"Máy quét thủy lôi" của Hải quân Việt Nam

Hải Dương |

Theo thống kê của SIPRI, hiện nay Hải quân Việt Nam đang có trong biên chế 2 lớp tàu quét mìn chuyên dụng do Liên Xô sản xuất.

Tàu quét mìn lớp Yurka

Tàu quét mìn lớp Yurka của Hải quân Nga
Tàu quét mìn lớp Yurka của Hải quân Nga

Yurka là tên định danh NATO của một lớp tàu quét mìn ngoài khơi được chế tạo cho Hải quân Liên Xô vào năm 1963 với tổng số 52 chiếc xuất xưởng, tên thiết kế của tàu là Dự án 266 Rubin.

Yurka được coi là sự cải tiến dựa trên lớp tàu quét mìn T-58 thế hệ cũ với một số thay đổi về hệ thống dò mìn và bảo vệ chống mìn nổ.

Thân tàu được làm bằng thép có từ tính thấp với lượng giãn nước đầy tải 873 tấn; chiều dài 52 m; chiều rộng 9,4 m; mớn nước 2,6 m; thủy thủ đoàn 68 người (gồm 6 sĩ quan).

Nhờ 2 động cơ diesel M-503 công suất 5.000 mã lực mà Yurka có thể chạy với tốc độ tối đa 16 hải lý/h, tầm hoạt động 1.500 hải lý ở vận tốc kinh tế 12 hải lý/h, thời gian bám biển liên tục lên tới 7 ngày.

Trang bị chính của tàu gồm hệ thống quét thủy âm AT-2; hệ thống quét tiếp xúc GKT-2 và hệ thống quét từ tính TEM-3.

Mặc dù chỉ là tàu quét mìn nhưng vũ khí của Yurka khá mạnh gồm: 2 pháo cao tốc AK-230, 2 giàn phóng rocket săn ngầm RBU-1200, 7 thủy lôi AMD-1000 hoặc 32 bom chìm chống ngầm.

Ngoài ra loại tàu này cũng có thể kết hợp hệ thống dò mìn dưới nước MKT-210 Sweeps BKT, AT-3, TEM-4. Một số tàu còn được lắp đặt 2 bệ 4 ống phóng tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 với cơ số 16 đạn.

Tàu quét mìn HQ-852 lớp Yurka của Việt Nam. Ảnh: Infonet
Tàu quét mìn HQ-852 lớp Yurka của Việt Nam. Ảnh: Infonet

Theo thống kê của SIPRI, Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ 2 tàu quét mìn ngoài khơi lớp Yurka vào năm 1979, chúng mang số hiệu HQ-851 và HQ-852. Hiện nay cả 2 chiếc vẫn còn đang hoạt động.

Tàu quét mìn lớp Sonya

Tàu quét mìn lớp Sonya của Hải quân Nga

Sonya là tên ký hiệu NATO dành cho lớp tàu quét mìn ven bờ Dự án 1265 Yakhont, có tất cả 72 tàu loại này đã được đóng trong giai đoạn 1971 - 1991, hiện nay vẫn còn 26 chiếc đang phục vụ trong Hải quân Nga.

Thân tàu được chế tạo hoàn toàn bằng gỗ nhằm tránh việc bị nhiễm từ, do vậy tàu có lượng giãn nước đầy tải chỉ là 450 tấn với chiều dài 48,8 m; chiều rộng 8,8 m; mớn nước 2,1 m; thủy thủ đoàn 43 người.

Hệ thống động lực của Sonya gồm 2 động cơ diesel công suất 2.400 mã lực cho tốc độ tối đa 15 hải lý/h, tầm hoạt động 3.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 10 hải lý/h, thời gian bám biển liên tục 10 ngày.

Tàu được trang bị hệ thống quét tiếp xúc GKT và hệ thống quét từ tính PTEM-2, đi kèm với radar Spin Trough và sonar MG-89.

Vũ khí của Sonya chỉ để dành cho tự vệ gồm 1 ụ pháo cao tốc AK-230 lắp đặt phía trước tàu và 1 ụ pháo 110-PM cỡ 25 mm nòng đôi bố trí phía sau.

Tàu quét mìn HQ-862 lớp Sonya của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân

Báo cáo của SIPRI cho biết, Hải quân nhân dân Việt Nam được Liên Xô viện trợ 4 tàu quét mìn ven bờ lớp Sonya đã qua sử dụng trong khoảng thời gian 1987 - 1990, chúng được đánh số hiệu từ HQ-861 đến HQ-864.

Hiện nay cả 4 tàu quét mìn lớp Sonya của Việt Nam đều vẫn còn hoạt động, vào năm 2012, 2 tàu HQ-861 và HQ-862 đã có cuộc tuần tra chung với Hải quân Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại