Đó là những lời tuyên bố mạnh miệng được đăng tải trong một bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), sau đó được tờ Want China Times (Đài Loan) dẫn lại ngày 26/9.
Theo Hoàn Cầu, tại Triển lãm điện tử quốc phòng quốc tế lần thứ 9 tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã trưng bày mẫu radar thụ động DWLOO2, được giới thiệu có tầm hoạt động 500 km, có thể bao phủ toàn bộ không phận mà không có bất cứ “điểm mù” nào.
Loại radar này sẽ chủ yếu được sử dụng để phòng không và giám sát bờ biển trong các môi trường điện từ phức hợp, với khả năng phát hiện, định vị và theo dõi các bức xạ trên mặt đất, trên không và trên biển trong tầm bao phủ.
DWL-002 được coi là phiên bản radar thụ động VERA (Czech chế tạo) “made in China”
Hoàn Cầu cho hay, có lẽ điều gây ấn tượng hơn cả là những phát triển trong công nghệ chống tàng hình của Trung Quốc đã cho phép các radar thụ động có thể theo dõi mọi loại máy bay qua sóng vô tuyến tần số thấp mà phi công không hề hay biết rằng họ đang bị theo dõi hoặc đưa vào tầm ngắm. Khả năng này rất khác biệt với radar thông thường, vốn phát đi tín hiệu tần số cao.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc có thể theo dõi máy bay thông qua tín hiệu từ các nguồn điện như máy phát dùng cho TV, đài phát thanh sóng FM và điện thoại di động.
Cũng theo Hoàn Cầu, ngoài các loại radar thụ động, radar dẫn đường và giám sát trên không JY-27A của Trung Quốc được cho là radar giám sát trên không tầm xa 3D tiên tiến hàng đầu thế giới, có khả năng phát hiện máy bay tàng hình và các tên lửa dẫn đường.
Hoàn Cầu cho rằng Trung Quốc có được những bước tiến nhanh chóng trong công nghệ chống tàng hinh là nhờ Mỹ, vốn gây áp lực cho quân đội Trung Quốc sau khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade trúng bom của máy bay tàng hình B-2 Mỹ trong chiến dịch ném bom của NATO nhằm vào Yugoslavia năm 1999. Mỹ sau đó đã triển khai nhiều máy bay ném bom tàng hình B-2 và các tiêm kích F-22 tại căn cứ hải quân ở Guam, buộc Trung Quốc phải phản ứng lại trước các mối đe dọa.
Quyết tâm của Trung Quốc càng được củng cố sau khi Mỹ thành công trong việc ngăn cản hãng chế tạo radar ERA của Czech bán 10 hệ thống radar thụ động VERA cho Bắc Kinh vào năm 2004. Thương vụ trị giá 55.7 triệu USD đã được chính quyền Czech thông qua nhưng sau đó hủy bỏ vào phút cuối, sau khi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Colin Powell gửi thư phản đối tới người đồng cấp Czech Cyril Svoboda.