Trang mạng Investor.com đăng bài viết cho hay: Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, trong đó có sử dụng một số hệ thống vũ khí vốn dự kiến bị loại bỏ khỏi biên chế do tính hữu dụng của chúng đã hết hoặc đã có hệ thống vũ khí mới thay thế.
Như tờ Washington Post đưa tin, trong các cuộc tấn công đầu tiên hôm thứ Hai (22/9) nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria, Mỹ đã sử dụng 47 tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ 2 tàu chiến, gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Arleigh Burke và tàu tuần dương tên lửa Philippine Sea. Chúng là một phần của nhóm tác chiến tàu sân bay George H.W. Bush do tàu sân bay cùng tên dẫn đầu.
Tên lửa hành trình Tomahawk được bắn từ chiến hạm USS Arleigh Burke trong cuộc tấn công IS ở Syria.
Vấn đề là, như các phương tiện truyền thông đưa tin hồi tháng Ba năm nay, Tổng thống Obama đã lên kế hoạch loại bỏ các tên lửa hành trình Tomahawk ra khỏi kho vũ khí của Hải quân, dù hệ thống vũ khí thay thế vẫn chưa sẵn sàng hoạt động.
Theo các tài liệu ngân sách do Hải quân Mỹ phát hành, ngân sách dành cho chương trình tên lửa Tomahawk (được biết tới như "tên lửa hành trình tiên tiến nhất thế giới") dự kiến sẽ bị cắt giảm 128 triệu USD theo đề xuất ngân sách năm tài khóa 2015 của ông Obama và chương trình sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ vào năm 2016.
Ngoài việc cắt giảm tiền cho chương trình, số lượng tên lửa Tomahawk được mua bởi Hải quân Mỹ sẽ giảm từ 196 trong năm 2013 xuống còn 100 quả trong năm 2015. Số lượng mua sau đó sẽ giảm xuống bằng 0 vào năm 2016.
Giới chức Mỹ đã công bố những hình ảnh đầu tiên về các mục tiêu bị không kích. Lầu Năm Góc cho biết, đây là tòa nhà Trung tâm tài chính của IS ở Raqqa, Syria trước và sau khi bị tên lửa hành trình Tomahawk bắn trúng.
Căn cứ vào những con số này, có thể thấy là chỉ trong một đêm tấn công, Tổng thống Obama đã sử dụng tới 47% số tên lửa định mua vào năm sau. Với tốc độ sử dụng như vậy, kho tên lửa Tomahawk của Hải quân Mỹ sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Chuyên gia Thomas Lifson viết trên tờ American Thinker, nguồn cung cấp với khoảng 4.000 tên lửa Tomahawk của Mỹ sẽ cạn kiệt trong vòng 85 ngày với mức độ sử dụng như vậy.
Tên lửa Tomahawk từng là loại vũ khí đắc lực của Mỹ trong chiến dịch Bình minh Odyssey từ ngày 19/3/2011. Chỉ riêng trong ngày hôm đó, Mỹ đã bắn 112 quả tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu ở Lybia nhằm thực thi nghị quyết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Libya của Liên hợp quốc, hậu thuẫn cho quân nổi dậy Lybia chống lại chính quyền Moammar Gadhafi. Tổng cộng đã có 220 quả tên lửa Tomahawk được phóng vào các mục tiêu ở Lybia.
Chiến dịch ở Syria có vẻ khó khăn hơn so với ở Lybia bởi các lực lượng ở Lybia không có được những hệ thống phòng không tinh vi. Đó là lý do tại sao Không quân Mỹ lựa chọn để F-22 lần đầu thực chiến. Khả năng “tàng hình" trước radar và độ cơ động cao giúp F-22 trở thành một loại vũ khí lý tưởng trong những môi trường tác chiến có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, số lượng các tiêm kích F-22 đã dừng lại ở con số 187 chiếc do chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2010.
Năm 2009, Tổng thống Obama từng nhấn mạnh rằng việc mở rộng ngân sách mua sắm F-22 sẽ là “một sự lãng phí không thể tha thứ”. Dây chuyền sản xuất đã buộc phải dừng lại vào cuối năm 2011.
Một loại vũ khí “Chiến tranh lạnh” khác, theo cách gọi của ông Obama, vốn dự kiến sẽ bị loại khỏi biên chế nhưng giờ đây lại được huy động để hỗ trợ cuộc chiến chống IS, đó chính là cường kích A-10 Thunderbolt. A-10 được đưa vào biên chế từ những năm 1970 và được thiết kế để tiêu diệt các xe tăng Liên Xô trên chiến trường châu Âu.
Cường kích A-10 Thunderbolt
Mới đây, trang mạng Business Insider dẫn nguồn tin từ Lực lượng Vệ binh quốc gia Indiana cho hay Lầu Năm Góc sẽ triển khai 12 cường kích A-10 tới Trung Đông đầu tháng 10 tới.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã cảnh báo rằng dưới chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng của ông Obama, quân đội Mỹ sẽ chỉ còn “lực lượng tác chiến mặt đất nhỏ nhất từ năm 1940”, “lực lượng hải quân với chưa đầy 230 tàu chiến, quy mô nhỏ nhất từ năm 1915” và “một lực lượng máy bay chiến thuật nhỏ nhất trong lịch sử Không quân Mỹ”.
F-22 tấn công Trung tâm chỉ huy và kiểm soát của IS ở Syria