Vì sao mỗi chiếc B-2 Spirit có giá 2 tỷ USD?

Nhật Huy |

B-2 Spirit cho đến nay vẫn là máy bay ném bom hiện đại và hiệu quả nhất TG. Tuy nhiên, nó còn được biết đến là mẫu máy bay đắt nhất, với giá mỗi chiếc đôi lên đến 2 tỷ USD.

Những con số gây choáng váng

Vậy vì sao B-2 lại có mức giá khủng như vậy và con số 2 tỷ USD này có thực sự chính xác?

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit
Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit

Chương trình phát triển B-2 bắt đầu từ năm 1979, với 2 tập đoàn quốc phòng Northrop và Lockheed cùng tham gia vào giai đoạn nghiên cứu khả thi và phát triển ý tưởng.

Đến cuối năm 1981, Northrop Corporation chiến thắng và giành được hợp đồng chế tạo B-2. Nhưng cũng như đa số các loại vũ khí phức tạp khác, tham gia chế tạo B-2 ngoài Northrop còn có nhiều nhà thầu phụ khác chịu trách nhiệm những phần khác nhau của chiếc máy bay.

Hình ảnh bên dưới cho thấy những nhà thầu chủ chốt tham gia chương trình này và phần việc mà họ phụ trách.

Mỗi nhà thầu này có một mạng lưới nhiều đối tác khác đóng vai trò là nhà cung cấp, như Northrop có hợp đồng với 131 công ty khác liên quan đến dự án, Boeing có 69 và GE có 52.

Những nhà thầu quan trọng của dự án B-2
Những nhà thầu quan trọng của dự án B-2

Do quy mô của dự án, cũng như yêu cầu nghiêm ngặt về sự bí mật, các nhà thầu phải xây dựng mới hoặc nâng cấp những cơ sở nghiên cứu, nhà máy chỉ dành riêng cho chương trình B-2. Chỉ riêng chi phí cho những cơ sở mới này đã là trên 2,5 tỷ USD.

Quá trình phát triển kéo dài trong 7 năm, bao gồm 24.000 giờ thử nghiệm trong hầm gió, 16.000 giờ thực hiện mô phỏng trên máy vi tính, và 6.000 giờ thử nghiệm hệ thống điều khiển thủy lực trên mô hình có kích thước thật.

Dây chuyền lắp ráp cuối cùng của B-2
Dây chuyền lắp ráp cuối cùng của B-2

Quá trình sản xuất những bộ phận chính của máy bay cần đến 26.000 nhân công từ những nhà thầu chính. Trong quá trình phát triển và chế tạo B-2, ước tính có hơn 900 loại vật liệu và quy trình sản xuất mới được phát minh.

Trong đó bao gồm những robot công nghiệp lớn nhất thế giới khi đó, chịu trách nhiệm khoan và kết nối những bộ phận làm từ vật liệu tổng hợp, nhôm và titanium của máy bay.

Dự án chế tạo B-2 cũng đóng vai trò tiên phong ứng dụng công nghệ điện toán trong quá trình thiết kế và sản xuất (CAD/CAM).

Chỉ riêng chi phí triển khai hệ thống CAD ở cơ sở chính của Northrop đã lên đến 1 tỷ USD. B-2 là chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới được thiết kế hoàn toàn bằng CAD.

Những bản vẽ 3D của nó được lưu trữ trên một cơ sở dữ liệu chung và kết nối đến các nhà thầu chủ chốt khác.


B-2 ban đầu được thiết kế với nhiệm vụ mang bom hạt nhân xâm nhập sâu vào không phận Liên Xô.

B-2 ban đầu được thiết kế với nhiệm vụ mang bom hạt nhân xâm nhập sâu vào không phận Liên Xô.

Vì sao chi phí B-2 bỗng nhiên tăng vọt?

Tổng chi phí của chương trình B-2, theo thời giá năm 1997, là hơn 44 tỷ USD. Trong khi đó, số lượng máy bay được đặt hang lại giảm mạnh. Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến sẽ có 132 chiếc B-2 được chế tạo, nhưng sau đó giảm còn 75 chiếc.

Sự sụp đổ của Liên Xô càng làm giảm nhu cầu của loại oanh tạc cơ tàng hình này. Vì vậy số lượng B-2 được sản xuất trên thực tế chỉ có 21 chiếc. Đây là lí do vì sao giá thành của 1 chiếc B-2 đôi lúc được cho là lên đến 2 tỷ USD.

Con số này trên thực tế là chi phí trung bình mà mỗi chiếc B-2 phải gánh cho toàn bộ chương trình, bao gồm cả những chi phí cố định như nghiên cứu – phát triển, xây dựng các thiết bị, dây chuyền sản xuất chuyên dụng.

Theo ước tính thì dự án phát triển B-2 tiêu tốn tổng cộng 23 tỷ USD tính đến năm 1989. Số còn lại là chi phí sản xuất thực tế cho 21 chiếc B-2.

Sản lượng trên thực tế quá thấp khiến cho chi phí trung bình của mỗi chiếc B-2 tăng vọt. Chi phí thực tế của mỗi chiếc B-2, theo thời giá năm 1997, là 929 triệu USD, đã bao gồm chi phí bảo dưỡng, phụ tùng và hỗ trợ phần mềm.

Năm 1995, Northrop từng đề xuất sản xuất thêm 20 chiếc B-2 với giá thành mỗi chiếc chỉ 566 triệu USD.

Mặt khác, chi phí vận hành của B-2 ít được đề cập đến mặc dù đây cũng là một con số “khủng” không kém. Trung bình sau mỗi giờ bay, B-2 cần có 119 giờ bảo dưỡng, các con số tương ứng của B-52 và B-1B là 53 và 60 giờ.

Chi phí vận hành trung bình của B-2 trong năm 2010 là 135.000 USD/giờ bay, gấp đôi B-1B và B-52. Chi phí bảo dưỡng cho mỗi máy bay trung bình hàng tháng là 3,4 triệu USD.

Một phần lí do là các nhà chứa máy bay B-2 đều phải được gắn hệ thống điều hòa nhiệt độ.

Dự kiến đến khoảng năm 2025 Mỹ sẽ cho bay thử B-21, cũng do Northrop Grumman chế tạo.
Dự kiến đến khoảng năm 2025 Mỹ sẽ cho bay thử B-21, cũng do Northrop Grumman chế tạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại