Những vũ khí Liên Xô được kỳ vọng sẽ tái sinh

Ly Vy |

Việc Nga lộ diện hệ thống vũ khí Status-6 có thể là khởi đầu cho khả năng tái sinh một loạt vũ khí độc đáo từ thời Liên Xô.

Ngày 11-11 vừa qua, bản tin tường thuật cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với các quan chức Bộ Quốc phòng đã vô tình để lộ bản vẽ thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới cùng hệ thống vũ khí Status-6.

Nhiều chuyên gia và các blogger gọi tàu ngầm hạt nhân mới này là đề án 09851 Khabarovsk.

Họ cũng đồng thời suy đoán rằng mẫu ngư lôi mới là sự tiếp nối của loại ngư lôi T-15 dài 24m được phát triển từ thời Liên Xô với khả năng mang được đầu đạn hạt nhân có sức công phá 100 megaton.

Và với thông số như vậy, loại ngư lôi này có sức công phá gấp đôi bom AN602 (hay còn biết dưới tên bom Tsar - là loại vũ khí hạt nhân lớn nhất từng được chế tạo).

Tuy nhiên, mẫu ngư lôi nói trên không chỉ là vũ khí độc đáo duy nhất được Liên Xô phát triển. Một số tờ báo Nga đặt ra khả năng sau Status-6, biết đâu những loại vũ khí của Liên Xô sẽ được tái sinh?

Tàu ngầm đổ bộ


Tàu ngầm đổ bộ thuộc đề án 717.

Tàu ngầm đổ bộ thuộc đề án 717.

Năm 1967, Viện thiết kế Wave bắt đầu phác thảo mẫu tàu ngầm hạt nhân có khả năng bí mật vận chuyển số lượng binh lính lên đến 800 người cùng thiết bị quân sự hạng nặng (lên đến 20 xe tăng lội nước/xe bọc thép chở quân) hoặc các loại vũ khí và hàng hóa khác.

Công tác đổ bộ thực hiện qua 2 cửa phía trước mũi. Mẫu tàu ngầm này được định danh là đề án 717. Tàu có chiều dài 190m, rộng 23m, độ sâu lặn tối đa 300m, tốc độ 18 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 111 người.

Vũ khí trang bị trên tàu gồm 252 mìn, 18 ngư lôi cỡ 533mm, 2 pháo cỡ 30mm.

Tuy nhiên, do việc chế tạo con tàu này sẽ làm giảm bớt số lượng các tàu ngầm khác mà Hải quân Liên Xô đang đóng nên vào đầu thập kỷ 1970, dự án đã không được tiếp tục.

Sát thủ tàu sân bay


Máy bay ném bom T-4.

Máy bay ném bom T-4.

Vào thời Liên Xô, các tàu sân bay Mỹ luôn là mối đe dọa thường trực đối với an ninh quốc gia và các nhà lãnh đạo Liên Xô luôn tìm kiếm loại vũ khí có thể đối phó hiệu quả với "ông vua đại dương" này. Một trong số đó là máy bay ném bom chiến lược siêu âm.

Có 3 viện thiết kế của Liên Xô cạnh tranh phát triển mẫu máy bay mới, gồm Viện thiết kế Sukhoi, Viện thiết kế Tupolev và Viện thiết kế Yakovlev.

Mẫu máy bay ném bom T-4 sau đó ra đời và các nhà thiết kế khẳng định nó có thể đạt được tốc độ từ 3.000 - 3.200km/giờ, độ cao bay 24km, có thể mang tên lửa hành trình Kh-45.

Bộ Quốc phòng Liên Xô dự định đặt mua 250 máy bay T-4 nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, dự án đã phải dừng lại để tập trung nguồn lực tài chính và con người cho chương trình phát triển máy bay ném bom chiến lược Tu-160.

Thủy phi cơ


Thủy phi cơ M-70.

Thủy phi cơ M-70.

Trong thập niên 1950, Liên Xô luôn lo sợ rằng đối phương có thể phá hủy đường băng và qua đó làm gián đoạn các hoạt động trên không.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ trên, Liên Xô quyết định chế tạo một loại thủy phi cơ bay với tốc độ siêu âm. Họ dự kiến sẽ triển khai mẫu máy bay này rải rác khắp các vùng biển và đại dương, khiến đối phương gần như không thể tìm và tiêu diệt chúng.

Theo kế hoạch của các nhà phát triển, mẫu thủy phi cơ mới có tên là M-70, có thể hạ cánh trên mặt biển, tiếp nhiên liệu từ tàu ngầm và sau đó tiếp tục hành trình.

Nó được kỳ vọng có thể bay với tốc độ tối đa 1.700km/giờ, tầm bay 6.500 - 7.000km không cần tiếp liệu. Với 2 lần tiếp liệu từ tàu ngầm, M-70 có thể đạt đến tầm bay từ 18.000 - 20.000km.

Tuy nhiên, dự án này đã sớm bị loại bỏ ngay từ giai đoạn phác thảo.

"Lun"


Thủy phi cơ lớp Lun.

Thủy phi cơ lớp Lun.

Trong kế hoạch chống biên đội tàu sân bay của đối phương, Liên Xô còn cho ra đời dự án WIG (thủy phi cơ lai tàu đệm khí). Một trong những đại diện nổi tiếng nhất của loại vũ khí này là tàu lớp Lun.

Dựa vào tốc độ cao cũng như khả năng tàng hình với radar đối phương, nó có thể bí mật tiếp cận biên đội tàu đối phương ở khoảng cách đủ để phóng tên lửa.

Lớp Lun được trang bị các tên lửa chống hạm Moskit và đã được thử nghiệm. Nó có chiều dài 74m, cao 19,2m tốc độ di chuyển 500km/giờ, tầm hoạt động 2.000km, phi hành đoàn 10 người.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, dự án này bị đình lại và chỉ có một tàu được hoàn thiện.

Object 279


Xe tăng Object 279.

Xe tăng Object 279.

Vào thập kỷ 1950, Liên Xô đã tạo ra một bước đột phá của xe tăng hạng nặng khi cho ra đời thiết kế Object 279.

Chiếc xe tăng này có khối lượng chiến đấu 60 tấn nhưng khối lượng này không ảnh hưởng đến tốc độ tối đa của nó. Object 279 có thể đạt vận tốc 55km/giờ, tầm hoạt động 300km.

Vũ khí chính trên Object 279 là pháo M-65 cỡ 130mm, xe tăng có chiều dài 6,7m, ngang 3,4m, cao 2,48m. Kíp xe bao gồm: trưởng xe, lái xe, pháo thủ và nạp đạn.

Tuy nhiên, dự án này đã bị hủy bỏ do các vấn đề liên quan đến hệ thống treo và khối lượng quá lớn của xe tăng. Nguyên mẫu duy nhất hiện đang được trưng bày tại bảo tàng tăng thiết giáp ở Kubinka.

Laser trong tác chiến


Thiết bị laser lắp trên tàu Bixon.

Thiết bị laser lắp trên tàu Bixon.

Theo một số nguồn tin, công tác nghiên cứu laser trong quân đội được bắt đầu tại Liên Xô từ 50 - 60 năm trước.

Laser có thể được dùng để bắn hạ tên lửa của đối phương khi đang bay nhưng sử dụng laser cho mục đích này rất tốn kém và không hiệu quả.

Vào năm 1980, Liên Xô đã lắp đặt trên tàu Dixon của Hạm đội Biển Đen thiết bị laser thử nghiệm. Trong lần thử nghiệm đầu tiên, tia laser có thể bắn tới mục tiêu trên mặt đất ở khoảng cách 4km nhưng không thể gây hại gì.

Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm sau đó đã thành công khi laser được chiếu từ trên không, không bị ảnh hưởng từ môi trường ẩm ướt của biển. Tuy nhiên, dự án này sau đó cũng bị ngừng lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại