Trump nói vậy cũng không sai, nhưng bản chất của liên minh này là như vậy, điều này Washington đã hiểu và chấp nhận ngay từ khi bắt tay với Tokyo.
Thế nhưng việc Mỹ có trách nhiệm phải bảo vệ Nhật trong khi Tokyo không bị ràng buộc phải "trả lễ" luôn khiến Trump bất bình. Những gì tỉ phú này thấy được là một phi vụ làm ăn mà chỉ một bên có lợi, và một doanh nhân thành đạt như ông không thể chấp nhận điều đó.
Đáng nói là Trump không chỉ trích liên minh Mỹ-Nhật chỉ vì mục đích chính trị, mà đây thật sự là quan điểm cá nhân của tỉ phú này.
Trong lá thư ngỏ gửi người dân Mỹ năm 1987, thời Mỹ-Nhật định lại tỉ giá hối đoái và Tokyo gần như chỉ nhập khẩu từ Mỹ, Trump viết rằng đã đến lúc Mỹ "chấm dứt thâm hụt ngân sách bằng việc bắt Nhật và những nước có khả năng tài chính phải trả tiền đáng hoàng".
Liên minh quân sự Mỹ-Nhật sẽ bị Trump phá vỡ? Ảnh: Stars and Stripes
Quan điểm tiêu cực về quan hệ Mỹ-Nhật của Trump dường như không thay đổi mấy so với thời ông viết bức thư trên.
Năm 2014, khi ông còn chưa tuyên bố tranh cử, Trump đã kêu than rằng "chúng ta cho Nhật xuất khẩu hàng triệu cái xe miễn thuế mà giờ chẳng thể kí kết nổi một hiệp định thương mại với họ" (ý nói hiệp định TPP).
Ngoài ra, theo phóng viên Josh Rogin của báo Bloomberg, các cố vấn của Trump đã xác nhận rằng, tỉ phú bất động sản Mỹ sẽ xúc tiến đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận hợp tác an ninh Mỹ-Nhật nếu ông đắc cử Tổng thống.
"Chúng ta còn phải làm vệ sĩ miễn phí cho Hàn Quốc đến bao giờ"?
Tương tự là trường hợp Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ tại Đông Á. Liên minh Mỹ-Hàn nhiều khả năng cũng sẽ "lên thớt" trong trường hợp Donald Trump giành được chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng.
"Hàn Quốc đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho chúng ta trong các thỏa thuận thương mại. Thặng dư của họ với Mỹ cao khủng khiếp. Đã vậy chúng ta còn phải bảo vệ họ. AI ĐÃ ĐÀM PHÁN NHỮNG THỎA THUẬN NÀY?" - trích một chia sẻ trên Twitter của Trump năm 2014.
Thực chất, trong liên minh với Mỹ, Hàn Quốc cũng phải chịu rất nhiều cái "khổ". Trong trường hợp chiến tranh liên Triều nổ ra, quân đội Hàn Quốc sẽ chịu hoàn toàn sự chỉ huy của Mỹ. Nhưng dường như Trump không để tâm lắm đến điều này.
Trước đó một năm, Trump cũng ca thán điều tương tự: "Chúng ta còn phải làm vệ sĩ miễn phí cho Hàn Quốc trước Triều Tiên đến bao giờ? Lúc nào thì họ sẽ trả thù lao cho chúng ta?"
Những tuyên bố nói trên của Trump đều được đưa ra trước khi ông chính thức ra tranh cử. Do đó, có thể thấy quan điểm tương đối cực đoan của tỉ phú bất động sản Mỹ trong quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ mang mục đích chính trị.
Với Trump, liên minh chưa bao giờ có tác dụng. Có thể thấy rõ ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa sẽ không màng gì tới việc gìn giữ trật tự địa chính trị hậu Thế chiến II tại Đông Á .
Nói vậy không có nghĩa là Trump sẽ tìm mọi cách để phá vỡ các liên minh của Mỹ nếu đắc cử.