Tâm trạng Mỹ khi Nga xét lại vũ khí hạt nhân

Ngọc Hòa |

Việc phương Tây tăng cường sức mạnh quân sự, cơ sở hạ tầng áp sát Nga khiến gần như chắc chắn Moskva sẽ xem xét lại hiệp ước START với Mỹ.

Xem xét lại hiệp ước START

Vừa qua, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Nga đã thừa nhận rằng sự kém thân thiện của Mỹ có thể khiến Moskva phải xem xét lại thoả thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân (START) giữa hai nước.

Cụ thể, người đứng đầu văn phòng An ninh và Giải trừ vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, Mikhail Ulyanov cho biết:

Hiện tại chúng tôi vẫn chưa hề xem xét lại thoả thuận với Mỹ, tuy nhiên, tôi không loại trừ khả năng trong tương lai, Washington sẽ bắt buộc Moskva phải chuyển chính sách của mình theo định hướng này.

Điều này là hoàn toàn bình thường nếu cân nhắc đến các yếu tố kém thân thiện trong nhiều hành động của Mỹ”.

Tuy nhiên, Mikhail Ulyanov cho biết, vào thời điểm hiện tại việc căng thẳng hiện tại giữa Nga và Mỹ vẫn sẽ chưa có ảnh hưởng gì đến các chương trình cắt giảm vũ khí hạt nhân, quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Ông Ulyanov cho hay:

Hiệp ước START đang được áp dụng và sẽ được áp dụng tốt. Cả Nga và Mỹ đều đồng ý rằng mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp và không có bên nào vi phạm thoả thuận.

Chúng tôi đang nhắc đến những khả năng mà buộc Nga phải thay đổi thái độ với hiệp ước này, mặc dù nó chưa hề xảy ra”.

Đoàn tàu tên lửa đã được Nga quyết định khôi phục
Đoàn tàu tên lửa đã được Nga khôi phục

Hồi tháng 6/2013, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gợi ý về việc cắt giảm thêm số lượng đầu đạn hạt nhân, Tổng thống Nga Putin đã trả lời rằng, Moskva không thể chấp nhận điều này do những sự phát triển không ngừng của tên lửa đánh chặn và các vũ khí chiến lược thông thường của Mỹ.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân Nga-Mỹ cho phép mỗi bên sở hữu nhiều nhất 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 phương tiện mang theo đầu đạn như tên lửa hay máy bay ném bom.

Hiệp ước này đã đi vào hiệu lực từ năm 2011 và sẽ hết hạn vào năm 2021.

Tuy nhiên hiện nay, Nga đang sở hữu năng lực hạt nhân được coi là số 1 thế giới với khoảng 8500 đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật với bộ 3 răn đe hạt nhân hết sức đa dạng và hiện đại.

Vì sao Mỹ yêu cầu Nga cắt giảm vũ khí chiến lược

Theo số liệu của Bộ quốc phòng Mỹ, Nga hiện có khoảng 8500 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 4.500 quả hiện còn trong biên chế trên tất cả các phương tiện phóng chiến lược, chiến thuật quân đội Nga, 4.000 quả còn lại đang được niêm cất nguyên vẹn trong các kho chứa.

Theo một số nguồn tin chưa xác thực, Nga hiện đang triển khai 326 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM) mang 1.050 đầu đạn hạt nhân, 624 đầu đạn hạt nhân triển khai trên tàu ngầm, 810 đầu đạn triển khai trên 72 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS.

Các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo trên mặt đất (trong giếng phóng và cơ động trên mặt đất) của Nga hiện đã vượt trội so với Mỹ về cả số lượng, chất lượng và uy lực tấn công với hàng loạt loại tên lửa đạn đạo khủng như R-36M2 Voevoda (NATO là SS-18 Satan), RS-12M2 Topol-M (NATO SS-27 "Sickle B"), RS-24 Yars (SS-27 Mod 2) và RS-26 Rubezh.

Máy bay ném bom hạng nặng Tu-160
Máy bay ném bom hạng nặng Tu-160

Vũ khí hạt nhân tấn công từ trên không (tên lửa hành trình, bom hạt nhân) từ các máy bay ném bom chiến lược của Nga cũng không hề thua kém.

Với các loại tên lửa hành trình có tầm phóng từ hàng ngàn km đến 10.000km như Kh-55, Kh-101, Kh-102, các máy bay ném bom Nga mặc dù thua sút về khả năng tàng hình nhưng vượt xa về phạm vi tấn công.

Phương tiện phóng tên lửa hạt nhân từ dưới nước (tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm hạt nhân tấn công) của Nga vẫn đang được tăng cường sức mạnh.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey với tên lửa đạn đạo liên lục địa R-30 (SS-NX-30 Bulava), tầm phóng từ 8400-12.000km cùng với những tàu ngầm chiến lược project 941 Akula, có khả năng mang 200 đầu đạn hạt nhân và project 667BDRM "Delphin" (128 đầu đạn hạt nhân) sẽ là đối thủ đáng gờm của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen cùng với các tàu ngầm hạt nhân tấn công Project 949A Antei (NATO: Oscar-II), Project 671, lớp Victor và Project 945, lớp Sierra, sẽ là những đối trọng thực sự của các và tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia, Seawolf và Los Angeles của Mỹ.

Hiện nay, hệ thống tác chiến tên lửa cơ động đường sắt được sản xuất từ thời kỳ Liên Xô đã nghỉ hưu từ năm 2005 nhưng Nga đã tái khôi phục tổng cộng 36 thiết bị phóng tên lửa cơ động trên đường sắt thế hệ mới Barguzin, được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars có thể đưa vào trạng thái chiến đấu thường trực.

Theo Trung tướng Sergei Karakayev - Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga, trong năm 2015 Nga sẽ trang bị tới 24 quả tên lửa RS-24 cho các hệ thống tên lửa cơ động.

Mức độ hủy diệt của 1 quả tên lửa mới sẽ nhỏ hơn nhưng nếu xét tổng thể sẽ ngang bằng hoặc hơn mẫu tiền nhiệm của nó.

Tên lửa RT-23 Molodets (NATO gọi là SS-24 Scalpel) có 10 đầu đạn độc lập đa mục tiêu (MIRV) với sức công phá 5,5 megaton.

Một megaton tương đương sức công phá của một triệu tấn thuốc nổ TNT. Trong khi đó, Yars chỉ có 4 đầu đạn với sức công phá từ 0,4 đến 1,2 megaton.

Tuy nhiên, mỗi hệ thống tác chiến tên lửa di động Barguzin được lắp đặt 3 thiết bị phóng, 6 quả tên lửa SS-24, tức 24 đầu đạn và có thể mang thêm 6 quả dự trữ, trong khi đó hệ thống cũ chỉ có khả năng mang theo 3 tên lửa RT-23 Molodets với 30 đầu đạn hạt nhân.

Hơn nữa, tên lửa Yars lại có độ chính xác cao hơn và tầm bắn xa hơn.

Với kho vũ khí hạt nhân khủng này, giả sử nếu Nga quyết định đánh phủ đầu hạt nhân, lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này có khả năng san phẳng toàn thế giới chỉ trong 1 cú đánh đầu tiên.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga
Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga

Nga khôi phục loạt vũ khí chiến lược thời Liên Xô

Để có thể đối phó với vành đai quân sự phương Tây đang siết chặt quanh Nga, Moskva đã quyết định cho hồi sinh loạt vũ khí từ thời Liên Xô cũ.

Hãng RIA Novosti ngày 15/12 dẫn lời Phó Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga, ông Andrei Filatov khẳng định:

Hệ thống tên lửa đường sắt chiến lược (BZHRK) có thể phóng tên lửa ở khoảng cách 10.500km so với mục tiêu lừng danh thời Liên Xô đã được Nga quyết định cho hồi sinh.

Trước khi công bố về việc hồi sinh đoàn tàu tên lửa, Nga cũng đã quyết định nâng cấp hệ thống phòng thủ A-135 - hệ thống từng là ác mộng của tên lửa đạn đạo phương Tây.

Theo Vz.ru, các siêu tên lửa đánh chặn của A-135 sẽ được nâng cấp, cải thiện độ chính xác để nâng cao hiệu suất đánh chặn.

Đạn đánh chặn có thể sẽ thay thế đầu đạn hoặc sử dụng động năng của vụ va chạm tốc độ cao để tiêu diệt mục tiêu.

Hiện tên lửa đánh chặn A-135 sau nâng cấp vừa tiến hành thử nghiệm thành công.

Hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 (NATO định danh là ABM-3) chính thức hoạt động từ năm 1995, thay thế cho hệ thống A-35 xây dựng dưới thời Liên Xô.

Ngoài những vũ khí kể trên, loại vũ khí hạng nặng nhất dưới thời Liên Xô được Nga nâng cấp là siêu hạm Đô đốc Nakhimov.

Theo tiết lộ của Nhà máy đóng tàu Sevmash, việc nâng cấp sẽ bao gồm sửa chữa vỏ tàu và lò phản ứng hạt nhân cùng với hiện đại hóa các hệ thống vũ khí và điện tử trên tàu, với mục đích kéo dài thời gian hoạt động của tàu thêm 20-30 năm nữa.

Đồng thời, nó sẽ tạo tiền đề cho quá trình đại tu các tàu chiến chủ lực của Hải quân Nga, vốn không được hiện đại hóa trong thời kỳ hậu Xô Viết.

Trước đó, nhà máy đóng tàu cho biết, chiếc tàu tuần dương này sẽ được trang bị các hệ thống vũ khí tiến tiến nhất của Nga, trong đó có tên lửa hành trình siêu âm đối hạm P-800 Oniks (NATO gọi là SS-N-26), hệ thống tên lửa phòng không hạm dựa trên hệ thống S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) và các hệ thống vũ khí tầm gần, được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa và máy bay.

Sau khi nâng cấp, tổng số tên lửa tàu Đô đốc Nakhimov có thể mang theo có thể lên tới 300 quả, với những loại tên lửa thuộc dạng hiện đại nhất của Nga, khiến nó trở thành một chiến hạm được trang bị mạnh nhất không chỉ của Nga mà còn trên toàn thế giới với khả năng chống hạm, phòng không, chống ngầm..., siêu mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại