Thông tin này được Antara News dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Indonesia urnomo Yusgiantoro cho biết, theo đó hiện tại cả hai bên chỉ mới dừng lại ở giai đoạn tham khảo tài chính cho hợp đồng mua sắm hệ thống radar trên.
Tuy nhiên ông này còn nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới cả Indonesia và Trung Quốc sẽ xem xét nghiêm túc mọi thủ tục liên quan để có thể triển khai hợp đồng này sớm nhất.
Indonesia cũng đang đánh giá cân nhắc các thông số kỹ thuật của OTH SLR-66, để có thể chắc chắn mẫu radar trinh sát hàng hải này phù hợp với địa hình của các quần đảo của Indonesia. Cũng như khả năng tương thích của OTH SLR-66 với các tàu tuần tra ven bờ của nước này.
Vì vậy, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, ông Purnomo cũng đã đến thăm văn phòng trưng bày mô hình và thiết bị xuất khẩu thuộc Tập đoàn xuất nhập khẩu quốc gia Trung Quốc (CEIEC) - đối tác chính trong hợp đồng mua sắm các hệ thống radar OTH SLR-66 cho Indonesia.
Theo giới thiệu của CEIEC, hệ thống radar trên có thể hoạt động ở nhiều chế độ khác nhau, với chế độ hoạt động tích cực OTH SLR-66 có phạm vi hoạt động tầm 280km và ở chế độ thụ động là khoảng 500km.
Radar OTH SLR-66 có thể được triển khai cố định hoặc di động và nó có thể được đặt dọc theo các tuyến hàng hải chiến lược của Indonesia.
Khi trả lời câu hỏi vì sao Indonesia lại lựa chọn hệ thống radar giám hàng hải do Trung Quốc sản xuất, tờ Jakarta Post dẫn lời một số chuyên gia giấu tên cho biết, không có tranh chấp biển với Trung Quốc và giá rẻ có thể là nguyên nhân chính khiến Indonesia mạo hiểm cho lựa chọn của mình.
Nhận định trên là khá hợp lý bởi thực tế trong thời gian gần đây những thương vụ bán vũ khí, đặc biệt là hệ thống radar của Trung Quốc ra nước ngoài phần lớn đều là khách hàng ở khoảng cách địa lý khá ‘an toàn’ với Bắc Kinh.
Gần đây nhất là hồi cuối tháng 4/2014, Công ty xuất nhập khẩu của Venezuela Veximca đã ký một hợp đồng với CEIEC về việc cung cấp 26 đài radar và 11 trạm điều khiển.
Tuy nhiên nguồn tin này không tiết lộ về chủng loại radar trong bản hợp đồng không được tiết lộ. Trước đó, Venezuela đã nhập khẩu một loạt hệ thống radar khác từ Trung Quốc gồm: 3 bộ radar JY-11 và 7 bộ JY-11B trong giai đoạn 2005-2010.
Việc Venezuela liên tiếp ký hợp đồng mua các hệ thống radar do Trung Quốc sản xuất khiến ngay cả các nhà quân sự của nước này cũng cảm thấy bất an cho hệ thống phòng không của mình. Bởi trước đó Ecuador – một quốc gia Nam Mỹ khác cũng đã mua các hệ thống radar do Trung Quốc sản xuất, tuy nhiên đây là bản hợp đồng nhớ đời với Ecuador.
Bản hợp đồng giữa Ecuador và Trung Quốc được ký kết là các radar YLC-2C và YLC-18. Ecuador mua radar một cách khẩn cấp theo hợp đồng ký ngay sau khi các máy bay huấn luyện chiến đấu EMB-314 Super Tucano xâm nhập không phận nước này và tấn công căn cứ quân nổi dậy Colombia trên lãnh thổ Ecuador.
Năm 2010-2011, Ecuador đã nhận được tổng cộng 4 đài radar Trung Quốc vốn dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 10/2012. Tuy nhiên toàn bộ số radar này đã bị phía Ecuador trả lại.
Lý do Bộ quốc phòng Ecuador hủy bỏ bản hợp đồng trị giá 60 triệu USD này là do phía Trung Quốc cũng cấp các hệ thống radar “không thể hoạt động bình thường”, đồng thời Bộ quốc phòng Ecuador còn yêu cầu phía Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại do họ phải sử dụng những thiết bị không bảo đảm yêu cầu chất lượng như quảng bá.