Dưới đây là nội dung bài viết:
Ấn Độ là bạn hàng mua vũ khí lớn của Nga từ 50 năm qua nhưng không phải mọi việc đều diễn ra tốt đẹp trong thời gian đó. Những hợp đồng quân sự mà Ấn Độ ký với Nga thường xuyên bị chậm tiến độ và đội chi phí. Hơn nữa, chúng không phải lúc nào cũng vận hành tốt như mong đợi.
Nhưng có lẽ không có ví dụ nào tiêu biểu cho mối quan hệ hợp tác quốc phòng sóng gió này hơn là dự án tàu sân bay INS Vikramaditya. Vào thời điểm đầu những năm 2000, Ấn Độ bắt đầu tìm mua một tàu sân bay mới, và những gì diễn ra sau đó thật sự là một cơn ác mộng.
Ấn Độ và nhu cầu mua tàu sân bay
Năm 1988, Liên Xô đưa vào sử dụng tàu sân bay Baku. Đây là 1 trong 5 chiếc thuộc lớp tàu sân bay Kiev, một mẫu thiết kế rất khác biệt so với các tàu sân bay khác. Phần đầu con tàu, chiếm 1/3 tổng chiều dài, có hình dạng của một tuần dương hạm hạng nặng, với 12 tên lửa diệt hạm SS-N-12, 192 tên lửa phòng không cùng 2 pháo cỡ 100mm. 2/3 chiều dài còn lại của con tàu mang hình dạng đặc trưng của 1 tàu sân bay thông thường, với 1 đường băng và một 1 khoang chứa máy bay.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga thừa hưởng Baku và đổi tên nó thành Đô đốc Gorshkov. Con tàu phục vụ trong hải quân Nga đến năm 1996. Một vụ nổ lò hơi, nhiều khả năng do thiếu bảo trì thường xuyên, đã khiến nó ngừng hoạt động và bị rút khỏi biên chế thường trực.
Vào đầu những năm 2000, hải quân Ấn Độ đối mặt với một thách thức lớn. Con tàu sân bay duy nhất của họ, chiếc INS Viraat được dự kiến ngừng hoạt động vào 2007. Nước này cần có tàu sân bay mới để duy trì ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương, cũng như thể hiện uy danh của một cường quốc.
Ấn Độ khi đó không có nhiều lựa chọn. Chỉ một số ít quốc gia đang có chương trình đóng tàu sân bay vào thời điểm đó, gồm Mỹ, Pháp, và Ý. Song những con tàu này có kích thước quá lớn so với yêu cầu. Do đó vào năm 2004, Ấn Độ và Nga đạt được thỏa thuận chuyển giao tàu Đô đốc Gorshkov cho hải quân Ấn Độ. Bản thân con tàu thì miễn phí, nhưng Ấn Độ sẽ chi trả cho Nga 974 triệu USD để nâng cấp con tàu.
Tàu sân bay Đô đốc Gorshkov trong quá trình tân trang để trở thành tàu sân bay INS Vikramaditya. Ảnh: Defense.pk
Ngay từ trên giấy tờ thì đây đã là một dự án đầy tham vọng và rủi ro. Đô đốc Gorshkov là một con tàu khá lớn, với lượng choán nước 44.500 tấn. Con tàu đã trải qua 8 năm không hoạt động, chỉ neo đậu tại cảng, hứng chịu những mùa đông khắc nghiệt của nước Nga và ít được tu bổ, bảo dưỡng.
Nga sẽ nâng cấp, chuyển đổi từ một tàu sân bay chỉ dùng cho trực thăng như thiết kế ban đầu trở thành một tàu sân bay thực thụ, với đường băng 280 m và dốc phóng ở cuối đường băng. Con tàu có thể mang theo tối đa 24 chiến đấu cơ Mig-29K và 10 trực thăng Kamov. Nó cũng sẽ được trang bị radar và nồi hơi mới, lắp thêm cáp hãm dùng cho máy bay khi hạ cánh, và thang nâng mới. Tất cả 2.700 phòng và khoang chứa trên tàu được tân trang lại. Toàn bộ hệ thống dây điện trong tàu được thay thế. Con tàu được đổi sang tên mới Vikramaditya, theo tên một vị vua trong lịch sử Ấn Độ. Một tàu sân bay gần như mới, với mức giá chỉ gần 1 tỷ USD, thật sự là một món hời. Nhưng những thứ ngon bổ rẻ thường không có thật.
Rắc rối xuất hiện
Đến năm 2007, tức là 1 năm trước thời điểm bàn giao theo kế hoạch, phía Nga thừa nhận rằng xưởng đóng tàu Sevmash không thể đáp ứng kịp tiến độ. Hơn nữa, Nga đòi nâng giá gấp hơn 2 lần, lên đến 2,9 tỷ USD. Một ví dụ là chi phí chạy thử trên biển đã tăng vọt từ 27 triệu lên 550 triệu USD.
Một năm sau đó, dự án vẫn bế tắc, Sevmash ước tính họ mới hoàn thành 49% khối lượng công việc. Sevmash thậm chí còn đề xuất Ấn Độ trả thêm 2 tỷ USD nữa, với lí do giá thị trường của một tàu sân bay mới vào thời điểm đó là từ 3 đến 4 tỷ USD. Xưởng đóng tàu này cũng thừa nhận họ không lường trước được mức độ phức tạp của công việc. Chưa ai từng thực hiện việc hoán cải tàu sân bay như vậy kể từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay.
Ngoài ra, Sevmash trước đó chỉ chuyên đóng tàu ngầm chứ không hề có kinh nghiệm đóng tàu sân bay. Nơi đã đóng con tàu này là xưởng đóng tàu Nikolayev, nơi mà sau khi Liên Xô tan rã đã thuộc về Ukraine. Toàn bộ trang thiết bị chuyên dụng cần thiết đều nằm lại tại đó.
Ấn Độ tất nhiên là không thể hài lòng với yêu sách trên, song cũng không thể hủy bỏ thỏa thuận vì đã trả khoản 974 triệu USD và công việc cũng đã hoàn thành được một nửa. Phía Nga hiểu rõ điều này và không ngần ngại cứng rắn với khách hàng của mình. “Nếu Ấn Độ không trả đủ, chúng tôi sẽ giữ con tàu”, một quan chức quốc phòng Nga từng phát biểu.
Hậu quả khó lường
Cho đến năm 2009 thì dự án vẫn dậm chân tại chỗ và bắt đầu gây tiếng xấu cho công nghiệp quốc phòng nói chung. Xuất khẩu vũ khí đem lại cho Nga 8 tỷ USD trong năm 2009, và những chiêu trò của Sevmash có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp quan trọng này.
Vì vậy đến tháng 7/2009, Tổng thống Nga khi đó là Dmitri Medvedev có chuyến thị sát tại Sevmash. Theo truyền thông Ấn Độ thì con tàu vào thời điểm đó vẫn mới chỉ hoàn thành 1 nửa, nghĩa là xưởng đóng tàu chỉ chờ Ấn Độ trả thêm tiền chứ hầu như không làm gì trong suốt 2 năm qua.
Tổng thống Medvedev tỏ ra rất không hài lòng với kết quả chuyến thị sát và công khai yêu cầu tổng giám đốc của Sevmash, Nikolai Kalistratov, phải hoàn thành con tàu và bàn giao cho Ấn Độ. “Nếu không sẽ có hậu quả khó lường”, ông Medvedev nói thêm.
Đến năm 2010, chính phủ Ấn Độ đồng ý điều chỉnh giá mua con tàu lên thành 2,2 tỷ USD, hơn gấp đôi so với giá ban đầu, nhưng vẫn thấp hơn mức 2,9 tỷ mà Sevmash yêu cầu, và thấp hơn nhiều so với mức "giá thị trường" 4 tỷ USD mà xưởng đóng tàu này gợi ý.
Tàu sân bay INS Vikramaditya trong buổi lễ bàn giao cho Hải quân Ấn Độ
Và từ đó, công việc đột nhiên diễn ra với tiến độ nhanh gấp đôi so với trước kia, Sevmash hoàn thành nửa còn lại của con tàu trong vòng 3 năm. Vikramaditya bắt đầu chạy thử vào tháng 8/2012 và chính thức vào biên chế hải quân Ấn Độ vào tháng 11/2013. Trong buổi lễ, bộ trưởng bộ quốc phòng nước này, AK Anthony, bày tỏ sự vui mừng khi dự án cuối cùng cũng kết thúc, “chúng tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ nhận được con tàu.”
Vẫn chưa hết vấn đề
Nhưng điều này không đồng nghĩa rằng Ấn Độ sẽ không còn gặp rắc rối gì với con tàu này nữa, thậm chí là ngược lại. Thứ nhất, nước này vẫn tiếp tục chọn Sevmash cho công tác bảo dưỡng, bảo trì sau thời gian bảo hành trong 20 năm tới. Thứ hai, duy trì nguồn cung cấp linh kiện thay thế cho con tàu cũng sẽ là một vấn đề nan giải. Bên cạnh 10 nhà cung cấp nội địa tại Ấn Độ là hơn 200 nhà cung cấp quốc tế khác từ Nga, Croatia, Đan Mạch, Đức, Ý, Nhật Bản, Phần Lan, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Ba Lan, và Anh. Nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản, có thể không biết rằng công ty của nước mình đang xuất khẩu linh kiện để sản xuất vũ khí của quốc gia khác.
Những nồi hơi của con tàu cũng có thể là nguồn gốc rắc rối trong tương lai. Cả 8 nồi hơi đều được thay thế mới, nhưng các công nhân trong quá trình lắp đặt đã phát hiện một số lỗi. Trong chuyến hành trình từ Nga sang Ấn Độ, tàu đã gặp sự cố với nồi hơi của mình. Theo Sevmash thì nguyên nhân là do những tấm chịu nhiệt kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất. Trung Quốc sau đó bác bỏ việc cung cấp tấm chịu nhiệt cho dự án này.
Bên trong tàu sân bay Vikramaditya
Cuối cùng, Vikramaditya thiếu hỏa lực phòng không. Nó được trang bị pháo sáng và mục tiêu giả để đánh lạc hướng tên lửa đối phương, nhưng không có hệ thống phòng vệ tầm gần như Phalanx của Mỹ. Ấn Độ có thể lắp đặt hệ thống AK-630 của Nga, đã được nội địa hóa, nhưng phải đợi 3 năm nữa, khi tàu được đưa lên ụ để cho đợt bảo dưỡng lớn định kỳ. Trong thời gian đó, nó phải trông cậy vào lá chắn phòng không của khu trục hạm Kolkata do Ấn Độ tự đóng.
Còn về phần mình, xưởng đóng tàu Sevmash, sau vụ tai tiếng với Vikramaditya, lại trở nên hào hứng với việc đóng tàu sân bay. Họ đã nhắm đến Brazil như là khách hàng tiềm năng tiếp theo. “Sevmash muốn đóng thêm nhiều tàu sân bay nữa”, phó giám đốc, Sergey Novoselov, tuyên bố. Nhưng không rõ ai sẽ đủ can đảm sau khi đã chứng kiến bài học của Ấn Độ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo quốc phòng Kyle Mizokami, từng cộng tác với các tạp chí nổi tiếng như Foreign Policy, Diplomat.