Typhoon - Mẫu tàu ngầm góp phần khiến Liên Xô sụp đổ

Nhật Huy |

Với lượng giãn nước khi lặn 48.000 tấn, dài 175 m, rộng 23 m, tàu ngầm chiến lược mang tên lửa liên lục địa lớp Akula (Typhoon) là mẫu tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo trên TG.

Thủy thủ đoàn 170 người có thể sinh hoạt thoải mái khi con tàu ở dưới mặt nước liên tục trong nhiều tháng liền. Tuy là một kỳ quan về công nghệ, Typhoon cũng đồng thời là một gánh nặng khổng lồ về mặt tài chính cho Liên Xô và sau này là Nga.

Nhiều trở ngại


Typhoon có lượng giãn nước gấp đôi đối thủ Ohio của Mỹ

Typhoon có lượng giãn nước gấp đôi đối thủ Ohio của Mỹ

Là một thiết kế của Viện Rubin, Saint Petersburg, Typhoon ra đời để tái lập thế cân bằng trong khả năng phóng tên lửa chiến lược từ tàu ngầm với Mỹ sau khi nước này đưa lớp tàu ngầm Ohio cùng với tên lửa liên lục địa Trident I vào hoạt động từ năm 1979.

Ohio có thể mang theo đến 24 tên lửa Trident I, với mỗi tên lửa có 8 đầu đạn con. Delta III, mẫu tàu ngầm chiến lược của Liên Xô vào thời điểm đó, chỉ mang theo 16 tên lửa R-29RM, mỗi quả mang theo 3 đầu đạn con.

Tên lửa Trident I
Tên lửa Trident I

Trọng tâm trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược Liên Xô từ đầu thập niên 1980 là chuyển đổi từ các tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu lỏng sang nhiên liệu rắn, bao gồm tên lửa trên bộ RT-23 và trên tàu ngầm chiến lược R-39.

Nỗ lực trước đó để phát triển loại tên lửa nhiên liệu rắn trang bị trên tàu ngầm R-31 đã thất bại. Các kỹ sư lo ngại rằng tên lửa dùng nhiên liệu rắn sẽ nặng hơn nhiều so với các tên lửa nhiên liệu lỏng với cùng tầm bắn.

Để tiết kiệm chi phí và thời gian, Ustinov yêu cầu R-39 dùng chung tầng động cơ đẩy thứ nhất với RT-23. Vấn đề nảy sinh là tầng đẩy này có kích thước rất lớn, nặng đến 55 tấn.

Ngoài ra, R-39 cũng phải chịu sự giới hạn về chiều cao. Hải quân Liên Xô khi đó không muốn nạo vét thêm luồng lạch tại căn cứ tàu ngầm chính ở bán đảo Kola. Kết quả là R-39 có đường kính lên đến 2,4 m và trọng lượng hơn 80 tấn.

Trong khi đó, Trident I chỉ nặng 33 tấn với đường kính 1,8m. Mỗi quả tên lửa R-39 có thể mang theo 10 đầu đạn con.

Tên lửa R-39
Tên lửa R-39

Để đủ sức chứa 20 quả tên lửa khổng lồ này, mẫu tàu ngầm chiến lược mới cũng phải có kích thước tương ứng, đặc biệt là chiều ngang.

Chịu trách nhiệm chính phát triển mẫu tàu ngầm này, với tên gọi Dự án 941 Akula, là Sergei Kovalev, công trình sư thiết kế tàu ngầm giàu kinh nghiệm nhất của Liên Xô khi đó.

Bên trong lớp vỏ ngoài của con tàu là 2 khoang điều áp chính đặt song song với nhau, ở giữa 2 khoang này là các ống phóng tên lửa, khiến cho chiều rộng của nó lên đến 23 m, so với 13 m của đối thủ Ohio.

Ngoài ra, kích thước lớn của Typhoon cũng là để nó có thể nổi xuyên qua lớp băng dày 3 m ở Bắc Cực.

Sergei Kovalev thiết kế hầu hết mọi tàu ngầm hạt nhân của Viện Rubin
Sergei Kovalev thiết kế hầu hết mọi tàu ngầm hạt nhân của Viện Rubin
Tàu ngầm khi hoạt động ở Bắc Cực gần như không thể bị theo dõi
Tàu ngầm khi hoạt động ở Bắc Cực gần như không thể bị theo dõi

Quá trình phát triển tên lửa R-39 trang bị trên Typhoon cũng gặp rất nhiều trở ngại. Bốn lần bắn thử đầu tiên, bắt đầu từ tháng 1/1980, đều thất bại.

Chỉ đến tháng 12/1981, sau khi chiếc Typhoon đầu tiên được đưa vào biên chế, R-39 mới hoàn thành lần bắn thử thành công.

Trên thực tế, phần lớn trong số 17 lần bắn thử đầu tiên của tên lửa đều không thành công. Vì vậy, một chương trình khắc phục khẩn cấp được thực hiện nhằm phát hiện và xử lý những khiếm khuyết trong bản thiết kế ban đầu.

Nhờ đó mà 11 trong 13 lần bắn thử tiếp theo đã thành công và R-39 được đưa vào biên chế từ tháng 5/1983.

Những ống phóng tên lửa được đặt giữa 2 khoang điều áp
Những ống phóng tên lửa được đặt giữa 2 khoang điều áp

"Cỗ máy đốt tiền"

Tổng cộng chỉ có 6 chiếc Typhoon được đóng tại nhà máy Sevmash trong giai đoạn từ năm 1981 đến 1989, với giá lên đến 525 triệu rúp vào thời điểm đó. Để so sánh thì giá của mỗi chiếc Delta III, mẫu tàu ngầm chiến lược mà Typhoon sẽ thay thế, chỉ là 150 triệu rúp.

Trong những năm cuối thập niên 1980, khi mà quá trình đóng tàu vẫn đang được triển khai, đã có những tranh cãi gay gắt về quy mô của dự án này trong nội bộ giới lãnh đạo Liên Xô.

Tuy nhiều sĩ quan cao cấp của hải quân muốn tiếp tục dự án nhưng bản thân bộ tham mưu hải quân, cũng như bộ tổng tham mưu đều cho rằng nên giới hạn số lượng tàu ở mức 6 chiếc.

Bên cạnh chi phí quá cao, những ý kiến chỉ trích còn tập trung vào kích thước lớn của con tàu giới hạn khả năng neo đậu tại căn cứ.

Ngoài ra, tên lửa R-39 cũng quá lớn, và đòi hỏi có những thiết bị chuyên dụng để vận chuyển và nạp vào tàu. Cuối cùng thì phe chỉ trích giành chiến thắng và chiếc Typhoon thứ 7 bị hủy khi đang trong quá trình chế tạo.

Chiếc Typhoon thứ 2 trong quá trình hạ thủy vào năm 1982
Chiếc Typhoon thứ 2 trong quá trình hạ thủy vào năm 1982

Chi phí quá cao của Typhoon khiến Liên Xô phải thực hiện song song một chương trình phát triển tàu ngầm chiến lược khác bắt đầu từ cuối những năm 1970.

Loại tàu ngầm này, Delta IV, được phát triển dựa trên việc cải tiến thế hệ Delta III thay vì là một thiết kế hoàn toàn mới như Typhoon.

Bên cạnh đó, R-29RM - một loại tên lửa khác cũng cần được phát triển vì R-39 quá lớn so với Delta IV. R-29RM chỉ chính thức được triển khai rộng rãi từ 1988.

Việc cùng lúc thực hiện 2 chương trình phát triển tàu ngầm chiến lược và 2 chương trình tên lửa đạn đạo trang bị trên các tàu ngầm này cho thấy rõ sự thiếu hiệu quả của nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô khi đó.

Theo Itar-Tass, khi hải quân Nga quyết định không nâng cấp Typhoon vào năm 2012 thì nguyên nhân chính được đưa ra vẫn là vấn đề tài chính.

Chi phí đại tu toàn bộ 1 tàu ngầm Typhoon sẽ tương đương với việc đóng mới 2 tàu thuộc lớp Borei, mẫu tàu ngầm chiến lược mới của Nga. Giá thành mỗi chiếc Borei ước tính vào khoảng 900 triệu USD.

Hiện nay cả Typhoon và R-39 đều đã bị rút ra khỏi biên chế lực lượng hạt nhân của Hải quân Nga. 3 trong số 6 chiếc Typhoon đã được tháo dỡ.

Một phần kinh phí tháo dỡ Typhoon do chính phủ Mỹ và Canada tài trợ
Một phần kinh phí tháo dỡ Typhoon do chính phủ Mỹ và Canada tài trợ

Chương trình Typhoon và tên lửa R-39 được triển khai trong giai đoạn cuối của Chiến tranh lạnh, khi mà nền kinh tế Liên Xô đang khủng hoảng nghiêm trọng.

Tuy nhiên những chương trình quốc phòng, đặc biệt nếu liên quan đến lực lượng hạt nhân, vẫn luôn được ưu tiên cấp ngân sách rất dồi dào. Và những “cỗ máy đốt tiền” như Typhoon và R-39 đã góp một phần không nhỏ vào sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại