Rủi ro và hạn chế của tên lửa hành trình
Hôm 7/10, Nga đã bắn 26 tên lửa hành trình tầm xa SS-N-30A (3M-14T Kalibr/Klub) từ 4 tàu chiến ngoài biển Caspian nhằm vào 11 mục tiêu Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Động thái này đã đánh thêm một dấu mốc mới trong chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria.
Tên lửa được bắn đi từ khoảng cách gần 1.500km, theo hành trình băng qua Iran và Iraq trước khi tới Syria.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Washington khá bất ngờ khi Nga dùng tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu IS ở Syria, do loại vũ khí này thường được sử dụng khi phải đối phó với các hệ thống phòng không hạng nặng.
Tàu tên lửa của Hạm đội Caspian phóng tên lửa từ biển Caspian tiêu diệt phiến quân IS ở Syria. Ảnh chụp từ video của Bộ Quốc phòng Nga
Nhà phân tích Justin Bronk tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định: Quyết định lựa chọn tên lửa hành trình tầm xa trong trường hợp này đã tiết lộ khá nhiều ý đồ của Nga.
Tên lửa hành trình là một công cụ tác chiến khá phổ biến trong kho vũ khí của phương Tây.
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM) đã có mặt trong biên chế NATO từ năm 1983, có tầm bắn và khả năng bám sát địa hình tương tự như tên lửa Kalibr của Nga.
Các tên lửa hành trình thường được triển khai khi không muốn mạo hiểm sử dụng máy bay chiến đấu thông thường tấn công các mục tiêu cố định, được bảo vệ nghiêm ngặt và các mục tiêu có thể được định vị trước bằng GPS.
Chúng đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt các trung tâm chỉ huy trọng yếu, các trạm radar, kho đạn và nhiều mục tiêu quan trọng khác.
Tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: Wiki
Song, tên lửa hành trình đôi lúc gặp trục trặc và rơi trước khi đến mục tiêu. Ngay cả mẫu tên lửa Tomahawk mới nhất của Mỹ cũng gặp phải những vấn đề tương tự.
Trong trường hợp của Nga, nếu không suôn sẻ, những tên lửa hành trình của nước này hoàn toàn có thể gặp trục trặc và rơi xuống Iran hoặc Iraq.
(Theo hãng tin CNN ngày 8/10, tình báo Mỹ đã ghi nhận ít nhất 4 tên lửa hành trình Nga rơi xuống Iran trước khi đến được các mục tiêu ở Syria. Tuy nhiên, hiện Nga và Iran bác bỏ thông tin này).
Tháng 8 và tháng 9 năm ngoái, Hải quân Mỹ đã phóng tên lửa TLAM vào các mục tiêu ở Syria, trong khuôn khổ chiến dịch tấn công chống Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) tại đây.
Tuy nhiên, khi phần lớn các mục tiêu cố định đã bị phá hủy và trọng tâm chuyển sang hướng yểm trợ đường không tầm gần cho lực lượng người Kurd chiến đấu chống ISIL, TLAM không còn là thành tố quan trọng trong các chiến dịch tấn công của Mỹ tại Syria nữa.
Đó là do các tên lửa hành trình cận âm được phóng đi ở khoảng cách xa sẽ mất nhiều thời gian để đến được mục tiêu.
Với tốc độ tối đa Mach 0.8 (khoảng 980km/h), các tên lửa SS-N-30A được bắn vào Syria sẽ mất khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ để đến tấn công các mục tiêu.
(Trước đó, chuyên gia quân sự của nhật báo Moskovskiy Komsomoles (Nga), ông Alexandr Vikentevich cho rằng tên lửa hành trình Nga bay từ biển Caspian tới Syria trong vòng 3 giờ đồng hồ).
Vì vậy, chúng rõ ràng không phù hợp để tấn công các mục tiêu di động hoặc bay nhanh mà các lực lượng đối lập Syria và các nhóm chiến binh thanh chiến thường triển khai.
Phô diễn sức mạnh vũ khí
Thế nhưng, các tên lửa hành trình lại là thứ vũ khí trình diễn tuyệt vời để gửi tới một thông điệp rằng: Khả năng tấn công tầm xa của Nga vô cùng mạnh mẽ.
Đây là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm tái khẳng định rằng nước này là đối thủ “ngang tài ngang sức” với phương Tây về sức mạnh quân sự.
Các tên lửa, với khả năng tấn công Syria từ biển Caspian, cũng có thể tấn công phần lớn các mục tiêu ở Trung Đông, trong đó có những căn cứ mà liên quân do Mỹ dẫn đầu đang sử dụng để tiến hành các chiến dịch tại Iraq và Syria.
Tàu tuần dương Moskva thao diễn bắn pháo và tên lửa ngoài khơi Syria ngày 5/10. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Tương tự như vậy, việc Nga triển khai máy bay Su-30SM, hệ thống phòng không Pantsir-S1, tàu tuần dương tên lửa Moskva ngoài khơi Syria sẽ là điều lạ lùng nếu chúng chỉ là một phần trong chiến dịch “chống khủng bố”.
Tuy nhiên, nhờ có thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với các máy bay của liên quân trên phần lớn lãnh thổ Syria, Nga đã buộc Mỹ và các đồng minh của Washington phải tham khảo ý kiến khi tiến hành không kích phiến quân IS.
Nga cũng được cho là đang tìm cách phô trương sức mạnh trong khu vực khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc máy bay Nga 2 lần xâm phạm không phận và có hành động “quấy rối” các tiêm kích F-16 của nước này cuối tuần qua.
Tất cả những điều này đều nhằm buộc Mỹ và đồng minh phải chấp nhận Nga là một nhân tố địa chính trị cốt lõi ở Trung Đông, luôn được bao hàm trong bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi tình hình hiện tại bằng các phương thức mới.
Với lực lượng triển khai khiêm tốn hơn so với liên quân do Mỹ dẫn đầu, Nga đã thành công ở điều này.
Cuối cùng, cần lưu ý rằng SS-N-30A được xem là nền tảng cho loại tên lửa hành trình mới SSC-X-8 trong Lực lượng Hạt nhân Chiến lược Nga.
Tên lửa SSC-X-8 đã làm nảy sinh tranh cãi giữa Nga và Mỹ kể từ tháng 9/2014, khi Washington tuyên bố rằng loại tên lửa này đã vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1987.
INF cấm các tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo thông thường và hạt nhân trên bộ có tầm bắn từ 500 – 5.500km.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và NATO xung quanh vấn đề Syria, Crimea và Ukraine, một màn phô diễn tên lửa SS-N-30A quy mô lớn có thể xem là lời xác nhận ngầm của Nga rằng các tên lửa SSC-X-8 có thể có tầm bắn trên 500km.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Justin Bronk.