Pinaka - Sát thủ pháo binh ít tiếng của Ấn Độ

Hoàng Thái |

Trong cuộc chạy đua mở rộng sức mạnh và tầm với của pháo binh, Ấn Độ cũng giới thiệu các hệ thống của riêng mình, tiêu biểu nhất phải kể đến Pinaka.

Nỗi lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc

Do quan hệ kinh tế - quân sự với Liên Xô chuyển xấu vào những năm 1960 trở về sau, Trung Quốc đã phải tự phát triển các hệ thống pháo binh cho riêng mình nhằm duy trì cán cân sức mạnh vũ khí thông thường trước các đối thủ.

Người Trung Quốc đã chứng minh được nỗ lực của mình bằng những hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) với nhiều ưu điểm.

Sản phẩm của Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong lĩnh vực này nổi tiếng với chi phí rẻ, tầm bắn xa và độ chính xác được quảng bá là ưu việt trên thế giới.

Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở để tự tin về thành quả của mình, khi họ là một trong những nước đang đi đầu về nghiên cứu đạn đạo, phát triển các hệ thống điều khiển hỏa lực và định vị pháo binh hiện nay.

“Vệ sỹ” của Trung Quốc với tầm bắn xa và độ chính xác cao

Tiêu biểu cho thành quả ấy là các hệ thống “Vệ sỹ”. Tầm bắn của tổ hợp “Vệ Sỹ” có thể lên đến hàng trăm km, tích hợp nhiều giải pháp dẫn đường tiên tiến. Chúng thực sự là những “tên lửa chiến thuật núp danh pháo phản lực”.

“Vệ Sỹ” không chỉ xuất hiện ở biên giới Trung - Ấn và các vùng tranh chấp mà còn thường xuyên hiện diện trong đội duyệt binh của Pakistan như niềm tự hào của họ.

Đây thực sự là một thách thức không hề nhỏ của Ấn Độ trong việc phát triển vũ khí cho lục quân nước này nhằm duy trì ưu thế trước các đối thủ.

Giải pháp Pinaka

Khi tầm bắn và độ chính xác của pháo binh, đặc biệt là pháo binh Trung Quốc đang tăng lên mạnh mẽ, người Ấn Độ đã có những nỗ lực cho ra đời các sản phẩm để thay thế BM-21 lỗi thời được trang bị rộng rãi trong quân đội.

Pinaka chính là câu trả lời của nền Công nghiệp Quốc phòng lớn nhất Nam Á cho sự trỗi dậy này. Được thiết kế trên khung gầm xe vận tải bánh lốp 8x8, Pinnaka là hệ thống đồ sộ gồm một cụm 6 xe phóng, 6 xe bổ sung đạn dược và 2 xe chỉ huy.

Đây là cách tư duy khá thú vị của Ấn Độ, khi một hệ thống được trang bị đầy đủ có thể cung cấp hỏa lực mạnh tương đương cấp sư đoàn, trong khi đó tiết kiệm được nhân lực do tính tự động hóa cao.

BM-21 Grad đã lỗi thời trong biên chế các nước

Các kỹ sư Ấn Độ đã đặt 2 khối với 12 đạn rocket trên mỗi xe vận tải, khiến cho hệ thống này có khả năng hủy diệt một diện tích 700 x 500 m mỗi xe, với sai số vòng tròn CEP chỉ 5%. Mỗi loạt phóng kéo dài chỉ trong vòng 40 giây.

Như vậy, có thể hình dung một tổ hợp đầy đủ có sức phá hủy lớn và tiến công chính xác như thế nào.

Đạn rocket Pinaka có thể được trang bị nhiều loại đầu nổ, bao gồm đạn nổ mảnh, đạn cassette chống tăng, đạn rải mìn, đạn cháy...

Các đầu đạn nổ phân mảnh của hệ thống được cho là cung cấp sức sát thương cao hơn 25 - 30% so với đầu đạn thông thường. Đạn chống tăng của tổ hợp có thể xuyên thủng 150 mm thép, hiệu quả cao khi tấn công các loại thiết giáp đối phương đang co cụm.

Pinaka trong một cuộc duyệt binh của quân đội Ấn Độ

Giàn phóng có góc tà 55o và góc phương vị 90o so với chiều dọc xe vận tải, cung cấp tính năng điều chỉnh tầm và góc bắn cho kíp trắc thủ.

Điểm đặc biệt của hệ thống là xe phóng có thể hoạt động độc lập, kích hoạt bắn trong phạm vi 200 m để hạn chế thiệt hại do phản pháo và đầu đạn có thể chuyển đổi hình thức dẫn đường trong trường hợp mất điều khiển do xe phóng bị tiêu diệt.

Đây là một tính năng tương đối đặc thù của hệ thống này, phản ánh tư duy tốt của người Ấn trong việc sử dụng vũ khí. Với các đặc điểm như vậy, Pinaka được coi là một sát thủ pháo binh, một đối thủ đáng gờm trong tác chiến hiện đại.

Tình hình trang bị

Mặc dù được phát triển tương đối sớm, từ năm 1986, nhưng Pinaka vẫn vấp phải nhược điểm cố hữu của công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, đó là thời gian phát triển dài và nhiều sửa đổi cắt ngang trong thiết kế và sử dụng, dẫn tới kém đồng bộ.

Mãi tới năm 1996 hệ thống mới được đánh giá thử nghiệm toàn diện và tới năm 1998 mới hoàn thành giai đoạn 2 của việc nghiệm thu. Ngay khi bước đầu được biên chế, Pinaka đã được thử lửa và chứng minh hiệu quả trong chiến tranh tại Kagil năm 1999.

Hiệu quả của nó đã khiến Ấn Độ đẩy nhanh tốc độ trang bị. Vào tháng 3/2006, Quân đội Ấn Độ đã đặt hàng 40 tổ hợp trong một hợp đồng trị giá 45 triệu USD.

Hiện tại, chính phủ đã chi tiền để tăng quy mô sản xuất lên đến 1.000 quả đạn rocket mỗi năm. Như vậy từ đó đến nay, có thể hình dung được số lượng loại pháo này đang được trang bị cho quân đội Ấn Độ.

Pinaka khai hỏa trong một cuộc tập trận của Quân đội Ấn Độ

Song song với đó, các nhà thầu Ấn Độ đã tiến hành các nâng cấp mới cho Pinaka, chủ yếu tập trung vào cải tiến khung mang, cải tiến động cơ rocket và hệ thống dẫn đường.

Biến thể mới nhất có thể bắn các loại đạn dẫn đường bằng laser, phóng UAV tiến công, trinh sát, thậm chí lựa chọn được mục tiêu tiến công và thay đổi quỹ đạo đường đạn.

Mặc dù sở hữu nhiều tính năng tiên tiến, nhưng hiện tại các biến thể của Pinaka cũng mới chỉ được đẩy mạnh trang bị cho Lục quân Ấn Độ.

Do chưa có nhiều tiếng tăm lại vấp phải những nhược điểm cố hữu của ngành công nghiệp quốc phòng nên sẽ còn rất nhiều điều phải làm để hệ thống ưu việt này có thể cạnh tranh sòng phẳng với những sản phẩm từ các nhà sản xuất vũ khí mạnh hơn trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại