Một bài viết của David Axe (phóng viên chuyên về mảng quân sự, từng cộng tác với tạp chí Diplomat, Đài tiếng nói Hoa Kỳ...) cho hay: Những bằng chứng được công bố vào năm ngoái xác nhận việc chiến đấu cơ Pháp đã "bắn hạ" một chiếc F-22 Raptor trong một cuộc diễn tập. Dù đây không phải lần đầu F-22 bị bắn hạ trong không chiến mô phỏng thì nó vẫn là một sự kiện đáng chú ý vì một số lí do.
Thứ nhất, F-22 được xem là chiến đấu cơ hiện đại nhất từng được chế tạo, một kỳ quan công nghệ 250 triệu USD có thể bay nhanh hơn, cao hơn bất kì đối thủ nào hiện nay, đồng thời có thể "tàng hình" trước radar. Lầu Năm Góc hiện chỉ có một số lượng F-22 hạn chế, 180 chiếc, và trông cậy vào sự vượt trội về công nghệ để giành ưu thế trên không trước đối phương có lợi thế về số lượng. Do đó mỗi lần thất bại trong huấn luyện trước đối thủ đều có thể ảnh hưởng đến kết quả những cuộc chiến tranh của Mỹ trong tương lai.
Bên cạnh đó, quân đội Pháp vẫn thường chịu tiếng xấu là kém cỏi, bắt nguồn từ những thành tích không mấy tự hào trong Thế chiến thứ 2. Việc một phi công Pháp giành chiến thắng trước cỗ máy không chiến hàng đầu của người Mỹ có thể lấy lại phần nào uy danh cho người Pháp.
Sự kiện này diễn ra vào tháng 11/2009, khi một phi đội F-22 của không quân Mỹ tham gia tập trận chung với các chiến đấu cơ Rafale của không quân Pháp và Typhoon của không quân Anh tại Al Dhafra, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Một tháng sau đó, người Pháp công bố đoạn clip thu được từ camera đặt trên Rafale, với hình ảnh một chiếc F-22 đang ở vị trí bất lợi phía trước Rafale, cho thấy có thể máy bay Pháp đã giành chiến thắng ít nhất 1 trong số những lần giao chiến giữa 2 bên.
Tiêm kích Rafale của Pháp
Nhưng những phi công Mỹ khẳng định rằng máy bay của họ không hề bị đánh bại trong đợt thao diễn đó, và đã giành chiến thắng trong 6 lần giao chiến, có 5 lần giao chiến kết thúc với kết quả hòa. Phi công Mỹ chỉ thất bại trong 1 lần duy nhất trước chiếc chiếc Mirage 2000 của UAE.
Song một đoạn clip khác được đăng tải vào tháng 6/2013 cho thấy rất rõ ràng Rafale đã cơ động vào vị trí thuận lợi để phóng tên lửa tầm nhiệt MICA vào F-22. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng không có thông tin nào đề cập đến hoàn cảnh và điều kiện của lần giao chiến đó. F-22 có thể đã bắt đầu giao chiến với vị trí bất lợi hơn so với Rafale với mục đích nâng cao độ khó của bài huấn luyện. Cho dù thế nào thì sự kiện này cũng cho thấy Rafale, ra đời 10 năm trước F-22, vẫn có thể giành ưu thế trước F-22 trong cận chiến ở vận tốc thấp.
Hình ảnh từ đoạn video do Pháp công bố cho thấy F-22 của Mỹ bị "khóa" trên màn hình radar của Rafale.
Ngay cả trước cuộc tập trận năm 2009, bản thân người Mỹ cũng biết rõ F-22 không phải là bất khả chiến bại, cho dù họ hiếm khi công khai về điều này. Trong lần đầu tiên tham gia một cuộc tập trận lớn vào năm 2006, một chiếc F-22 bị "bắn hạ" bởi một chiếc F-16. Đến cuối năm 2008, một chiếc EA-18G Growler, phiên bản tác chiến điện tử của F-18E Super Hornet, thuộc biên chế hải quân Mỹ giành chiến thắng trong một lần diễn tập giao chiến với F-22. “Cho dù F-22 có tân tiến như thế nào thì người phi công vẫn có thể phạm sai lầm”, Trung tá Dirk Smith, tư lệnh một phi đoàn F-22 giải thích.
Cuộc diễn tập năm 2009 tại UAE chưa phải là lần gần nhất F-22 bị đánh bại. Vào tháng 6/2012, một nhóm phi công của không quân Đức, bay trên những chiếc Eurofighter Typhoon, đã tìm ra chiến thuật tốt nhất để đối phó với F-22 sau khi tham gia một đợt diễn tập chung 2 tuần tại Alaska.
Tiêm kích Eurofighter Typhoon
Trong thời gian đó, những chiếc Typhoon có 8 lần giao chiến một đối một với F-22, với tình huống cận chiến cơ bản. Và theo lời thiếu tá Marc Gruene của không quân Đức thì cả 2 bên rất cân bằng. Điểm mấu chốt là phải áp sát F-22 nhiều nhất có thể và duy trì khoảng cách đó.
“Họ không nghĩ chúng tôi có thể xoay vòng trong một phạm vị quá hẹp như vậy”, thiếu tá Gruene giải thích. Ông cũng nói thêm F-22 vượt trội trong không chiến tầm xa với ưu thế về tốc độ và trần bay, radar công nghệ cao, và tên lửa hiệu quả. Nhưng trong các tình huống không chiến ở tầm gần, tốc độ thấp thì F-22, với trọng lượng lớn hơn, gặp bất lợi. “Trong tình huống cận chiến thì Typhoon không cần phải e ngại F-22”, ông Gruene nói.
Điều tương tự cũng có thể áp dụng cho một chiếc F-16 30 năm tuổi, một máy bay gây nhiễu, hay một chiến đấu cơ do phi công Pháp điều khiển. Sẽ là đáng lo hơn nữa nếu chiến đấu cơ Nga, Trung Quốc hay một quốc gia nào khác cũng không cần phải e ngại F-22.