Từ Sigma, Việt Nam giải bài toán trang bị Nga - phương Tây

Thiên Nam |

Sở hữu cả trang bị Nga - phương Tây nên buộc Việt Nam phải giải bài toán chỉ huy, hiệp đồng, chia sẻ thông tin giữa các trang bị khác tiêu chuẩn.

Những khó khăn về kết hợp trang bị Nga - phương Tây

Vấn đề quan trọng nhất mà Việt Nam cần ở các chiến hạm Sigma là hệ thống radar 3D đa chùm tia đối không/đối hải SMART-S MK2.

Radar có khả năng phát hiện mục tiêu kích cỡ máy bay cách xa 200 km và mục tiêu kích cỡ tên lửa cách xa 50 km.

Việc phát hiện và theo dõi mục tiêu hoàn toàn tự động, có thể theo dõi đồng thời 500 mục tiêu, bám bắt 3 mục tiêu cùng lúc cho tên lửa tiêu diệt.

Thế nhưng đây vẫn chưa phải là ưu điểm nổi trội nhất của loại radar này. Điều quan trọng nhất là SMART-S MK2 có khả năng phát hiện các mục tiêu tàng hình nhờ kỹ thuật xử lí di động Dopler, đo trực tiếp tốc độ xuyên tâm.

Theo nguồn tin của Thales, tầm phát hiện mục tiêu tiêu tàng hình vào khoảng 50 km.

Vấn đề cần thiết là Sigma có thể sử dụng những thông tin từ radar hết sức hiện đại của mình để cung cấp các số liệu trên không và trên biển cho các tàu và tiêm kích chuyên đánh biển Su-30MK2 để đối phó với máy bay mang tên lửa chống hạm của địch.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất đối với Việt Nam là các hệ thống vũ khí; chỉ huy, kiểm soát; điều khiển hỏa lực; tác chiến điện tử; thông tin liên lạc… của SIGMA đều là sản phẩm của hãng Thales và MBDA của Pháp thuộc tiêu chuẩn của NATO.

Trong khi đó, đại đa số các tàu chiến và các máy bay chiến đấu có khả năng đánh biển của Việt Nam như Su-30MK2, Su-27, Su-22.. đều mua của Nga, dẫn đến nhiều khó khăn trong hiệp đồng, chia sẻ thông tin tác chiến giữa các loại trang bị Nga - phương Tây.

Để sử dụng cả trang bị Nga và phương Tây, Việt Nam phải giải bài toán chỉ huy-hiệp đồng

Để sử dụng cả trang bị Nga và phương Tây, Việt Nam phải giải bài toán chỉ huy - hiệp đồng

Đây không còn là chuyện riêng của Sigma mà là khó khăn chung khi Việt Nam mua sắm thêm trang bị kiểu phương Tây.

Vấn đề này cũng là thách thức mà bất cứ quốc gia nào cũng sẽ gặp phải trên chặng đường hiện đại hóa quân đội bằng các vũ khí trang bị khác chủng loại.

Hiện nay, điểm yếu của các trang bị đánh biển của Việt Nam là đều phải dựa vào các hệ thống đo đạc và chỉ thị mục tiêu của radar đặt trên bờ biển.

Nhưng cự ly thám trắc của các hệ thống radar này có hạn, dẫn đến làm giảm khả năng tác chiến của các loại trang bị, vũ khí trên.

Đại bộ phận các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đều có khoảng cách xa bờ tới 500 km, các trạm radar trên bờ đều không thể vươn tới tầm đó.

Giả sử có triển khai các radar trên đảo thì những mục tiêu cố định này sẽ là đối tượng phá hủy đầu tiên của đối phương.

Các trạm radar trên bờ không thể vươn tầm tới đó nên trước đây khá lâu, Việt Nam đã mua sắm các trang bị tuần tiễu, trinh sát trên biển.

Hiện Việt Nam đã có 3 loại máy bay tuần tiễu, trinh sát trên biển là CASA C-212 từ Tây Ban Nha, PZL M28B Bryza của Ba Lan và thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter series 400 của Tập đoàn Viking Air Canada.

Tuy nhiên, cả 3 loại máy bay trên đều không có khả năng chỉ huy - cảnh báo sớm trên không.

Trên thực tế, PZL M28B Bryza của Ba Lan được trang bị khả năng tìm kiếm mục tiêu trên biển với radar tìm kiếm mặt biển, hệ thống chỉ huy - kiểm soát và đường truyền số liệu nhưng loại máy bay này có hạn chế là thiếu khả năng chỉ huy và dẫn đường trên không.

Những chiến hạm như Gepard và Sigma rất khó hiệp đồng tác chiến tự động với nhau

Những chiến hạm như Gepard và Sigma rất khó hiệp đồng tác chiến tự động với nhau

Bởi vậy, Việt Nam cần có một loại trang bị có khả năng đáp ứng nhu cầu trung chuyển thông tin giữa các vũ khí kiểu Nga và phương Tây.

Đồng thời, cũng bổ khuyết cho mảng trang bị mà Việt Nam còn thiếu là khả năng chỉ huy hiệp đồng tác chiến. Đó là chức năng của các máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không.

Ngay từ năm 2013, truyền thông Trung Quốc đề cập đến vấn đề đáng chú ý diễn ra tại Triển lãm Hàng không Paris lần thứ 50 (năm 2013).

Khi đó phái đoàn quân sự của Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới phiên bản chỉ huy, cảnh báo sớm trên không (AEW&C) của loại máy bay EADS CASA C-295 của Airbus Military.

Phiên bản AEW&C của EADS CASA C-295 phù hợp với Việt Nam?

