Trung Quốc: Có J-11D vẫn quyết mua Su-35 để "tác quái" ở Biển Đông

Anh Tuấn |

Trung Quốc vẫn mong muốn có được một số lượng phi cơ chiến đấu đa chức năng Sukhoi Su-35 của Nga mặc dù vừa mới công bố mẫu máy bay tiêm kích mới vào tuần trước.

Ngày 29/4, Trung Quốc đã cho thử nghiệm tiêm kích J-11D. Đây là phiên bản cải tiến của mẫu J-11B, được sao chép từ máy bay Su-27 của Nga. Một số nhà phân tích đã so sánh J-11D với tiêm kích hiện đại Su-35 của Nga.

Trung Quốc có ý định mua Su-35 của Nga, mặc dù đã có thể sản xuất máy bay tiêm kích.

Tuy nhiên, tờ Want China Times trích dẫn từ trang mạng Sina Military Network của Trung Quốc, cho rằng, chính phủ nước này vẫn có ý định mua máy bay Su-35 của Nga ngay cả khi J-11D được đưa vào sử dụng.

Báo này viết: “Sina đưa tin, quân đội Trung Quốc cần có Su-35 bởi nó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa Không quân Trung Quốc với các nước khác trong khu vực trước khi các phi cơ thế hệ thứ năm được công bố.

Nếu không có Su-35, Trung Quốc sẽ rất khó khăn trong việc chống lại F-35 của Nhật Bản, Su-30MKI của Ấn Độ và cả T-50 của Nga”.

“Ngay cả khi quá trình sản xuất J-11 có thể được đẩy mạnh, con số phi cơ chế tạo được vẫn sẽ không đủ. Đó là chưa kể hiện vẫn còn những nghi vấn rằng liệu J-11 đã đủ sức để chống lại các phi cơ thế hệ thứ năm hay chưa”, Want China Times nhận định.

Mặc dù được dựa trên Su-27, Su-35 có những cải tiến rõ rệt, khiến nhiều chuyên gia Nga gọi máy bay này “thuộc thế hệ thứ 4+”.

Trang web Air Force Technology nói rằng Su-35 “có thể xoay trở và tấn công từ nhiều góc độ, cũng như được trang bị hệ thống vũ khí nhằm nâng cao khả năng không chiến của máy bay. Tốc độ tối đa của Su-35 là 2.390 km/h”.

Bên cạnh việc chiến đấu chống lại những mẫu máy bay hiện đại, thể tích nhiên liệu lớn và tầm hoạt động xa của Su-35 sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hoạt động của mình tại Biển Đông.

Cụ thể, Bắc Kinh đang gặp vấn đề lớn trong việc giữ nguyên tầm ảnh hưởng của mình tại một vùng biển rộng 2.25 triệu km2.

Theo tạp chí The Diplomat, hiện nay các loại máy bay của Không quân Trung Quốc có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển phía Nam, nhưng bình nhiên liệu khá nhỏ của chúng khiến thời gian tuần tra bị giới hạn rất nhiều.

Su-35 có tầm hoạt động và tốc độ lớn, cho phép Trung Quốc có thể hoạt động cách xa đất liền hơn trước. Su-35 cũng giúp Trung Quốc có thêm một giải pháp hỗ trợ mới trong trường hợp căng thẳng leo thang.

Một trong những lợi thế quan trọng của Su-35 so với Su-27 và J-11B là phi cơ có thể mang theo bình nhiên liệu phụ, vốn là một nhược điểm lớn của Su-27.

Nhờ đó Su-35 có lượng nhiên liệu nhiều hơn 20% so với hai phi cơ trên và còn có thể tiếp liệu trên không.

Báo Want China Times cũng ghi nhận rằng: “Su-35 có bình nhiên liệu nặng 11,5 tấn, trong khi J-11D chỉ có 9 tấn, do đó nó sẽ rất hợp với những nhiệm vụ do thám ở Biển Đông”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại