ĐÁP ÁN
Khi xem những hình ảnh như vậy nhiều người thường trầm trồ về uy lực của các đầu đạn chống tăng của Mỹ và NATO, một số thì lại dè bỉu, chê bai Liên Xô (Nga) chế tạo xe tăng chất lượng kém. Cả hai luồng ý kiến đó đều không chính xác!
Kết cấu liên kết tháp pháo với thân xe giống nhau
Thực ra, kết cấu và lắp ghép giữa tháp pháo với thân xe của hầu hết các loại xe tăng trên thế giới dù theo bất cứ trường phái nào cũng cơ bản là giống nhau.
Đó là tháp pháo phải được đặt trên một vòng lăn cố định trên thân xe - thực chất đấy là một ổ bi cực lớn, có đường kính khoảng hơn 2 mét.
Nhờ vòng lăn này, tháp pháo mới có thể quay được một cách nhẹ nhàng 360 độ xung quanh trong khi thân xe vẫn đứng yên tại chỗ.
Các chi tiết cơ bản của vòng lăn này là; vành lăn trên, vành lăn dưới, vòng cách và bi cầu. Vành lăn dưới cố định vào thân xe. Vành lăn trên được cố định vào tấm thép đáy tháp pháo. Giữa 2 vành lăn đó là các viên bi được giữ ở khoảng cách đều nhau nhờ một vòng cách.
Một chiếc xe tăng T-72 của Syria bị bắn tung tháp pháo.
Các viên bi cầu vừa có tác dụng đỡ nặng, giảm ma sát giữa tháp pháo với thân xe vừa như một “chốt” hãm giữa 2 vành lăn theo cả 2 phương nằm ngang và thẳng thứng, chỉ cho phép chúng quay tròn trên nhau mà không để xê dịch theo phương ngang hoặc rơi ra ngoài.
Như vậy, tháp pháo yên vị ở vị trí của mình trên thân xe không chỉ vì trọng lượng - thường vào khoảng 1/3 trọng lượng của xe tăng mà còn nhờ cả vào tác dụng “khóa” của vòng lăn.
Nhìn chung, với kết cấu như vậy tháp pháo được giữ tương đối chắc chắn tại vị trí của mình. Thực tế cho thấy kể cả khi có những tác động rất lớn cũng không làm chúng bung ra ngoài được.
Ngày 07.5.1972, xe 388 của Đại đội xe tăng 4 bị một quả bom hất tung lên rồi rơi xuống nằm ngửa bụng lên trời. Khi dùng xe khác kéo cho lật lại thì tháp pháo vẫn nằm nguyên mà không hề bị rơi ra.
Nhiều trường hợp rơi xuống vực lăn nhiều vòng song tháp pháo vẫn không bị bung ra. Tuy nhiên, khi có một tác động cực lớn “thắng” được cả trọng lượng của tháp pháo lẫn tác dụng khóa của vòng lăn thì sẽ làm tháp pháo bị văng ra.
Cái gì đã hất tung tháp pháo xe tăng ra ngoài?
Trước hết, phải khẳng định đó không phải là do tác dụng trực tiếp của đầu đạn chống tăng như nhiều người lầm tưởng.
Với vài trăm gam đến vài kg thuốc nổ chứa trong một đầu đạn pháo, súng phóng lựu hay tên lửa chống tăng... lại được thiết kế theo dạng “lõm” để tăng khả năng xuyên thì uy lực nổ của nó không thể đủ sức mạnh hất tung một tháp pháo nặng hàng chục tấn ra ngoài được.
Tháp pháo xe tăng chỉ có thể bị hất tung ra ngoài khi có một vụ nổ rất lớn ở phía trong, thường là vụ nổ đồng loạt của các đầu đạn (trái phá) trong xe.
Diễn biến của vụ nổ này thường là: xe tăng bị trúng đạn chống tăng và bốc cháy, nhiệt độ trong xe tăng lên nung nóng các đầu đạn trong xe đến một nhiệt độ nhất định thì kích nổ đồng loạt các đầu đạn này.
Trong mỗi đầu đạn nổ phá của pháo trên xe đều chứa vài kg thuốc nổ mạnh tùy theo cỡ pháo (VD: nếu là pháo 100 mm thì chứa khoảng 6 kg TNT). Lúc này có 2 tình huống có thể xảy ra:
Nếu số lượng đầu đạn còn lại trong xe còn ít thì vụ nổ này cũng không ảnh hưởng gì đến liên kết tháp pháo - thân xe.
Một chiếc xe tăng được cho là loại T-80 của Quân đội Nga bị bắn tung tháp pháo ở Grozny (Chechnya).
Chẳng hạn xe 377 trong trận Đak To 2 hoặc một số xe nữa trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã bị cháy nhưng tháp pháo còn nguyên trên thân xe vì quá trình chiến đấu đã sử dụng hết hoặc gần hết cơ số đạn mang theo.
Nếu số lượng đạn nổ phá trong xe còn nhiều (một cơ số có từ 20- 30 viên) thì có thể coi đây là vụ nổ của hàng trăm kg thuốc nổ mạnh và uy lực của vụ nổ đủ sức chiến thắng cả trọng lượng của tháp pháo lẫn tác dụng chốt khóa của vòng lăn để hất tung tháp pháo ra ngoài.
Thậm chí còn làm tháp pháo bị bắn tung ra hàng chục mét như đã thấy trong một số hình ảnh.
Ngoài ra, khi xe tăng bị trúng trực tiếp bom cỡ lớn cũng có thể làm văng tháp pháo ra ngoài. Trong quá trình hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường đã có một số trường hợp như vậy.
Nhưng tại sao chỉ có xe Nga - Xô bị mà không phải là xe Mỹ và NATO?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do 2 trường phái xe tăng này có sự khác biệt nhau về mặt kết cấu.
Các xe tăng theo trường phái Nga- Xô thường thiết kế giá đạn ngay trong buồng chiến đấu của mình. Kể cả các loại xe có cơ cấu nạp đạn tự động thì băng tải chứa đạn cũng nằm trong buồng chiến đấu.
Vì vậy, đó chính là điều kiện cần để tạo nên vụ nổ tập trung khi cháy xe.
Còn các xe tăng của Mỹ và NATO theo trường phái phương Tây thường chứa rất ít đạn trong buồng chiến đấu, số lượng đạn chủ yếu thường được để ở ngăn chứa đạn phía sau tháp pháo (bộ đội ta thường gọi đó là “bu gà”).
Vì vậy, khi xe bị cháy, nếu có xảy ra vụ nổ tập trung các đầu đạn thì cũng chỉ xảy ra ở phía ngoài và không đủ uy lực làm văng được tháp pháo ra./.
Xe tăng của phương Tây (trong ảnh là 1 chiếc M1A2 của Mỹ) rất hiếm khi bị văng tháp pháo.
TRAO THƯỞNG
Sau khi cân nhắc các phương án trả lời của nhiều bạn đọc am hiểu kiến thức về xe tăng, nhóm chuyên gia quyết định trao thưởng cho bạn Lifecare với đáp án tương đối chính xác. Xin chúc mừng bạn.
Dưới đây là toàn bộ nôi dung phần trả lời của bạn Lifecare.
Nhiều xe tăng của Liên Xô (Nga) văng mất tháp pháo khi bị bắn cháy, ngược lại tình trạng này rất hiếm gặp ở xe Mỹ và NATO. Tại sao vậy, phải chăng xe tăng Nga có chất lượng kém?
Người Anh phát minh ra xe tăng, nhưng hai trường phái chính về xe tăng trên thế giới hiện nay vẫn là của Nga và Đức. Để chọc thủng các chiến hào phòng ngự thời thế chiến một, xe tăng đã ra đời mới mật danh là các bồn nước đặt trên tàu hải quân Anh.
Tuy nhiên ban đầu xe tăng còn yếu về sức cơ động nên chưa phát huy hiệu quả lắm. Chỉ khi đến người Đức cải thiện được tính cơ động vào đầu thế chiến hai, xe tăng mới thực sự là mũi giáo đột kích tung hoành khắp mọi chiến trường.
Mũi giáo ấy chỉ bị gãy khi gặp phải một đối thủ là T34, một thiết kế của người Nga. Chính người Nga với T34 mới cho ra đời một chiếc xe tăng hoàn chỉnh đúng nghĩa.
Một chiếc xe tăng hoàn hảo là kết hợp hài hoà giữa ba yếu tố: Hoả lực-Bảo vệ-Cơ động. Nếu một chiếc xe tăng mà thiên quá một trong ba yếu tố trên và một yếu tố còn lại quá yếu thì sẽ dễ bị tiêu diệt.
Minh chứng là các tăng hạng nặng của Liên Xô đều bị bỏ lại vì cơ động quá yếu, chết máy ngay từ đầu, bắn hết đạn và bị bỏ lại, chứ không chiếc nào bị bắn cháy trực diện cả.
Các xe tăng hạng nhẹ, ban đầu có lợi thế khó bị bắn trúng, ngay cả ô tô bọc thép của Liên Xô thời kỳ đầu phát triển mạnh vì nó diệt được cả xe tăng mà xe tăng hầu như không bắn trúng được nó.
Nhưng sau khi hoả lực xe tăng được cải thiện thì tăng hạng nhẹ và xe bọc thép biến mất khỏi chiến trường đấu tăng.
T34 đã gây kinh hoàng cho người Đức khi mà nó diệt được tất cả mọi loại xe tăng của Đức, trong khi đó không một loại xe tăng hay súng chống tăng nào của người Đức bắn xuyên được giáp của nó.
Phải đến khi pháo phòng không 88 li hạ nòng mới bắn nổi chiếc T34. Thế là trường phái xe tăng Đức ra đời và ảnh hưởng lên cả người Anh, người Mỹ, người Pháp và kể cả người It-xa-ren hiện nay.
Đó là xe tăng thiên về một mục đích, một nhiệm vụ. Đó là: Xe tăng chống xe tăng, xe tăng đột kích mũi nhọn, mở đường cho bộ binh và xe tăng phòng thủ.
Trận chiến ở vòng cung Cuốc-xơ, người Đức đã chế tạo tăng hạng nặng, chú trọng đến giáp và hoả lực, mục đích là đấu lại với T34 của Liên Xô.
Những chiếc T34 đời đầu với nòng pháo 76,2 li không thể bắn xuyên thủng giáp trước xe Tiger của Đức ở khoảng cách trên 500 mét, trong khi đó pháo chính của Tiger dễ dàng bắn cháy T34 ở khoảng cách 1500 mét.
Người Nga đã chế tạo khẩu pháo mới cho T34, pháo 85 li và thế là loại xe mới ra đời T34-85. Xe tăng mới có khả năng bắn cháy Tiger của Đức ở khoảng cách tương tự. Như vậy xe tăng của Liên Xô vẫn không thay đổi khái niệm mà vẫn đáp ứng yêu cầu.
Có thể nói T34-85 hơn hẳn Tiger của Đức về mặt cơ động, hoả lực thì tương đương, chỉ hơi kém một chút về giáp bảo vệ. Tất nhiên trong trận chiến thì không chỉ có mình tăng chống tăng mà cả máy bay và bộ binh với súng không giật và đặc biệt là pháo tự hành.
Ngày nay một số quốc gia, nhất là Mỹ, việc chống tăng giao hẳn cho máy bay, nên xe tăng của họ chỉ còn mỗi nhiễm vụ hỗ trợ bộ binh khi phòng thủ là chính. Nhiệm vụ đột kích, yểm trợ bộ binh cũng giao cho không quân.
Xe tăng được thiết kế để chủ yếu chống lại súng chống tăng cá nhân. Loại súng này chỉ bắn được ở tầm gần, nhưng lại bắn được từ mọi phía.
Cho nên xe tăng phương Tây phải thiết kế khoang đạn riêng, để nếu có lỡ bắn trúng thì cũng không gây thiệt hại lớn cho xe. Nhưng khoang đạn ngoài, thì xe lại có chiều cao lớn và tăng khả năng trúng đạn hơn.
Thực tế là các xe tăng phương Tây dù hiện đại nhất vẫn bị súng chống tăng cá nhân bắn cháy. Dù cho không nổ khoang đạn thì tổ lái vẫn bị thiệt hại, xe tăng vẫn bị hỏng không thể phục hồi.
Ngược lại xe tăng Nga ngày nay vẫn giữ nguyên khái niệm thiết kế, vẫn giữ hài hoà ba yếu tố của xe tăng.
Xe tăng vẫn đảm bảo mọi chức năng và thậm chí có khả năng phòng không độc lập, ngoài pháo và súng phòng không ra còn có các tên lửa đối không bắn qua nòng pháo chính.
Để đảm bảo hài hoà thì xe tăng Nga vẫn phải theo thiết kế truyền thống đạn để trong tháp pháo, dù nạp đạn hoàn toàn bằng máy hoặc bán thủ công.
Thiết kế như vậy làm cho xe tăng có độ cao thấp, tháp pháo không nhô cao lắm khỏi thân xe, dù khó bị trúng đạn, nó cũng hạn chế khả năng hạ nòng pháo chính.
Thiết kế này cũng có bất lợi là đạn pháo dễ bị kích nổ khi trúng đạn làm cháy toàn bộ xe. Tuy nhiên chỉ khi bị bắn trúng tháp pháo và phải xuyên vào trong đủ mạnh mới kích nổ các viên đạn, và khi ấy tháp pháo xe tăng mới bị tung lên.
Nhưng để bắn được trúng tháp pháo là rất khó, vì tháp pháo nhô thấp, tiết diện nhỏ. Thêm nữa, nếu đạn xuyên thì góc xuyên quá nhỏ dễ trượt, nếu xuyên thủng thì động năng bị giảm nhiều, chỉ đủ sát thương pháo thủ, chưa chắc đã kích nổ được đạn.
Phải là đạn HEAT mới có nhiều khả năng kích nổ đạn trong khoang, nhưng loại đạn này lại khó bắn trúng tháp pháo, mà chỉ thường trúng vào giáp trước. Chỉ khi xe tăng tiến vào đô thị hoặc bị bắn từ trên không, khả năng bị bắn trúng tháp pháo mới cao.
Nếu đấu tăng thì các xe tăng của phương Tây không thể thắng được xe tăng Nga. Nòng pháo hạ xuống thấp cũng không giải quyết được vấn đề nhiều lắm, vì nếu bắn ở khoảng cách xa nòng pháo đâu có hạ xuống mà phải ngẩng lên.
Nói chung là nòng pháo hạ thấp thì dễ nấp ở công sự phòng thủ hơn và theo hướng hỗ trợ bộ binh.
Tóm lại xe tăng Nga bị nổ văng tháp pháo khi trúng đạn là do kết cấu tính năng của nó.
Nhưng không có nghĩa là xe tăng Nga cứ hễ bị bắn trúng là nổ tung và chắc chắn không phải do xe tăng Nga chất lượng kém và càng không phải là xe tăng Nga kém xe tăng phương Tây mà ngược lại thì có.