Ngay trong năm 2013, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 3 chiếc thuộc phiên bản vận tải của C-295.

Đây là điều rất thuận lợi khi đặt mua phiên bản AEW&C hay cải tiến máy bay vận tải thành phiên bản chỉ huy-cảnh báo sớm trên không để chỉ huy các biên đội tàu và lực lượng không quân của hải quân Việt Nam.

Phiên bản cảnh báo sớm và chỉ huy trên không C-295 AEW&C là kết quả của sự hợp tác giữa Airbus Military và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Isarel (IAI).

Máy bay được trang bị radar mạng pha điện tử chủ động thế hệ 4 (AESA) EL/M-2075 Phalcon 2 do ELTA (công ty con của IAI) chế tạo.

C-295 AEW&C có thể đảm nhiệm việc trinh sát, phát hiện sớm mục tiêu trên không và trên mặt biển, chỉ huy lực lượng tác chiến hỗn hợp không/hải, dẫn bắn cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu ...

Đây chính là loại máy bay mà Việt Nam đang thiếu, để đảm bảo mối liên kết và khả năng hợp đồng tác chiến giữa các trang bị khác tiêu chuẩn và giữa các quân binh chủng với nhau.

Điều Việt Nam cần là một chiếc máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm như C-295 AEW&C

Điều Việt Nam cần là một chiếc máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm như C-295 AEW&C

Với C-295 AEW&C, các biên đội máy bay chiến đấu, tàu tên lửa cao tốc, các tiểu đoàn tên lửa bờ biển Việt Nam... sẽ được đặt trong thế trận chung liên hoàn và chặt chẽ.

Các mục tiêu sẽ được phát hiện sớm và kịp thời, tầm hoạt động của vũ khí được tăng cường, sức mạnh của không quân và hải quân Việt Nam sẽ tăng thêm rất nhiều.

Dĩ nhiên, việc phối hợp giữa một loại máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy của phương Tây với các vũ khí do Nga/Liên Xô sản xuất sẽ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, theo tin của trang mạng Đông Phương - Trung Quốc, C-295 AEW&C có khả năng trung chuyển các dạng tín hiệu số liệu theo chuẩn NATO và cả của Nga.

Các kỹ sư quân sự Isarel có nhiều kinh nghiệm tích hợp các hệ thống vũ khí của Nga/Liên Xô cũ với các khí tài phương Tây, điển hình là ở Ấn Độ.

Các chuyên gia Israel đã tích hợp 3 radar EL/W-2085 Phalcon trên khung thân của chiếc A-50 Beriev của Nga, có khả năng chỉ huy tác chiến cho giàn máy bay chiến đấu hỗn hợp Nga - châu Âu của nước này như MiG-29K/KUB, Su-30MKI, Jaguar, Mirage-2000…

Điểm đặc biệt là radar EL/W-2085 Phalcon do công ty Elta - cha đẻ của radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) EL/M-2075 Phalcon2 trên C-295 - sản xuất và tích hợp.

Hơn nữa, hiện Nga đang hợp tác rất chặt chẽ với công ty Israel trong lĩnh vực sản xuất máy bay trinh sát không người lái (UAV) - một loại trang bị liên quan rất nhiều đến lĩnh vực truyền dẫn thông tin số liệu.

Bởi vậy, công ty Elta có đủ khả năng để kết nối những trang bị của Nga với phương Tây.

Máy bay AEW&C A-50 Beriev của Ấn Độ sử dụng radar Phalcon của Elta Israel

Máy bay AEW&C A-50 Beriev của Ấn Độ sử dụng radar Phalcon của Elta Israel

Hiện nay, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Israel cũng có những bước tiến rất lớn.

Ngoài súng cá nhân và tên lửa, Việt Nam cũng đang sử dụng một số loại radar của Israel như Tổ hợp radar mảng pha điện tử chủ động (AESA), cảnh giới tầm xa ELM-2288ER AD STAR và radar phòng không chiến thuật 3 chiều ELM-2106NG của chính Elta.

Do đó, việc Việt Nam mua máy bay cảnh báo sớm C-295 là điều vừa hợp lý vừa có nhiều thuận lợi, vừa đáp ứng nhu cầu cảnh báo sớm trên không, trên biển, vừa có khả năng trung chuyển thông tin giữa các trang bị của Nga và phương Tây.

Tuy nhiên, một khó khăn cho Việt Nam là loại máy bay này khá đắt.

Một chiếc C-295 phiên bản vận tải có giá khoảng trên 30 triệu USD, phiên bản MPA (Maritime Patrol Aircraft - Máy bay tuần tra hàng hải) có giá khoảng 60 triệu USD, còn giá một chiếc AEW&C sẽ lên tới gần 100 triệu USD.

Để giám sát toàn bộ lãnh hải, liên tục trong khoảng thời gian 24/24h, với khả năng hành trình liên tục trên không của 1 máy bay là 11 giờ.

Việt Nam sẽ phải cần tới ít nhất là 4 chiếc máy bay loại này (ngoài những chiếc thay phiên nhau tuần tiễu trên không, ít nhất phải có 1 chiếc, nhiều là 3 chiếc dự bị).

Hơn nữa, các máy bay C-295 AEW&C còn khá mới mẻ và chưa nằm trong biên chế của lực lượng không quân nào.

Ngoài ra, Việt Nam ít khi mua sắm các sản phẩm mới, mà chủ yếu sử dụng các vũ khí đã qua kiểm định. Đây sẽ là khó khăn cho C-295 AEW&C trên con đường gia nhập Không quân Nhân dân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại