Theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc được công bố vào đầu năm nay, mục tiêu của Bắc Kinh là “khẳng định vị thế cường quốc của Trung Quốc và sau đó là giành lại sự thống trị trong khu vực”.
Thực tế, Trung Quốc không phải là một thế lực quân sự toàn cầu, và hiện tại đất nước này chưa thể đạt đến vị trí đó.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đất nước đông dân nhất thế giới này không phải là mối đe dọa đối với Mỹ - quốc gia giàu nhất và mạnh nhất.
Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang có mối quan hệ căng thẳng, chủ yếu là bởi các chính sách đối ngoại trên các vùng biển ở phía tây Thái Bình Dương và điều này đã đe dọa đến an ninh của các đồng minh của Mỹ cũng như trật tự kinh tế sau thế chiến mà Washington đã gây dựng.
Quân đội Trung Quốc về cơ bản vẫn là một đội quân phòng vệ, song sự phát triển vượt bậc đã cho phép nước này có những hoạt động táo bạo.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa thể trực tiếp đối đầu với quân đội Mỹ trên mặt trận toàn cầu. Bắc Kinh thiếu kiến thức chuyên sâu, chiến lược và khí tài cần thiết để làm được điều này.
Quân đội Trung Quốc không có kinh nghiệm chiến đấu trong thời gian gần đây, do đó các bài tập huấn luyện thường không dựa trên yếu tố thực tế.
Lực lượng lục quân, hải quân và không quân Trung Quốc mặc dù đang có ngày càng nhiều các loại khí tài mới, nhưng phần nhiều trong số đó được cho là phỏng theo thiết kế mà các hacker Trung Quốc và điệp viên trộm được từ Mỹ và các nước khác.
Phần lớn các loại vũ khí này đều chưa trải qua các tình huống tác chiến thực sự, do đó tính hiệu quả của chúng vẫn chưa được kiểm chứng.
Nhưng dường như điều đó với Trung Quốc không phải là vấn đề lớn. Quốc gia này không có ý định triển khai quân và chiến đấu trên khắp thế giới như Mỹ.
Bắc Kinh đang chuẩn bị quân đội ở vùng biên giới và các vùng biển của nước này, và với một đội quân thiếu kinh nghiệm tác chiến, hoạt động này rất đơn giản.
Vì thế mặc dù còn thua kém so với Mỹ, Trung Quốc vẫn có thế có khả năng đánh bại quân đội Mỹ tại vùng biển gần.
Cuộc xâm lược và chiếm đóng Trung Quốc của Nhật Bản trong những năm 1930 và 1940 đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với quá trình phát triển của Trung Quốc hiện đại.
Trước thời điểm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc luôn lo sợ bị xâm lược bởi các nước láng giềng.
Để đối mặt với hiểm họa này, quân đội Bắc Kinh chú trọng vào việc phát triển lực lượng quân đội trên bộ tầm ngắn. Về cơ bản, đó là một đội quân phòng vệ khổng lồ gồm binh lính và xe thiết giáp.
Vào năm 1985, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xem lại chiến lược quân sự của mình. Học thuyết “phòng vệ chủ động” được đưa ra, qua đó đưa hoạt động chiến đấu ra xa lãnh thổ Trung Quốc.
Thay vì những vùng đất ở miền Tây đất nước, Trung Quốc đã hướng ra vùng biển phía Đông, trong đó có Đài Loan, nơi mà Trung Quốc vẫn coi là một tỉnh biệt lập.
Dù vậy, chiến lược mới này chủ yếu vẫn mang tính phòng vệ. “Chỉ tấn công khi bị tấn công”, Hải quân Trung Quốc khẳng định.
Điều đáng nói là, theo quan điểm của Trung Quốc, việc Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập sẽ là đòn đánh đối với chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc, qua đó châm ngòi cho một cuộc phản công lên quốc đảo.
30 năm sau, Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược quốc phòng ngoài khơi, nhưng tầm hoạt động của họ đã được nâng cao.
Giờ đây, Trung Quốc điều quân tới các vùng đảo xa mà nước này trước đây chưa dám khẳng định chủ quyền cho đến mãi gần đây. Dù vậy, chiến lược vẫn không thay đổi.
Do đó, mặc dù đã đầu tư thàng trăm tỉ USD vào lực lượng vũ trang kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển cuối những năm 1990 và 2000, phần lớn các loại vũ khí mà Bắc Kinh mua về là những loại có tầm hoạt động ngắn, được thiết kế cho mục đích phòng vệ.
Điều đó cũng giải thích vì sao Trung Quốc có phi đội máy bay chiến đấu lớn thứ nhì thế giới chỉ sau Mỹ (với 1.500 phi cơ so với 2.800 chiếc của Washington), nhưng lại chỉ có một vài máy bay tiếp nhiên liệu trên không, vốn được dùng cho mục đích chiến đấu ở những vùng xa xôi.
Trong khi đó, quân đội Mỹ có tổng cộng hơn 500 máy bay tiếp liệu, đơn giản là vì Mỹ có quân đội ở khắp thế giới.
Tương tự, Hải quân Trung Quốc có số lượng rất lớn. Với khoảng 300 tàu chiến, lực lượng này chỉ xếp sau Hải quân Mỹ với 500 chiếc.
Nhưng cũng giống như lực lượng không quân của mình, đó là một đội quân có tầm hoạt động ngắn.
Hạm đội của Bắc Kinh chỉ có 6 tàu vận chuyển có khả năng tiếp nhiên liệu và các nhu yếu phẩm trên biển, qua đó kéo dài tầm hoạt động của hải quân. Trong khi đó, Mỹ có hơn 30 tàu vận chuyển.
Nguyên nhân Bắc Kinh chú trọng vào các lực lượng tầm ngắn là bởi quân đội càng chiến đấu xa lãnh thổ đất nước, tính hiệu quả sẽ càng bị giảm bớt.
Trung Quốc cũng có ít đồng minh thân cận, do đó nước này sẽ không thể đóng quân ở nước ngoài. Ngược lại, Lầu Năm Góc có hàng trăm cơ sở hạ tầng quân sự trên khắp thế giới.
Quân đội Trung Quốc không thể vượt đại dương để đến những vùng có sự hiện diện của Mỹ để gây chiến, và Bắc Kinh cũng không muốn làm điều này.
Trong khi đó, hoạt động tuần tra của Mỹ chỉ cách không phận và hải phận Trung Quốc vài km, và Washington có kế hoạch trở thành thế lực hàng đầu trên mọi châu lục.
Tuy nhiên, tại phía tây Thái Bình Dương, Trung Quốc lại có thể đe dọa vị thế của Mỹ.
Lợi thế của việc có một lực lượng phòng vệ là Bắc Kinh có thể nhanh chóng tập trung một số lượng quân lớn trong một khu vực địa lý nhỏ. Số lượng sẽ cho phép Trung Quốc bù đắp chất lượng của quân đội mình.
Ngược lại, Mỹ phải bảo vệ lực lượng ở xa và thường phải làm điều này trên khắp thế giới, do đó họ chỉ có thể triển khai một số lượng tàu chiến và máy bay nhỏ tại một thời điểm và địa điểm cụ thể.
Do thua kém về số lượng, cho dù tàu và phi cơ Mỹ có vượt trội về khả năng chiến đấu so với Trung Quốc đi chăng nữa cũng khó địch lại được.
Trong một báo cáo phân tích công bố vào năm 2008, RAND Corporation, một viện nghiên cứu ở California (Mỹ) khẳng định rằng Trung Quốc sẽ có lợi thế quân số rất lớn so với Mỹ trong bất kỳ cuộc không chiến nào gần Đài Loan.
Sự chênh lệch giữa hai bên còn phụ thuộc vào việc Mỹ quyết định điều máy bay từ căn cứ nào tại Châu Á – Thái Bình Dương.
“Trung Quốc áp đảo Mỹ về số lượng máy bay với tỉ lệ 3:1 nếu chúng ta điều động từ căn cứ Kadena ở Nhật Bản, và con số này sẽ là 10:1 nếu ta xét đến máy bay từ căn cứ Andersen ở Guam”, báo cáo viết.
Nội dung của nó còn nhấn mạnh rằng, mặc dù các máy bay của Mỹ nhìn chung đều vượt trội về công nghệ so với Trung Quốc, nhưng chúng không thể hơn phi cơ Trung Quốc gấp 10 lần.
Như vậy nếu chiến lược của Trung Quốc mang tính chất phòng thủ, Mỹ có thể sẽ gặp thất bại khi tấn công trước.
Cụ thể, nếu Đài Loan chính thức trở thành một đất nước độc lập, Trung Quốc thề sẽ đưa quân xâm lược.
Lý do là bởi chủ quyền của lãnh thổ Trung Quốc, trong đó bao gồm cả đảo Formosa sau này trở thành Đài Loan vào năm 1949, là một phần lợi ích hiện nay của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang tranh chấp đảo với các nước ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Thực tế, bản thân các đảo này không mang nhiều ý nghĩa chiến lược, nhưng tuyến đường biển và nguồn dầu mỏ, khí đốt ở dưới biển là những lợi ích mà các nước trong khu vực đều mong muốn.
Gần đây, Trung Quốc đã có những hành động mạnh bạo hơn tại các vùng tranh chấp.
Cuối năm 2014, nước này đã khiến căng thẳng leo thang khi đã tiến hành nạo vét lòng biển tại các đảo trong khu vực, đổ cát vào các đảo nhân tạo, xây dựng cảng, đường băng và các cơ sở quân sự khác.
Hành động này đã khiến các nước có liên quan gặp khó khăn khi đi tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp.
Mỹ vẫn có quan hệ quân sự với Nhật Bản, Philippines, Đài Loan và Việt Nam (đến một mức nào đó). Washington cũng cam kết đảm bảo tự do di chuyển cho các tàu chở hàng tại các vùng hải phận quốc tế, một yếu tố quan trọng trong hoạt động giao thương ngày nay.
Nếu các nước trên gây chiến với Trung Quốc, Mỹ cũng sẽ bị cuốn vào. Và nơi giao chiến sẽ gần lãnh thổ Trung Quốc, nơi các vũ khí mà nước này có sẽ phát huy hiệu quả tối ưu.
Điều quan trọng nhất với Mỹ là tránh gây chiến với Trung Quốc theo ý muốn của nước này mà không đánh mất quyền kiểm soát tây Thái Bình Dương vào tay Trung Quốc. Để làm được điều này cần phải có nhiều vòng đàm phán cùng với những sự răn đe nhất định.