Phân biệt các loại pháo
Cỡ nòng trên 20mm thì được gọi là pháo, dưới thì gọi là súng. Đã là pháo, đương nhiên to và dài hơn súng nhưng không phải cứ pháo là đều gọi nòng dài. Sau đây là các loại pháo phân loại theo những tiêu chí kết cấu pháo:
- Pháo lựu: còn gọi là lựu pháo hay pháo nòng ngắn. Thường có chiều dài nòng gấp 14 - 25 lần cỡ nòng. Đường đạn của pháo lựu thường là cầu vồng, góc rơi lớn để chuyên tiêu diệt mục tiêu bị che khuất.
Pháo lựu có trong Quân đội ta: 122mm (M30, D30), 105mm (M2A2, M102), 155mm (M114A1).
- Pháo nòng dài: còn gọi là pháo canon. Thường có chiều dài nòng gấp 40 - 80 lần cỡ nòng. Đường đạn của pháo nòng dài căng, sơ tốc đạn lớn, tầm bắn xa.
Pháo nòng dài cỡ nhỏ và trung bình thường dùng để chống tăng hay bắn thẳng, pháo nòng dài cỡ lớn thường dùng làm pháo chiến dịch, pháo bờ biển.
Pháo nòng dài có trong Quân đội ta: 76,2mm ZIS-3, 85mm D-44, 100mm MT-12, 122mm D-74, 130mm M-46, 152mm M-47, 175mm M107 (Mỹ).
Pháo nòng dài 130mm M-46.
- Pháo lựu nòng dài: còn gọi là pháo lựu canon. Loại pháo kết hợp đặc điểm của cả pháo lựu và pháo nòng dài, nhưng đặc điểm pháo lựu trội hơn. Chiều dài nòng khoảng 25 - 40 lần cỡ.
Khi sử dụng liều phóng nhỏ thì góc bắn lớn như pháo lựu, khi sử dụng liều phóng lớn thì đường đạn căng như pháo nòng dài. Pháo lựu nòng dài có trong Quân đội nhân dân Việt Nam: 152mm ML-20.
- Pháo nòng dài lựu: còn gọi là pháo canon lựu. Kết hợp đặc tính kỹ, chiến thuật của cả pháo nòng dài và pháo lựu, nhưng đặc điểm của pháo nòng dài trội hơn.
Chiều dài nòng ngắn hơn pháo nòng dài cùng cỡ nhưng dài hơn pháo lựu và lựu nòng dài cùng cỡ. Pháo nòng dài lựu có trong Quân đội nhân dân Việt Nam: 152mm D-20.
Ngoài những loại pháo xe kéo trên thì trong Quân đội nhân dân Việt Nam còn có nhiều loại pháo nhau như:
- Pháo mang vác: loại pháo có cỡ nòng nhỏ, kết cấu đơn giản có thể chia thành nhưng bộ phận để vận chuyển bằng sức người như ĐKZ, pháo phản lực ĐKB.
- Pháo tự hành: pháo đặt trên khung xe tăng, xe bọc thép cơ sở.
- Pháo phản lực bắn loạt: loại pháo đặt trên xe ô tô bắn đạn phản lực.
- Pháo tự di chuyển: pháo có khả năng tự di chuyển ở tốc độ chậm, trong phạm vi hẹp.
Pháo phản lực bắn loạt BM-21 nâng cấp.
Để bắn được đầu đạn ra khỏi nòng pháo thì phải sử dụng thuốc phóng.
Ở đạn pháo bắn thẳng, nòng dài cỡ nhỏ và trung bình người ta thường sử dụng thuốc phóng rời, chứa trong cát-tút, đầu đạn và cát-tút được lắp cố định từ nhà máy và nó gọi là đạn lắp chặt với liều phóng liền.
Với các loại pháo cỡ lớn, do nhu cầu cần điều chỉnh tầm bắn cũng như sức căng đường đạn để đáp ứng yêu cầu trận đánh nên người ta sử dụng liều phóng rời.
Tại sao lại gọi là liều phóng rời? Vì đầu đạn và cát-tút chứa liều phóng được bảo quản riêng, trước khi bắn mới lắp vào và pháo thủ theo lệnh mà để nguyên hay rút bớt thuốc phóng.
Trong cát-tút chứa các túi vải đựng thuốc phóng, tuỳ theo loại pháo mà số túi thuốc phóng này có số lượng khác nhau.
Ví dụ như đạn pháo 122mm thì số túi thuốc phóng tối đa là 7, nếu dùng đủ cả 7 thì người ta gọi là liều 1 hoặc liều nguyên. Bắn với 6 túi thì gọi là liều 2, 5 túi là liều 3,... gọi chung là liều giảm.
Có loại pháo thì không sử dụng cát-tút mà người ta trực tiếp nhồi túi thuốc phóng vào nòng sau khi đã nạp đầu đạn, thuốc phóng dễ bị ẩm, cháy không hết nên kiểu pháo áp dụng đạn kiểu này ít, thường chỉ dùng cho pháo cỡ nòng rất lớn.
Thuốc phóng nói chính xác ra thì không chỉ là thuốc phóng. Trong một liều thuốc phóng ngoài phần lớn thuốc phóng ra còn có nhiều loại thuốc khác, ví dụ như: dập lửa để giảm lửa đầu nòng, chống gỉ đồng để tránh việc lòng nòng pháo và hộp khoá nòng bị gỉ đồng bám,...
Pháo tự hành 2S1 và 2S3.
Xu thế phát triển của pháo binh
Xu thế phát triển của pháo binh hiện nay đi theo hướng gọn nhẹ hóa pháo và tăng tầm bắn, uy lực cũng như độ chính xác của phát bắn.
Với các loại vật liệu mới và trình độ gia công cơ khí chính xác, pháo ngày càng nhỏ, nhẹ hơn nhưng vẫn giữ nguyên cỡ nòng và tầm bắn. Đạn cũng được cải tiến để tăng tầm và được dẫn bằng GPS hoặc chỉ thị laser nên chính xác gần như tuyệt đối.
Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, tuy nhiên vai trò của pháo binh vẫn chưa gì thay thế được.
Pháo có nhiều ưu điểm như hỏa lực mạnh, uy lực lớn, độ chính xác cao, việc sử dụng và bảo quản đơn giản, có thể chiến đấu thường xuyên liên tục; bắn được từ tầm gần đến tầm xa.
Do vậy thích hợp với nhiều yêu cầu chiến thuật, có thể bắn tập trung tạo thành những quả đấm hỏa lực quan trọng lại cũng có thể đi kèm với bộ binh để giải quyết nhanh gọn và kịp thời những mục tiêu đơn lẻ xuất hiện bất ngờ ở tiền tuyến.
Qua đó, tạo điều kiện cho bộ binh chiếm lĩnh trận địa. Như vậy các loại pháo là một hỏa lực trực tiếp rất uy lực trên chiến trường mà máy bay ném bom hay tên lửa không thể nào vượt qua được.
Bởi vậy dù hiện nay các công nghệ bom đạn và tên lửa hành trình đã tiến bộ rất nhiều nhưng pháo binh vẫn là vị thần chiến tranh của lục quân.