Nơi đào tạo phi công trực thăng UH-1 Mỹ tham chiến tại Việt Nam

Nhật Huy |

95% số phi công trực thăng Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam được đào tạo từ Trung tâm huấn luyện bay trực thăng cơ bản ở căn cứ Wolters, Texas.

Gerald Hickey đã có 17 năm công tác tại Việt Nam, cả trước và sau khi Mỹ trực tiếp đổ quân vào.

Trong khoảng thời gian khi ông là một nhà dân tộc học thuộc công ty tư vấn RAND, Hickey thường xuyên đi cùng các đơn vị đặc nhiệm Mũ nồi xanh đến các bản làng hẻo lánh bằng trực thăng UH-1 Huey.

Tôi từng rất ghét bay bằng trực thăng, cách chúng nghiêng hẳn qua mỗi khi đổi hướng, hay bay là là ngang ngọn cây…Tôi thường phải dùng tay che mắt mình mỗi khi ngồi trên trực thăng” - Hickey sau này thuật lại.

Tuy nhiên suy nghĩ của ông thay đổi sau chuyến thăm một tiền đồn của lính Mũ nồi xanh năm 1964. Sau nửa đêm, rạng sáng ngày 5/7, đồn bị tấn công dữ dội. Lực lượng đồn trú cố gắng giữ vững phòng tuyến cho đến khi trời sáng.

Song liên tiếp 6 chiếc trực thăng H-34 Choctaw của thủy quân lục chiến Mỹ đều bị hỏa lực từ súng máy mặt đất đẩy lùi khi tìm cách đổ quân tiếp viện. Tâm trạng thất vọng và lo sợ bắt đầu dâng cao trong số những người còn sống sót trong đồn.

Đúng lúc đó thì 1 chiếc Huey bất ngờ vọt lên từ những hàng cây, với những khẩu súng máy bên cửa hông liên tục xả đạn, mở đường cho những chiếc trực thăng kia quay trở lại.

Jim Messinger, một cựu phi công Huey tại Việt Nam nhớ lại: “Chúng tôi khi đó đều còn rất trẻ và liều mạng. Công việc chính thức đầu tiên của tôi là lái trực thăng bay vòng vòng để hứng đạn. Tôi mới 20 tuổi khi đến trường bay”.

Trường bay đó là Trung tâm huấn luyện bay trực thăng cơ bản tại căn cứ Wolters, Texas. 95% số phi công trực thăng Mỹ tham chiến tại Việt Nam được đào tạo tại đây. Trung tâm này hoạt động từ năm 1956 cho đến năm 1973, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Những học viên của trung tâm có tuổi đời và kinh nghiệm rất khác nhau. Một số chưa từng lên máy bay, một số khác trước đó lại từng là phi công máy bay cánh bằng.

Tôi phải chỉ cho một số học viên cách cài dây an toàn…”, một giảng viên nhớ lại.


Hàng nghìn phi công Huey bắt đầu học lái với những chiếc trực thăng OH-23 tại trung tâm Wolters. Ảnh: Air & Space

Hàng nghìn phi công Huey bắt đầu học lái với những chiếc trực thăng OH-23 tại trung tâm Wolters. Ảnh: Air & Space

Các học viên tại trung tâm Wolters học kỹ năng điều khiển cơ bản trên 3 mẫu trực thăng, gồm Hiller OH-23, H-13 và TH-55A Osage.

Những trực thăng dùng cho huấn luyện tại đây là loại nhỏ, rẻ hơn Huey và trên thực tế lại khó điều khiển hơn, vì vậy rất phù hợp để huấn luyện.

Chúng cũng không có các khí cụ để bay trong điều kiện thời tiết xấu, những học viên tại đây chỉ học cách bay dựa trên quan sát.

Các khóa huấn luyện chuyên sâu hơn sẽ diễn ra ở nơi khác. Chương trình đào tạo tại đây gồm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 8 tuần. Giai đoạn 1 dạy học viên cách điều khiển trực thăng và giai đoạn 2 dạy họ cách sử dụng chúng trong thực tế.

Giai đoạn 1 thường do các phi công dân sự giảng dạy, còn giai đoạn 2 do những phi công quân sự vừa trở về từ chiến trường phụ trách.


Một giảng viên hướng dẫn các bước vận hành trực thăng OH-23 cho học viên vào năm 1961. Ảnh: Air & Space

Một giảng viên hướng dẫn các bước vận hành trực thăng OH-23 cho học viên vào năm 1961. Ảnh: Air & Space

Đó có lẽ là công việc tốt nhất tôi từng có” - ông Brown, một phi công trực thăng dân sự từng giảng dạy tại đây cho biết, sau đó ông này còn tham gia rất nhiều công việc trong ngành hàng không, bao gồm cả hướng dẫn bay cho minh tinh màn bạc Harrison Ford.

Wolters đào tạo phi công trực thăng cho mọi quân chủng trong quân đội Mỹ và cả các nước đồng minh trong cuộc chiến tại Việt Nam, với tổng cộng 41.000 phi công trong 17 năm hoạt động.

Vào lúc cao điểm, mỗi tháng có 575 học viên tốt nghiệp chương trình huấn luyện tại Wolters và chuyển đến trung tâm huấn luyện nâng cao tại căn cứ Rucker.

Tại đó, họ sẽ được đào tạo về định hướng bằng thiết bị, bay theo đội hình, chiến thuật và thực hành trực tiếp trên UH-1.

Toàn bộ thời gian tính đến lúc tốt nghiệp trung tâm Rucker kéo dài chưa đến 1 năm, đủ để biến một người vừa tốt nghiệp trung học thành 1 phi công UH-1 thực thụ.


Đài chỉ huy tại 1 trong 3 sân bay trực thăng ở Wolters

Đài chỉ huy tại 1 trong 3 sân bay trực thăng ở Wolters

4 tuần thử thách khốc liệt

Học viên tại Wolters có thể đã là sĩ quan, hạ sĩ quan hay những người vừa nhập ngũ. Với những tân binh vừa nhập ngũ thì họ còn phải trải qua 4 tuần thử thách trước khi vào chương trình huấn luyện chính thức.

Trong thời gian này, các tân binh phải sống dưới chế độ kỷ luật hà khắc của các sĩ quan hướng dẫn, những người luôn tìm ra lỗi dù là nhỏ nhất.

Tuy vậy thời gian 4 tuần này cũng có mục đích riêng của nó, vì ngay cả kỹ năng điều khiển siêu hạng nhất cũng chưa đủ để đối phó với thực tế khốc liệt của chiến trường.

Một phi công trực thăng, cho dù còn rất trẻ, có thể nắm trong tay sự sống của phi hành đoàn, những hành khách trên trực thăng, hay những đơn vị khác ở gần đó. Vì vậy họ còn cần phải có cái đầu lạnh.

Đôi lúc khi một phi công chính dày dạn kinh nghiệm thiệt mạng thì phi công phụ, chưa từng có kinh nghiệm thực tế, phải nắm quyền chỉ huy. Và những trường hợp này xảy ra khá thường xuyên đối với những phi công mới vừa đặt chân đến chiến trường Việt Nam.

Williams, một cựu học viên của trung tâm, vẫn còn nhớ rõ trường hợp của học viên cùng khóa với mình. Người này vừa đến Việt Nam được 4 ngày và đang trong chuyến bay làm quen thì nhận được lệnh tham chiến.

Viên phi công mới này thiệt mạng ngay trong phi vụ đầu tiên đó. Một trường hợp khác là Jim Martinson, người chỉ mới tham chiến 1 tháng nhưng đã bị bắn rơi đến 2 lần trong cùng 1 ngày.

Tôi vẫn còn nhớ rõ lần tham chiến đầu tiên của mình như thể mới xảy ra hôm qua”, Williams nhớ lại. “Nó rất khốc liệt. Tôi bay ở đợt đổ quân thứ 2 và mỗi khi liên lạc qua radio với đợt đầu tiên tôi đều nghe tiếng súng liên hồi.

Bên trên khu vực mục tiêu, trực thăng vũ trang lượn vòng, còn trên mặt đất dày đặc khói từ đạn lân tinh, và hỏa lực từ đối phương. Tôi tự nhủ không biết mình có thể sống sót trong bao lâu. Thật khó tin đó là sự thật, làm thế nào mà tôi lại xuất hiện trong bộ phim này?

Nó cho thấy mục đích của chế độ hà khắc ở Wolters. “4 tuần đầu tiên là giai đoạn sàng lọc, nếu bạn không vượt qua được thì cũng không thể thích nghi với thực tế chiến trường”, Messinger cho biết.


Học viên luyện tập khả năng cơ động tại khu vực bị bao quanh bởi nhiều rặng cây. Ảnh: Air & Space

Học viên luyện tập khả năng cơ động tại khu vực bị bao quanh bởi nhiều rặng cây. Ảnh: Air & Space

Một trong những bài tập nguy hiểm nhất là tìm cách đáp khẩn cấp khi động cơ ngưng hoạt động hoàn toàn.

Phi công phải lợi dụng sức cản từ khả năng tự quay của cánh quạt chính khi trực thăng hạ độ cao để đáp xuống an toàn.

Sau khi giảng viên tắt máy và để cánh quạt quay tự do thì học viên chỉ có vài giây để điều chỉnh và tìm một điểm đáp an toàn, đôi lúc điểm này nằm ở điểm mù phía sau trực thăng.

Các học viên do đó phải tập làm quen việc liên tục kiểm tra nhanh các thiết bị, hướng gió, địa hình…

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Brown đã thực hành tình huống này hơn 80.000 lần.

Sai lầm khi thực hiện bài tập này tại Wolters đã làm hư hỏng nhiều trực thăng, cũng như một số thiệt hại nhân mạng. Tuy nhiên sau 200 giờ huấn luyện thì những học viên này đã có kỹ năng rất cao so tiêu chuẩn chung của những phi công dân sự.

Các bài tập mô phỏng thực tế

Kết thúc khóa huấn luyện nâng cao tại Rucker, các học viên sẽ trải qua vài ngày tại một căn cứ quân sự với điều kiện mô phỏng theo thực tế chiến trường tại Việt Nam. Ví dụ như học viên thường xuyên bị dựng dậy giữa đêm bằng loa báo động và tiếng pháo nổ.

Trong suốt quá trình đào tạo, nếu học viên trượt 1 trong những bài kiểm tra chính thì sẽ bị loại khỏi chương trình.

Trong giai đoạn cao điểm về số lượng học viên, từ 1968 đến 1969, thì tỷ lệ này là khoảng 15%. Với những học viên là sĩ quan hay hạ sĩ quan, sau khi rời khỏi chương trình, họ vẫn có thể quay lại các vị trí công tác trước đây.

Còn với những học viên vừa nhập ngũ, việc bị loại đồng nghĩa với việc nhiều khả năng họ sẽ trở thành lính bộ binh.


Một chỉ huy bay quan sát các đợt cất cánh của trực thăng huấn luyện tại trung tâm. Ảnh: Air & Space.

Một chỉ huy bay quan sát các đợt cất cánh của trực thăng huấn luyện tại trung tâm. Ảnh: Air & Space.

Trong số những bài kiểm tra trên, đáng nhớ nhất là bài thi bay chỉ với 1 phi công. Các học viên được yêu cầu có thể tự điều khiển trực thăng sau khoảng từ 10 đến 15 giờ bay với giảng viên.

Một số học viên không thể có được khả năng phối hợp tay và mắt nhuần nhuyễn đủ để tự mình giữ trực thăng lơ lửng ở sát mặt đất nên không được phép tham gia phần sau của bài thi là tự bay 3 vòng quanh bãi tập.

Với những học viên vượt qua bài kiểm tra này thì điều kiện sinh hoạt ngay lập tức được cải thiện, nhất là với những người vừa nhập ngũ. Họ được ra ngoài trung tâm và được về phép. Đồng thời nó cũng giúp tăng sự tự tin cho các học viên.

Trung tâm Wolters được mở cửa từ rất sớm, khi Mỹ vẫn chưa trực tiếp đổ quân vào Việt Nam, chiến thuật trực thăng vận vẫn chưa thành hình, và bản thân chiếc UH-1 Huey mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Khi đó, những chiếc trực thăng được sử dụng trong huấn luyện chỉ được trang bị động cơ đốt trong khá yếu ớt.

Trong những ngày nắng nóng, chúng không đủ sức cất cánh ngay mà thường phải trượt trên đường băng 1 đoạn mới đủ sức nâng.

Ngay cả sau này, với những mẫu trực thăng mới hơn, việc trượt trên đường băng trước khi cất cánh vẫn rất phổ biến tại trung tâm, do các học viên mới chưa đủ kinh nghiệm để giữ trực thăng lơ lửng và có thể va chạm với các trực thăng khác đậu gần đó.

Vì vậy, các giảng viên thường yêu cầu những học viên mới đưa trực thăng trượt đến một vị trí rộng rãi trước khi cất cánh.

Kỹ thuật này sau đó hóa ra lại khá hữu dụng tại Việt Nam, khi mà UH-1 đôi lúc được vũ trang rất nặng, không thể cất cánh trực tiếp mà phải trượt 1 đoạn mới đủ sức nâng.

Vào lúc cao điểm, trung tâm này sử dụng đến 1.300 trực thăng các loại cho công tác huấn luyện. Đến cuối năm 1968, mỗi ngày trung bình có khoảng 2.000 lượt cất và hạ cánh từ 3 sân bay trực thăng tại trung tâm.

Một trong những kỹ năng khó nhất là bay bám sát địa hình rồi hạ cánh xuống một khoảng rừng trống, đôi lúc chỉ hơi nhỉnh hơn kích thước chiếc trực thăng.

Việc cất cánh sau đó cũng khó khăn không kém, nhất là nếu trực thăng phải tải nặng vì để đạt được sức nâng tối đa thì trực thăng phải cất cánh theo phương chéo thay vì thẳng đứng.

Tại Wolters, có những khu vực chuyên dành riêng cho việc thực hành kỹ thuật này. Chúng được phân chia theo từng cấp độ khó khác nhau và được đánh dấu bằng những cột mốc có màu riêng biệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại