Tên lửa Crotale Mk3 sẽ thay thế cho "lá chắn thép" A-89?

Minh Hoàng |

Sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội của một hệ thống tên lửa phòng không tầm gần, liệu Crotale Mk3 của Pháp có cơ hội được gia nhập biên chế của lực lượng phòng không Việt Nam?

Việt Nam đang sở hữu tổ hợp tên lửa tầm xa hiện đại là S-300PMU1. Tuy nhiên, các tổ hợp này chỉ có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu ở khoảng cách 5-150km, ở tầm gần hơn chính là "vùng trắng", S-300 không thể tác xạ và dễ bị tổn thương nếu đối phương tấn công.

Do vậy, phải có những hệ thống phòng không tầm gần để bảo vệ S-300. Hiện tại nhiệm vụ này được giao cho các đơn vị ZSU-23-4M Shilka và 9K35M Strela-10M (Việt Nam gọi là A89).

Dù các tổ hợp này đã được nâng cấp, cải tiến để đáp ứng một phần yêu cầu tác chiến phòng không hiện đại, nhưng như thế vẫn chưa đủ, Quân chủng PKKQ cần được bổ sung thêm các loại tên lửa phòng không tầm gần mới hơn.

Một trong những ứng viên đáng chú ý hiện nay là hệ thống phòng không tầm gần Crotale EDIR Mk.3 của Thales Group (Pháp).


Tổ hợp tên lửa phòng không Crotale EDIR Mk.3 được trưng bày tại Paris Air Show 2007

Tổ hợp tên lửa phòng không Crotale EDIR Mk.3 được trưng bày tại Paris Air Show 2007

Lựa chọn hợp lý cho phòng không tầm gần

Được phát triển cùng thời với Strela-10, bản thân Crotale cũng đã trải qua rất nhiều phiên bản nâng cấp khác nhau. Nhưng hệ thống của Pháp có tầm bắn lớn hơn nhiều so với Strela-10.

Trong khi các phiên bản A89 chỉ có tầm bắn tối đa là 5km, hệ thống Crotale Mk.3 có thể đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách tới 15km. Trong một thử nghiệm hồi đầu năm 2008, Crotale Mk.3 đã tiêu diệt thành công mục tiêu ở độ cao 500m từ cách 15km.

Con số này thậm chí còn vượt trội tổ hợp Tor-M2 hiện đại của Nga với tầm bắn khoảng 12km.

Từ phiên bản Crotale NG, radar nhìn vòng đã được tích hợp thẳng lên xe bệ mang phóng. Radar này có tầm trinh sát tới 20km, đủ để cảnh báo cho tổ hợp về mục tiêu trong khu vực mình phụ trách.

Strela-10M vẫn phải dựa vào xe radar PPRU-1M-2 để tính toán tham số của mục tiêu và chỉ huy từng xe phóng.

Một ưu điểm khác là tốc độ bay của tên lửa. Đạn của tổ hợp Crotale có tốc độ khoảng 1200m/s, gấp hơn hai lần con số 550m/s của Strela-10M.


Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp A-89 (Strela-10M) trong diễn tập bắn đạn thật.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp A-89 (Strela-10M) trong diễn tập bắn đạn thật.

Điều này sẽ khiến mục tiêu ít có thời gian phản ứng để cơ động vòng tránh hơn. Crotale sử dụng loại đầu đạn 13kg, còn Strela-10M chỉ có đạn 9M333 với đầu đạn 5kg. Có thể thấy rõ ràng là khả năng tiêu diệt mục tiêu của Crotale Mk.3 vượt trội hoàn toàn so với Strela-10M.

Một điểm đáng lưu ý là Crotale được phát triển trên khung gầm xe bánh lốp, thay vì khung gầm bánh xích của Strela-10M. Điều này giúp Crotale cơ động dễ hơn trên đường bê tông cùng với S-300, thay vì phải phụ thuộc vào xe chuyên chở.

Crotale cũng đã được xuất khẩu tới 15 nước, với các phiên bản trên mặt đất và trên hạm. Như vậy có thể thấy nhiều nước đã tin tưởng loại tên lửa này, không thua kém gì sản phẩm đại diện của Nga.

Phía Thales Group từng tuyên bố sẵn sàng hợp tác toàn diện với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng.

Nhưng chưa chắc đã được chọn

Sở hữu nhiều ưu điểm phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, nhưng cơ hội để Crotale Mk3 gia nhập Quân chủng PKKQ là khá thấp.

Rào cản đầu tiên chính là việc Pháp vấp phải những "lùm xùm" trong các thương vụ mua bán vũ khí, ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới.

Tất nhiên, trong chừng mực nào đó, hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm cho một nước Pháp phải ứng phó với nhiều sức ép quốc tế khác nhau, nhất là khi các cường quốc hàng đầu thế giới phải chia sẻ những lợi ích và mối quan tâm chung.

Nhưng rõ ràng, điều đó sẽ khiến những khách hàng quan tâm đến vũ khí trang bị xuất xứ từ Pháp phải cân nhắc kỹ hơn.

Thứ hai, Trung Quốc đã mổ xẻ tên lửa Crotale và chế tạo thành công tổ hợp HQ-7, sau đó tiến hành nâng cấp tương đối sâu để cho ra đời phiên bản HQ-7A. Do vậy, cần xác định là Trung Quốc cũng không lạ gì với Crotale.

Ngoài ra Hàn Quốc cũng đã mua công nghệ từ Thales (Pháp) để sản xuất các tổ hợp tên lửa Crotale trong nước với tên gọi K-SAM Pegasus. Tổng số đã có 114 tổ hợp tên lửa loại này được trang bị cho Quân đội Hàn Quốc.


Hàn Quốc mua công nghệ từ Thales (Pháp) để sản xuất các tổ hợp tên lửa Crotale trong nước với tên gọi K-SAM Pegasus. 

Hàn Quốc mua công nghệ từ Thales (Pháp) để sản xuất các tổ hợp tên lửa Crotale trong nước với tên gọi K-SAM Pegasus. 

Tuy nhiên, xét cho cùng Crotale Mk3 của Pháp cho dù khá hiện đại nhưng cũng chỉ là phiên bản nâng cấp dựa trên nên tảng sẵn có đã ra đời cách đây hàng chục năm và chưa có nhiều đột phá mới.

Thế nên, trong khi trên thị trường còn nhiều tổ hợp tên lửa phòng không tương tự từ những nhà cung cấp "tên tuổi" khác (ngoài Pháp), cho phép Việt Nam đứng trước nhiều lựa chọn hơn và cơ hội của Crotale Mk3 có thể bị suy giảm ít nhiều.

Cuối cùng, ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là tự chủ nguồn cung, đây là một trong những yêu cầu tương đối cao khi mua sắm trang bị vũ khí mới phải đi kèm với chuyển giao công nghệ chế tạo hoặc chí ít cũng phải đảm bảo yêu cầu bảo dưỡng, sửa chữa.

Mức độ chuyển giao đến đâu phụ thuộc nhiều vào điều kiện ngân sách mua sắm và nhất là trình độ tiếp nhận, phát huy ưu thế công nghệ của Việt Nam.

Đến nay, chưa rõ sự sẵn sàng cũng như mức độ cung cấp, chuyển giao công nghệ và dây chuyền sản xuất vũ khí trang bị nói chung và Crotale Mk3 của Thales cho Việt Nam đến đâu.

Trong khi đó, có một lựa chọn khác khả dĩ hơn là tổ hợp Spyder-SR của Israel. Đây là một tổ hợp tên lửa mới, được tích hợp nhiều thành tựu khoa học công nghệ tân tiến nhất.

Đặc tính kỹ - chiến thuật của SPYDER-SR và Crotale Mk3 có khá nhiều điểm tương đồng, nhưng dường như quan hệ hợp tác quốc phòng tốt đẹp giữa Việt Nam và Israel sẽ cho Spyder cơ hội lớn hơn.

Tóm lại, Crotale Mk3 là một ứng viên đầy tiềm năng. Nhưng nó sẽ chỉ dừng lại ở mức độ ứng viên và khó có thể song hành cùng S-300 tại Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại