Đặc biệt - trước hết bởi đó là trận đánh đầu tiên của Bộ đội Xe tăng - thiết giáp (TTG) cách mạng Lào và còn một điều nữa là trận đánh đó do những người anh em Lào - Việt chung sức làm nên.
Truân chuyên những chiếc xe tăng trên đất nước Triệu Voi
Tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt là truyền thống quý báu, lâu đời của quân dân hai nước Việt Nam và Lào đã được thử thách qua một quá trình lịch sử lâu dài.
Phát huy truyền thống đó, khi bản thân mình mới chỉ có 1 trung đoàn xe tăng - Trung đoàn 202, song chúng vẫn san sẻ cho bạn 1 tiểu đoàn.
Đó là vào cuối năm 1961, được lệnh của trên, Trung đoàn xe tăng 202 đã tổ chức 1 tiểu đoàn xe tăng bơi nước (trang bị xe PT-76) do Đại úy Trần Nam và Thượng úy Đỗ Văn Xảo chỉ huy sang chi viện cho bạn.
Lúc này, chính phủ cầm quyền ở Vương quốc Lào là chính phủ liên hiệp ba phái và đây được coi là đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội Vương quốc Lào.
Tuy nhiên, sau khi phái hữu tiến hành đảo chính chính phủ liên hiệp ba phái bị vỡ 2 lần và lưc lượng Neo Lào Hắc Xạt do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông rút về chiến khu thì số xe tăng này vẫn nằm trong tay quân đội phái hữu.
Đáng tiếc là những xe tăng này đã trở thành vũ khí chống lại chính những người yêu nước Lào.
Giữa năm 1964, chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng kết thúc. Quân đội cách mạng Lào (Pathét Lào) với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam đã đánh đuổi được quân phái hữu ra khỏi khu vực Cánh đồng Chum.
Ta và bạn đã thu được nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có 22 xe tăng.
Theo yêu cầu của bạn và được sự đồng ý của cấp trên, tháng 5 năm 1965, Trung đoàn xe tăng 202 tổ chức đưa một đoàn chuyên gia do đồng chí Đỗ Văn Xảo làm trưởng đoàn sang giúp bạn xây dựng lực lượng TTG cách mạng.
Sau khi thu hồi tất cả các xe chiến lợi phẩm về một vị trí, đoàn chuyên gia đã tổ chức sửa chữa khôi phục tình trạng kỹ thuật xe máy, vũ khí. Tiếp đó, đoàn đã tổ chức huấn luyện cho các thành viên kíp xe về kỹ chiến thuật.
Kết thúc khóa huấn luyện Bộ chỉ huy của bạn đã ra quyết định thành lập 1 đại đội xe tăng. Đây chính là đơn vị xe tăng đầu tiên của lực lượng TTG Pa-thét Lào.
Song với bản tính tự do, trình độ mọi mặt của cán bộ - chiến sĩ còn yếu kém, trong khi nề nếp công tác kỹ thuật chưa đồng bộ, điều lệnh điều lệ chưa đày đủ... nên việc khai thác và bảo quản TTG của bạn rất yếu.
Các cán bộ - chiến sĩ xe tăng của bạn sẵn sàng đánh xe tăng vào bản, thậm chí đi... thăm người yêu v.v... nên số xe này xuống cấp nhanh chóng.
Vì vậy, theo yêu cầu của bạn, tháng 5 năm 1969, Bộ Tư lệnh TTG đã thành lập đoàn công tác 195 do đồng chí Lê Xuân Kiện chỉ huy gồm 32 người bao gồm thành viên kíp xe, thợ sửa chữa... sang giúp bạn chấn chỉnh lại tình hình.
Sau gần 1 tháng làm việc quên mình, đoàn công tác đã khôi phục được 9 xe PT-76 (6 xe của Pa-thét Lào và 3 xe của quân đội Coong-le). Tiếp đó đoàn còn tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ và thành viên kíp xe cho bạn.
So với lần trước, lần này công tác huấn luyện được tiến hành chính quy, bài bản và sát thực tế hơn nên trình độ của bộ đội bạn có tiến bộ vượt bậc và đây chính là nòng cốt xây dựng lực lượng TTG của Quân đội Pa-thét Lào sau này.
Trận đánh đặc biệt
Khi nhiệm vụ sửa chữa xe pháo và huấn luyện cho bạn của đoàn 195 cơ bản hoàn thành cũng là lúc Bộ chỉ huy Pa-thét Lào và Quân tình nguyện Việt Nam quyết định mở chiến dịch Mường Sủi tiến công khu vực Mường Sủi, Xiêng Khoảng nhằm mở rộng vùng giải phóng.
Nắm được ý định đó, đồng chí Lê Xuân Kiện đã đề nghị với Bộ chỉ huy của bạn cho đại đội xe tăng xuất quân tham gia chiến đấu.
Một mặt là để khích lệ tinh thần bộ đội, tạo sự tin tưởng vào vũ khí trang bị; mặt khác cũng là để rút ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ huy chiến đấu sau này cho bạn. Đề xuất đó ngay lập tức được chấp thuận.
Mục tiêu đầu tiên được lựa chọn là trận địa pháo của quân đánh thuê Thái Lan tại Nậm Soong. Trận địa này gồm có 10 khẩu pháo cỡ từ 105 đến 155mm, được 1 tiểu đoàn quân phái hữu Lào bảo vệ.
Theo kế hoạch, bộ binh sẽ tiếp cận căn cứ trước, còn phân đội xe tăng sẽ bí mật cơ động đến cách Nậm Soong khoảng 10 km trong đêm 19.6. Sáng sớm 20.6, khi pháo hỏa chuẩn bị bắt đầu bắn xe tăng sẽ cơ động với tốc độ cao lên tham gia tiến công.
Kho vũ khí của Quân đội Lào.
Vấn đề đặt ra là để đạt được các yêu cầu như trên thì phải đảm bảo trận đánh chắc thắng trong khi bộ đội bạn đều mới và trình độ chưa thật thành thục.
Để giải quyết vấn đề này, đoàn 195 quyết định “gài” vào biên chế đại đội xe tăng này 2 kíp xe do bộ đội Việt Nam sử dụng, còn 4 xe – trong đó có xe đại đội trưởng do các kíp xe của bạn đảm nhiệm.
Cũng may, đã qua hơn 1 tháng công tác cùng nhau, các thành viên của ta cũng đã “lõm bõm” một ít tiếng Lào, đồng chí đại đội trưởng thì lại biết tiếng Việt nên việc liên lạc không đến nỗi quá khó khăn.
Trận đánh đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Đúng 5 giờ sáng ngày 20.6.1969, đội hình xe tăng đã đến vị trí triển khai, mặc dù chưa bắt liên lạc được với bộ binh song các xe vẫn phát huy hỏa lực bắn vào căn cứ.
Quân địch không thấy bộ binh nên kéo 2 khẩu pháo 105 mm ra cổng chính bắn trực diện vào xe tăng, 1 xe của ta bị bắn hỏng.
Đồng chí trưởng xe Nguyễn Trọng Kiên (sau là Đại tá, Phó Tư lệnh chính trị BCTTG) đã nhanh chóng chỉ huy xe bắn diệt 2 khẩu pháo địch, sau đó toàn bộ đội hình xung phong. Thấy xe tăng đột nhập căn cứ bọn địch hoảng sợ rút chạy, bỏ lại toàn bộ vũ khí trang bị.
Phát huy thắng lợi, đồng chí Lê Xuân Kiện đề nghị cho phân đội xe tăng tiếp tục tham gia tiến công Bản Khai.
Đây là một cứ điểm kiên cố do 2 GM (binh đoàn) quân phái hữu Lào và Thái Lan đồn trú, có hệ thống công sự vật cản rất kiên cố, hỏa lực cũng rất mạnh.
Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu dũng cảm cùng với sự hiệp đồng chặt chẽ, chỉ sau 35 phút chiến đấu sáng ngày 24.6, liên quân Lào Việt đã làm chủ trận địa.
Quân địch hoảng sợ rút chạy kéo theo cả bọn địch ở Mường Sủi bỏ căn cứ chạy về Xa-la-phu-khun. Chiến dịch Mường Sủi toàn thắng.
Trong chiến thắng đó có sự đóng góp to lớn của đại đội xe tăng liên quân Lào - Việt và trận đánh đặc biệt ở Nậm Soong - Bản Khai đã trở thành một kỷ niệm đẹp trong lòng cán bộ - chiến sĩ TTG hai nước anh em.