Phi công tiêm kích Việt Nam siêu đẳng, chuyên săn diệt F-4 là ai?

Bình Nguyên - Thái Nhi |

Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa – Anh hùng LLVTND Việt Nam, phi công MiG-21 xuất sắc, đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thú vị về chặng đường chiến đấu đầy gian khổ và vinh quang.

Xin Đại tá kể lại đôi nét về trận không chiến đầu tiên của ông với những phi công sừng sỏ của Mỹ? Trận đánh ấy có gì đặc biệt không?

Trận không chiến đầu tiên mà tôi "so găng" với Không Quân Mỹ là vào ngày 6/3/1972 trên bầu trời Nghệ An. Mặc dù trước đó bay đi, bay về, nhiều lần cơ động vào các sân bay dã chiến Khu Bốn để chủ động tìm thời cơ đánh địch nhưng chưa đánh được.

Bởi lúc bấy giờ Khu Bốn là “vùng đất thánh” của Không Quân và Hải Quân Mỹ, phòng thủ bờ biển của ta chưa đủ mạnh, hệ thống phòng không cũng mỏng, điều kiện để chủ động đánh máy bay Mỹ bay thấp từ biển vào còn hạn chế.

Hôm đó, y định của cấp trên là sử dụng hai loại máy bay tiêm kích MiG-17 và MiG-21 tác chiến hiệp đồng theo độ cao, đánh máy bay cường kích của địch trên vùng trời Nghệ An.

Biên đội MiG-17 anh Lê Hải và Hoàng Văn Ích cất cánh từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), bay thấp vào gần khu vực tác chiến mới lấy độ cao. Biên đội MiG-21 Bùi Đức Nhu và Nguyễn Văn Nghĩa cất cánh tại sân bay Anh Sơn (Nghệ An).

MiG-17 đánh từ độ cao 2.000m trở xuống, còn MiG-21 đánh từ độ cao 4000m trở lên. Nhưng biên đội tôi vừa cất cánh, chưa có ưu thế về độ cao thì máy bay cường kích đối phương đã đánh bom xuống sân bay, máy bay tiêm kích Mỹ đã chủ động tấn công máy bay ta.

Hai tốp MiG-21 và MiG-17 chúng tôi chưa triển khai được thế trận, nên hoàn toàn bị động. Biên đội MiG-21 tả xung hữu đột, vừa tránh tên lửa đối phương, vừa tránh MiG-17 nhận dạng nhầm.

Chúng tôi tìm cách làm chủ tình thế, nhưng kết cục không triển khai được ý đồ trận đánh. Anh Nhu ra lệnh thoát ly, nhưng tôi quyết định nán lại để thử sức mình!

Loay hoay mãi, tôi không sao chiếm lĩnh được vị trí có lợi, vì mỗi lần thấy tôi vòng gấp về phía chúng, thì ngay lập tức các máy bay F-8 - vốn có bán kính lượn vòng rất hẹp, cũng vòng gấp vào máy bay tôi.

Hai bên cứ thế mà đối đầu nhau, cài thế nhau nhưng không thành, buộc tôi phải nổ súng ở tư thế đối đầu, đành phải thoát ly bay ra sân bay Thọ Xuân.

Trận đánh hôm đó không thành công vì chúng tôi bị động, máy bay đối phương đông, trong khi hiệp đồng giữa máy bay MiG-17 và MiG-21 của ta không chặt chẽ.

Điều đáng buồn là trọng trận này, Không Quân ta bị tổn thất một máy bay MiG-17, phi công là anh Hoàng Văn Ích đã hy sinh tại khu vực Quỳ Hợp (Nghệ An).

 

Anh hùng LLVTND - Đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa sinh năm 1946 tại Quảng Ngãi, nguyên quán tại Hà Nam. Năm 1955, ông theo cha tập kết ra Bắc, theo học Trường Học sinh Miền Nam, nhập ngũ năm 1963.

Năm 1965, ông trúng tuyển phi công quân sự và được đưa đi đào tạo phi công MiG-21 tại Trường đào tạo phi công tiêm kích “KRASNODAR” Liên bang Xô Viết. Năm 1968, ông về nước, chiến đấu trong Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ).

Đến năm 1972 thì chuyển qua làm lực lượng nòng cốt để xây dựng Trung đoàn 927 (Đoàn Không quân Lam Sơn).

Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1972, ông đã nhiều lần xuất kích, bắn hạ 6 máy bay Mỹ trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ, 1 chiếc bị trọng thương đến Tuyên Quang thì rơi.

Ông trở thành một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp "Ách" (Ace) - thuật ngữ chỉ những phi công ưu tú, đặc biệt xuất sắc bắn rơi 5 máy bay đối phương trở lên (chỉ có 5 phi công Mỹ đạt được đẳng cấp này trong chiến tranh Việt Nam).

Với thành tích này, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973, khi mới 27 tuổi.

Đầu tháng 5/1975, ông dẫn đầu phi đội 13 máy bay MiG-21 bay chuyển sân vào tiếp quản sân bay Biên Hoà và tham gia diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 trên bầu trời Sài Gòn. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt để xây dựng Trung đoàn Không quân 935.

Sau khi Trung đoàn 935 thành lập, ông được giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu loại máy bay F-5 với sự trợ giúp của các phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Ngọc Xanh và một số nhân viên kỹ thuật còn lại, nhanh chóng làm chủ và huấn luyện chuyển loại cho số phi công MiG.

Ông cũng là phi công MiG-21 đầu tiên điều khiển bay loại máy bay F-5 chiến lợi phẩm mà không có giáo viên, đồng thời trở thành giáo viên bay đầu tiên trên loại máy bay này của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Ông được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ nhanh chóng làm chủ khi tài và đưa vào phục vụ cho chiến tranh biên giới Tây Nam vài năm sau đó.

Sau nhiều năm công tác trong lực lượng Không quân, năm 1992, ông được cử sang công tác trong ngành Hàng không, làm hiệu trưởng Trường Hàng không Việt Nam (HKVN).

Từ công tác chỉ huy chiến đấu sang công tác đào tạo hàng không, ông vừa nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân, vừa xây dựng nền tảng đào tạo chính quy hiện đại, đưa Trường HKVN trở thành Học viện HKVN và trở thành giám đốc đầu tiên của Học viện này.

Hiện tại, dù đã nghỉ hưu, nhưng ngọn lửa nhiệt tình của ông vẫn chưa hề dịu. Anh "Nghĩa cáp”, một biệt danh thân thương mà bạn hữu, đồng chí đặt cho ông, vẫn không có dấu hiệu mệt mỏi. Sợi cáp ngày nào vẫn rắn chắc, dù đã trải bao năm sương gió.

Trên cương vị Chủ tịch CLB HKVN, bên cạnh nỗ lực xây dựng sinh hoạt cho sân chơi các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực hàng không, ông không ngừng vận động mọi sự ủng hộ của mọi cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để - như cách ông nói - chuẩn bị “mở cửa bầu trời”.

Trên bầu trời không có chiến tuyến, không nơi để ẩn nấp, vậy làm cách nào mà những phi công tiêm kích Việt Nam còn non trẻ đã liên tiếp lập công, "vít cổ" những phi công sừng sỏ của Mỹ?

Chiến tranh là ác liệt, là tàn khốc, cuộc chiến đấu giữa bầu trời bao la, không chiến hào, chỉ có tiến công và giữa cái sống, cái chết chỉ trong một ranh giới rất nhỏ hẹp! Cuộc chiến trên không, không có chỗ cho sự nhút nhát, kém cỏi!

Trước đối phương vượt trội về phương tiện, cả về số lượng lẫn chất lượng, các phi công trẻ Việt Nam chỉ có thể tồn tại và vượt lên bằng chính nghị lực, khả năng và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, khát vọng hướng đến ngày chiến thắng.

Cũng hé mở rằng thời kỳ đó nếu không biết, ít ai nghĩ tôi là phi công tiêm kích, vì tôi gầy ốm hơn bây giờ, nhưng sức khỏe lại rất dẻo dai.

Đồng đội đã đặt cho tôi một cái tên ngộ nghĩnh “Nghĩa cáp”, ý là dẻo dai như dây cáp. Bây giờ mỗi lần gặp nhau, đồng đội của tôi vẫn gọi tôi bằng cái tên trìu mến đó.


F-4 (phía trên) và MiG-21 (phía dưới) là hai đối thủ đầy duyên nợ trong Chiến tranh Việt Nam.

F-4 (phía trên) và MiG-21 (phía dưới) là hai đối thủ đầy duyên nợ trong Chiến tranh Việt Nam.

Thưa Đại tá, tại sao các máy bay Mỹ bị ông bắn rơi toàn là loại F-4 hiện đại nhất của đối phương lúc bấy giờ?

Ngay từ khi còn đang được đào tạo tại Trường bay Krasnodar, các phi công trẻ chúng tôi đã được các anh Nguyễn Hồng Nhị và Vũ Ngọc Đỉnh sang tận nơi phổ biến những bài học kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu, đúc kết bằng xương máu của những phi công đàn anh.

Sau khi về nước, chúng tôi có thời gian 4 năm rất quý giá (1968-1971) để huấn luyện, chuẩn bị mọi mặt trước khi tham chiến. Từ những thực tế chiến đấu với các loại máy bay Mỹ, trọng tâm là F-4 và F-105, chúng tôi có được những bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Từ năm 1968-1972, Mỹ hầu như chỉ sử dụng loại máy bay F-4 (kể cả Không quân lẫn Không quân Hải quân Mỹ) cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ để tiến công vào miền Bắc Việt Nam.

Giai đoạn này chúng tôi vừa tham gia trực ban sẵn sàng chiến đấu, thay nhau cơ động vào các sân bay dã chiến Khu 4 để trực đánh, vừa bay huấn luyện với cường độ rất cao.

Nếu thời tiết tốt, có tuần lễ Trung đoàn tổ chức 5 - 6 ban bay, có tháng chúng tôi bay đến 60-70 giờ bay với nhiều bài tập ứng dụng chiến đấu trên MiG-21.

Tất cả các “ngón nghề” về kỹ năng không chiến, về chiến thuật đánh chặn, về kỹ thuật xạ kích đều được huấn luyện kỹ lưỡng. Chúng tôi được thử nghiệm triệt để tính năng ưu việt của MiG-21…

Nhiều cuộc hội thảo quân sự dân chủ bàn cách đánh được Trung đoàn tổ chức. Các đồng chí chỉ huy tài giỏi, anh Đào Đình Luyện, Trần Mạnh, Trần Hanh, Nguyễn Phúc Trạch, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Nhật Chiêu… đều đưa ra những ý kiến xác đáng.

Ngoài ra, còn có sự tham gia của các đồng chí dẫn đường dày dạn kinh nghiệm như Nguyễn Văn Chuyên, Lê Thành Chơn, Trần Đức Tụ, Tạ Quốc Hưng, Lương Văn Vóc, Nguyễn Minh Cậy (dẫn tiêu đồ)…, Phạm Công Thành, Lê Thiết Hùng (dẫn hiện hình)…

Các tình huống giả định, phân tích sâu các phương án tác chiến, các yếu tố bí mật, bất ngờ tiếp cận máy bay địch, so sánh ưu thế về tính năng máy bay ta và Mỹ để áp dụng trong từng trận đánh, miếng đánh, khêu gợi các phương án sử dụng lực lượng… đã được nêu ra.

Tất cả cùng tranh luận và đi đến kết luận thống nhất từ chỉ huy, dẫn đường đến phi công, từ đó đưa vào bài tập huấn luyện. Từ kết quả của những bài bay huấn luyện ứng dụng, tạo niềm tin cho anh em phi công, chúng tôi rất tự tin, sẵn sàng vào trận.

Và kết quả giao chiến dù là F-4 hay F gì hiện đại hơn nữa, cũng minh chứng cụ thể cho khả năng nắm chắc phương tiện cũng như hiệp đồng chặt chẽ cho người phi công xuất kích.


Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (ngoài cùng bên phải) cũng những đồng đội trong những ngày chiến đấu gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang,

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (ngoài cùng bên phải) cũng những đồng đội trong những ngày chiến đấu gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang,

Trận đánh nào hay chiếc máy bay nào mà ông bắn rơi đã để lại kỷ niệm sâu đậm nhất?

Đó là trận đánh ngày 23/12/1972, diễn ra trên vùng trời Bắc tỉnh Thanh Hóa – Nam tỉnh Hòa Bình, giữa lúc Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" đang ở giai đoạn cao trào nhất.

Thời gian này tôi đã được điều động sang Đại đội 11 để bay huấn luyện cho phi công trẻ mới về nước. Hôm đó, tôi (số 1) cùng phi công Lê Văn Kiền (số 2) - một phi công của Đại đội 3, được lệnh xuất kích. Đích thân Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi.

Khoảng 14h ngày 23/12/1972, biên đội chúng tôi được lệnh vào cấp 1. Ngay sau mật lệnh “Ấp Bắc – Cờ Hồng” được phát ra (Mật mã mở máy – cất cánh), biên đội được lệnh tăng lực lấy độ cao 8.000 m, hướng bay 200 độ, rồi 290 độ, tốc độ 1.200km/h.

Tôi hiểu tình huống rất khẩn cấp, trận chiến sẽ phức tạp vì ý đồ Không Quân Mỹ đã rõ ràng. Quả thật như vậy, biên đội được thông báo “Quạ đen 6 tốp, bên phải 45 độ, 25km, độ cao 6.000m”.

Tôi nhắc số 2 giữ cự ly, bám chặt biên đội và tập trung chú ý quan sát. Trong chốc lát, tôi phát hiện bên phải một tốp 4 chiếc F-4, cự ly khoảng 20km, cùng lúc số 2 cũng hô “Bên trái 4 chiếc’’.

Rõ ràng lực lượng địch đông hơn ta, đánh ra sao đây? Trong giây lát, tôi quyết định chọn hướng đánh thẳng vào tốp F-4 gần nhất bên phải vì thời gian là lực lượng! Tôi ra lệnh cho số 2 tấn công tốp bên trái.

Trong tình thế rất phức tạp, máy bay địch "lúc nhúc" vòng trong, vòng ngoài, chúng tôi vừa phải tránh đạn tên lửa không đối không của địch phóng đến như mưa, vừa lừa thế đánh.

Để khi chớp được một tình thế có lợi quả là khó khăn! Người bắt đầu vã mồ hôi, mặt phù lên vì phải liên tục chịu gia trọng lớn từ các động tác kỹ thuật kịch liệt. Máy bay có lúc bị chấn động bởi tên lửa đối phương.

Cứ như vậy, tưởng chừng đã bất lực! Nhưng liền sau đó tiếng người chỉ huy - Nguyễn Hồng Nhị vang lên trong máy “Kiên quyết tấn công, đánh nhanh rút nhanh!”. Đó cũng là lúc tôi chiếm lĩnh được vị trí tấn công có lợi, đưa một chiếc F-4 vào vòng ngắm!

Ở cự li bắn hiệu quả, bằng đường ngắm kinh nghiệm, tôi phóng tên lửa! “Con ma” trúng đạn bùng cháy, số 2 của tôi reo vang trong máy “Cháy rồi”! Tôi kéo máy bay lên cao và lật úp lại, tiếp tục phát hiện phía dưới bên trái một F-4 đang vòng phải.

Nhanh chóng tăng lực, vòng gấp chiếm lĩnh phía sau nó rồi chỉnh điểm ngắm và phóng quả tên lửa còn lại ở cự li 1.000m. Ngay lập tức, tôi giật mạnh cần lái để thoát ra khỏi vùng nổ tên lửa!

Liền sau đó tôi gọi số 2 và nghe trả lời “Nghe tốt!”. Tôi vui mừng khôn xiết vì số 2 của tôi vẫn an toàn. Anh em chúng tôi “thu quân” về sân bay Đa Phúc. Gần về đến sân bay thì được thông báo tất cả các sân bay đều có máy bay Mỹ phong tỏa, đường băng bị đánh phá.

Lượng nhiên liệu của máy bay đang cạn dần, Sở chỉ huy ra lệnh cho chúng tôi bay về khu vực Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc, giữ độ cao 4.000m để nhẩy dù.

Trong giây lát, tôi thoáng nghĩ không đành lòng vứt bỏ chiếc MiG thân yêu. Nó vẫn đang “ngoan ngoãn” nghe theo sự điều khiển của tôi. Tôi quyết định không nhẩy dù, lẳng lặng bay về sân bay với ý định hạ cánh cho dù là hạ xuống đường lăn hoặc đường kéo dắt máy bay.

Ngày chiến thắng sắp đến gần, chắc chắn Mỹ phải thua, đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ năm 1967: “Sớm muộn gì rồi Đế Quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua…”.

Lực lượng phi công ta còn ít, nếu nhảy dù, nhẹ nhất cũng phải 3 - 4 tháng tôi mới bay lại được. Nếu hạ cánh thành công thì cho dù máy bay có hư hỏng vẫn có thể lên máy bay khác tiếp tục chiến đấu.

Với những suy nghĩ đó, tôi quyết định phải hạ cánh bằng bất cứ giá nào và tôi đã hạ cánh thành công xuống đường lăn sân bay trong trạng thái đất đá văng tứ tung do bom đạn từ máy bay Mỹ đánh phá trước đó.

Khi tiếp đất xuống đường lăn, nhiều máy bay Mỹ vẫn tiếp tục khống chế, chúng dùng súng Miligan 20 li bắn vào máy bay tôi, nhưng chúng tôi vẫn đưa máy bay vào ụ sơ tán an toàn. Hôm đó chúng tôi vui sướng cực độ, biên đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhưng điều quan trọng hơn là đã khai thông chiến thắng cho Không quân ta trong những ngày tiếp theo, liên tiếp bắn rơi thêm 6 máy bay nữa của giặc Mỹ, trong đó có 2 chiếc "siêu pháo đài bay" B-52.

Chiếc máy bay F-4 tôi bắn rơi ngày 23/12/1972 là chiếc máy bay của Mỹ đầu tiên bị Không Quân nhân dân Việt Nam bắn rơi trong chiến dịch “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” - Một kỷ niệm khó quên của riêng tôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại