Đêm 7/10, bốn tàu chiến thuộc Chi Hạm đội Caspi đã mở cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria.
Theo Bộ quốc phòng Nga, đã có 26 tên lửa được phóng đi và tiêu diệt thành công toàn bộ 11 mục tiêu. Để đánh trúng mục tiêu của IS, các tên lửa thuộc tổ hợp Kalibr-NK đã phải vượt qua quãng đường dài 1.500km, bay qua không phận của Iran và Iraq trước khi tới Syria.
Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là tại sao Nga lại phóng tên lửa từ biển Caspi, thay vì từ Địa Trung Hải để rút ngắn quãng đường và không phải đi qua các nước trung gian? Có 3 nguyên nhân chính giải thích cho việc người Nga làm như vậy.
Thử nghiệm và chứng tỏ khả năng của vũ khí
Trên thị trường thế giới, vũ khí Nga luôn bị mang tiếng là quảng cáo rất nhiều, nhưng lại rất ít tham gia thực chiến. Trong đó, các loại tên lửa hành trình (TLHT) luôn được nhà sản xuất giới thiệu với thông số ấn tượng về tầm bắn và khả năng diệt mục tiêu.
Nhưng trên thực tế, Nga chưa từng thử nghiệm TLHT ở tầm bắn lớn trên vài trăm km. Cuộc chiến Syria chính là cơ hội để Nga tung ra các TLHT đối đất 3M14T với tầm bắn tối đa lên tới 2.500km.
Trong trận ra quân của mình, tàu Dagestan cùng 3 chiếc lớp Buyan-M đã phải đánh vào mục tiêu ở cách tới 1.500km. Điều đó cho thấy tên lửa 3M14T có khả năng tấn công tương đương với phiên bản Tomahawk Land Attack Missile (TLAM) của Mỹ.
Nói cách khác, cuộc tấn công đêm 7/10 chứng tỏ rằng tên lửa trên hạm Nga có thể vươn tới những mục tiêu ở rất xa, điều vốn trước đây chỉ có Mỹ từng làm được.
TLHT cũng khó theo dõi và bắn hạ hơn máy bay rất nhiều. Giờ đây, quân IS sẽ luôn phải "sống trong sợ hãi" trước việc bị tấn công mọi lúc mọi nơi mà không được báo trước.
Tầm bắn 1.500-2.500km cũng giúp tàu chiến Nga ở biển Caspi có thể kiểm soát các mục tiêu ở toàn bộ Trung Đông, thậm chí là vươn tới một phần châu Âu.
Khi đó, NATO và các nước Ả-rập có ý đồ chống Nga sẽ lại phải đối mặt với một hiểm họa mới từ xa, trong khi tàu chiến Nga lại được hoạt động trong vùng biển kín rất an toàn.
Khẳng định mối quan hệ với Iran và Iraq
Phía Nga chắc chắn phải thông báo trước cho chính phủ hai nước này nếu không muốn tên lửa của mình bị bắn rơi, hoặc gây nên những xung đột ngoại giao khi dùng không phận mà chưa được phép.
Tên lửa Nga có thể tự do bay qua Iran và Iraq cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa các bên đang rất tốt. Điều này giống như một cú đánh vào chính sách ngoại giao của Mỹ, khi một đồng minh thân cận như Iraq lại cho phép Nga sử dụng không phận của mình để tấn công IS.
Về phía Iran, nước này cũng có thể nhận được nhiều lợi ích khi hợp tác với phía Nga. Trước mắt chính là việc mua được các tổ hợp vũ khí hiện đại như S-300VM để tăng cường năng lực quốc phòng.
Trong thời gian tới, có thể sẽ hình thành một liên minh, hoặc ít nhất là một khối hợp tác quân sự bao gồm Nga, Iran, Iraq và Syria. Việc mượn không phận cho tên lửa bay qua chính là một trong những viên gạch đặt nền móng cho mối quan hệ này.
Phòng chống các lực lượng Mỹ và NATO tại Địa Trung Hải
Địa Trung Hải tiếp giáp với phía Nam châu Âu, nơi có hàng loạt thành viên chủ chốt của NATO như Pháp, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ, hay đáng chú ý là Israel. Bên cạnh đó, Địa Trung Hải cũng là nơi Hải quân Mỹ có lực lượng thường trực rất mạnh.
Nếu triển khai tàu chiến mang TLHT tầm xa tới khu vực này, Hải quân Nga chắc chắn phải đối mặt với lực lượng tình báo và tác chiến điện tử dày đặc của Mỹ và đồng minh.
Điều đó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động chiến đấu, cũng như để lộ những thông tin bí mật về các loại vũ khí của Nga. Việc tấn công IS từ vùng biển Caspi bảo đảm các tàu của Nga có thể hoạt động thoải mái trên sân nhà.
Nhìn chung, đợt tấn công IS bằng TLHT không đơn giản chỉ là màn trình diễn vũ khí của Nga. Đó còn là một đòn đánh tài tình trên mặt trận ngoại giao, khiến Mỹ và đồng minh khó có thể phản ứng một cách hiệu quả.