Thùng dầu phụ lộ bên ngoài, không thể biến xe tăng thành bó đuốc - Trao thưởng

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

​Nhằm mục đích tăng tầm hoạt động, trên một số loại xe tăng có bố trí thêm các thùng nhiên liệu để lộ thiên. Liệu bị bắn trúng, có biến thành bó đuốc, thiêu sống kíp lái?

ĐÁP ÁN:

Nhằm mục đích tăng thêm tầm hoạt động, trên một số loại xe tăng có bố trí thêm các thùng nhiên liệu ngoài xe. Mặc dù vậy, nguy cơ gây cháy xe từ các thùng nhiên lệu này không lớn lắm!

Như chúng ta biết, để vận hành được một cỗ xe tăng nặng vài chục tấn trên mọi địa hình thì công suất của động cơ xe tăng thường khá lớn.

Thường thường chúng phải đảm bảo trọng tải riêng trên dưới 20 mã lực/ tấn nên công suất động cơ xe tăng thường từ vài trăm đến hàng nghìn mã lực. Vì vậy, lượng tiêu thụ nhiên liệu của chúng cũng rất lớn, từ vài chục đến hàng trăm lít một giờ hoạt động.

Trong khi đó, do không gian chật hẹp nên số lượng các thùng nhiên liệu bố trí bên trong vỏ thép không thể là vô hạn vì vậy mà chỉ đáp ứng được nhu cầu vận hành trong một thời gian nhất định mà thôi.

Thông thường, tầm hoạt động của các xe tăng hiện đại khi tiêu thụ hết số nhiên liệu trong xe chỉ vào khoảng 300- 400 km. Vì vậy, để tăng tầm hoạt động, trên một số loại xe tăng có bố trí thêm tổ nhiên liệu ngoài xe.

Chẳng hạn, tổ dầu ngoài của dòng xe T54/55 có 3 thùng bố trí ở phía bên phải xe với dung tích 3x90= 270 lít. Tổ dầu này được coi là một bộ phận của Hệ cung cấp nhiên liệu của động cơ và có đường ống đấu nối trực tiếp vào Hệ.


Xe tăng T-72B3 với 2 thùng nhiên liệu lộ thiên ngoài xe.

Xe tăng T-72B3 với 2 thùng nhiên liệu lộ thiên ngoài xe.

Ngoài ra, khi hành quân đường dài các xe tăng có thể mang thêm 2 thùng dầu dự trữ - thường là loại “phuy” 200 lít, được cố định ở giá phía sau xe để bổ sung khi cần thiết.

Các thùng này không nối trực tiếp vào Hệ cung cấp nhiên liệu và trước khi bước vào chiến đấu thường được tháo khỏi xe.

Về sự cần thiết của các thùng dầu ngoài xe đã rõ ràng song liệu có đáng để người ta mạo hiểm lắp đặt chúng nếu chúng là tác nhân chính gây ra cháy xe trong chiến đấu?

Câu trả lời là: Nguy cơ gây cháy xe tăng từ các thùng nhiên liệu ngoài xe không lớn lắm. Điều đó đã được chứng minh cả trong tính toán lẫn thực tế.

Thứ nhất, nhiên liệu dùng cho xe tăng chủ yếu là diesel. Đó là loại nhiên liệu chưng cất từ dầu mỏ ở giai đoạn gasoil nhẹ với nhiệt độ sôi 250-350 độ C, thành phần chủ yếu là cacbua hydro mạch thẳng C16 đến C21.

Vì vậy, đây là loại chất lỏng khó bay hơi và có nhiệt độ tự bốc cháy khá cao- nhất là so với xăng. Người ta có thể châm mồi lửa trực tiếp vào dung dịch diesel mà nó cũng không bốc cháy.

Đối với các tác động khác như cơ học, hóa học... nó cũng thuộc loại không nhạy cháy. Chẳng hạn, khi bị trúng đạn bộ binh hoặc mảnh bom mìn, các thùng dầu diesel chỉ bị thủng chứ không cháy.


Xe tăng Việt Nam hành quân cũng thường hay mang theo thùng dầu phụ.

Xe tăng Việt Nam hành quân cũng thường hay mang theo thùng dầu phụ.

Trường hợp trúng đạn pháo, do áp suất và nhiệt độ cao thì diesel có thể bị cháy nhưng cũng dễ dàng bị tự tắt nếu không có các “vật dẫn lửa”.

Thứ hai, khi thiết kế Hệ cung cấp nhiên liệu cho động cơ xe tăng người ta đã chế tạo sao cho thứ tự sử dụng nhiên liệu là sử dụng nhiên liệu ở những thùng bên ngoài xe trước rồi mới đến các thùng trong xe.

Vì vậy, sau quá trình cơ động từ vị trí tập kết trước chiến đấu đến khu vực tác chiến (khoảng một vài chục km) thì về cơ bản lượng nhiên liệu trong các thùng bên ngoài cũng đã tiêu thụ hết nên nếu có bị trúng đạn cũng khó gây cháy.

Trong thực tế chiến đấu đã cũng đã có trường hợp thùng nhiên liệu ngoài bị trúng đạn song xe không bị ảnh hưởng.

Đó là trận đánh sáng 30.4.1975 tại đầu cầu Sài Gòn, tổ nhiên liệu ngoài xe tăng số 913 bị trúng đạn. Thùng bị vỡ và bốc cháy, một lượng nhiên liệu hắt lên lưng pháo hai Nguyễn Văn Quang lúc đó đang nhô người lên bắn 12,7 mm làm áo của Quang bốc cháy.

Ngay sau đó pháo hai Quang đã nhảy xuống rãnh nước ven đường và chỉ bị bỏng ở lưng, vai nhưng không nặng lắm. Còn ngọn lửa trên xe cũng nhanh chóng bị tắt và xe 913 vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu.

Nếu lúc đó trên xe có những “vật dẫn lửa” như vải, bạt v.v... thì có thể sẽ bị bắt cháy nhưng những ngọn lửa này cũng dễ dàng bị dập tắt bởi các phương tiện chữa cháy đơn giản.

Tóm lại, vì nguy cơ gây cháy từ tổ nhiên liệu ngoài xe là khá nhỏ nên cho đến tận bây giờ người ta vẫn sử dụng chúng trong chế tạo các loại xe tăng hiện đại./.


Xe tăng T-90 cũng sử dụng phổ biến thùng dầu phụ.

Xe tăng T-90 cũng sử dụng phổ biến thùng dầu phụ.

TRAO THƯỞNG:

Sau khi cân nhắc các câu trả lời của bạn đọc, nhóm chuyên gia Quân sự quyết định trao thưởng cho bạn Hào shasha với đáp án gần đúng nhất. Xin chúc mừng bạn!

Dưới đây là câu trả lời của bạn Hào shasha (13h17, ngày 18-03-2016)

Thùng dầu phụ là thùng nhiên liệu giúp xe tăng hay các phương tiện khác di chuyển với cự li xa hơn, phòng khi thùng dầu chính hết.

Tuy nhiên, thay vì được bảo vệ dưới lớp giáp như thùng dầu chính, thùng dầu phụ lại đặt chỏng chơ đằng sau xe, xem ra là một quả bom tiềm tàng có thể thiêu rụi xe tăng khi có giao tranh.

Nhưng tại sao mà phần lớn các xe tăng hiện nay (đặc biệt là xe tăng Nga) vẫn treo thùng dầu phụ bên ngoài xe?

Thứ nhất,đã là phụ thì phải để ở vị trí dễ thấy, dễ di chuyển và lắp vào các phương tiện mang theo. Nếu thùng dầu phụ nằm trong lớp giáp thì chắc chắn sẽ rất vất vả để lôi nó ra và thay thế bằng xe cẩu - một điều không thể thực hiện được ở các binh trạm dã chiến ở tiền tuyến.

Hơn nữa,các thùng dầu phụ có thể tích lên tới hàng trăm lít,và tất nhiên bạn sẽ không muốn tăng gấp đôi nguy cơ mất an toàn trên xe nếu xảy ra tai nạn cháy nổ do càng nhiều nhiên liệu cộng với quá trình ô-xi hóa chậm của nhiên liệu và sự va chạm của các phân tử dầu sinh ma sát,tăng nhiệt lượng,dễ dẫn đến tự bốc cháy, phát nổ.

Thứ hai,vỏ giáp của các loại xe tăng hiện nay đủ sức chịu đựng 1 vụ nổ từ thùng dầu phụ nếu có. Dù giáp sau là lớp giáp rất yếu của xe tăng,song lớp giáp hộp thép-composite đủ sức chịu đựng đạn pháo trái phá bắn vào xe chứ nói gì đến thùng dầu phụ.

Có thể trong 2 cuộc thế chiến nó gây quan ngại vì giáp còn mỏng yếu,chứ bây giờ nó không phải vấn đề!
Cuối cùng,diesel ít gây cháy nổ hơn xăng.

Điều này có thể thấy trong chiến tranh thế giới thứ 2, người Liên Xô có 1 vũ khí thô sơ rất lợi hại để trang bị cho hồng quân để đánh xe tăng Đức - chai cháy Molotov.

Tuy nhiên chai cháy chỉ có tác dụng cao nhất khi ném vào nóc xe,nơi giáp xe tăng mỏng nhất.Cũng cần phải nói thêm là khi tấn công vào đô thị, xe tăng Đức chỉ đi với tốc độ rất chậm, khoảng 10-13 km/h.

Chúng ta cũng ít khi thấy xe tăng Đức đeo thùng dầu phụ vì động cơ xe tăng Đức chạy bằng xăng nên có nguy cơ biến thành ''chai cháy khổng lồ'' nếu chẳng may trúng đạn hay chai cháy không bao giờ được làm từ dầu diesel.

Còn xe tăng Liên Xô và Nga chạy động cơ dầu diesel nên chả sợ. Ngay cả bây giờ,xe tăng phương Tây cũng ít khi mang thùng nhiên liệu đằng sau vì chúng chạy động cơ turbine khí, chạy bằng xăng máy bay.

Vì những lí do trên,để hạ thủ xe tăng đối phương thì các kíp xe tăng, các xạ thủ súng chống tăng ,tên lửa chống tăng đã chọn giải pháp khôn ngoan hơn:bắn vào sườn xe hoặc khe tháp pháo thay vì bình dầu phụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại