Nhật phá chiến lược A2/AD của Trung Quốc như thế nào?

Không chỉ riêng Mỹ, hiện Nhật Bản cũng đang tìm tòi và nâng cao khả năng xuyên phá qua chiến lược A2/AD của Trung Quốc theo con đường riêng của mình.

Lấy tàu sân bay trực thăng Izumo làm nòng cốt

Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược chiến lược “Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực” hay còn gọi tắt là “Chống xâm nhập/Khu vực cấm” (Anti-Access/Area Denial, viết tắt là A2/AD), nhằm vào quân đội Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực.

Đứng trước động thái này, Nhật Bản buộc phải đẩy mạnh phát triển lực lượng hùng mạnh để đối phó với chiến lược của Trung Quốc, được xây dựng dựa trên sự kết hợp các yếu tố quân sự khác nhau như tàu ngầm diesel siêu yên tĩnh, thủy lôi, chiến tranh mạng, vũ khí chống vệ tinh, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Nhật Bản đã dựa vào 3 lực lượng cơ bản như: lực lượng tàu sân bay (tàu khu trục) chở trực thăng ngày càng lớn, lực lượng tàu ngầm 3.300 tấn lớp Soryu thế hệ tiếp theo và tàu khu trục Aegis mới, cùng với kế hoạch triển khai 20 chiếc máy bay tuần tra hàng hải Kawasaki P-1 để thay thế cho máy bay P-3C, và triển khai nhiều máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K nâng cấp.

Ông Bob Nugent, chuyên gia tư vấn tại AMI International (Tổ chức phân tích, dự báo phát triển tàu chiến tương lai toàn cầu) cho biết, các tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo (22DDH) và tàu ngầm lớp Soryu là những chương trình hàng đầu của hải quân Nhật Bản, xét cả về ngân sách và tầm quan trọng đối với an ninh hàng hải của nước này.

Năm 2013, Nhật Bản đã trình làng chiếc đầu tiên trong 2 chiếc tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo, loại tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ II và sẽ có thể chở được 15 chiếc máy bay trực thăng.

Trong năm 2009 và 2011, hải quân nước này cũng đã biên chế hoạt động 2 chiếc tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga thế hệ thứ 3 mới, mỗi chiếc có thể chở được 11 chiếc trực thăng.

Nhật Bản đang nỗ lực phá chiến lược A2/AD của Trung Quốc

Nhật Bản đang nỗ lực phá chiến lược A2/AD của Trung Quốc

Nhật Bản thử nghiệm Izumo, thách thức Liêu Ninh Nhật Bản thử nghiệm Izumo, thách thức Liêu Ninh

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vừa tiến hành thử nghiệm tàu sân bay trực thăng Izumo số hiệu DDH-183, động thái này có thể khiến Trung Quốc giật mình.

Ông Nugent cho rằng, với tải trọng gần 20.000 tấn, so với 13.950 tấn của các tàu lớp Hyuga, tàu 22DDH không hoàn toàn là các tàu sân bay vì chúng không thể cho phép cất cánh, hạ cánh các máy bay cánh cố định như các hàng không mẫu hạm, nghĩa là chúng vẫn chỉ là các tàu khu trục chở trực thăng.

Tuy nhiên, Nhật có thể sử dụng chúng như những tàu đổ bộ tấn công của Mỹ, mua sắm và biên chế các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35B. Đây là một bước quan trọng trong sự phát triển của hải quân Nhật Bản, trở thành một lực lượng có khả năng triển khai nhanh chóng lực lượng không quân trên biển.

Vị chuyên gia này đánh giá, với khả năng chuyên chở từ 8-12 chiếc máy bay F-35B, Izumo có thể đối đầu sòng phẳng với các tàu sân bay hạng trung kiểu như CV-16 Liêu Ninh của Trung Quốc hay INS Vikramaditya của Ấn Độ.

Các chiến đấu cơ tàng hình F-35B sẽ là lực lượng chủ lực, phá vỡ chiến lược A2/AD của Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự khác cũng nhận định, tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo thực sự là những tàu chỉ huy hạm đội với hệ thống chỉ huy và kiểm soát hiện đại, cũng như những khả năng tác chiến chống ngầm và tác chiến quét mìn tiên tiến. Tàu khu trục lớp 22DDH thực sự sẽ là bá chủ ở khu vực biển Hoa Đông.

Nâng cao số lượng tàu ngầm và tàu khu trục Aegis

Trong khi đó, hải quân Nhật Bản hiện đang vận hành 5 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Soryu và 11 chiếc tàu ngầm lớp Oyashio cũ hơn. Họ có kế hoạch đưa vào biên chế một hạm đội với tổng số 22 chiếc tàu ngầm các loại.

Tàu ngầm AIP lớp Soryu của Nhật Bản

Tàu ngầm AIP lớp Soryu của Nhật Bản

Mua tàu ngầm Nhật Bản, Australia biến TQ thành 'kẻ thua cuộc' Mua tàu ngầm Nhật Bản, Australia biến TQ thành "kẻ thua cuộc"

Gần đây các phương tiện truyền thông của Australia đưa tin nước này sẽ mua tàu ngầm thế hệ tấn công mới của Nhật Bản.

"Soryu là một trong những tàu ngầm thông thường thành công và lớn nhất đang được vận hành và chế tạo trên thế giới hiện nay,” ông nói và cho biết thêm rằng, theo thông tin mới nhất, Nhật Bản đang nghiên cứu thay thế công nghệ động cơ AIP bằng động cơ sử dụng pin Lithium ion cho động cơ đẩy thứ cấp.

Chương trình lớn thứ 3 của hải quân Nhật Bản là các tàu chiến trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, vốn đang trở thành trọng tâm hợp tác mua sắm quốc phòng Nhật-Mỹ. Vừa qua, nước này đã khẳng định sẽ chế tạo thêm 2 chiếc tàu khu trục Aegis lớp Atago mới, với mục tiêu mở rộng hạm đội tàu chiến Aegis của họ lên 8 chiếc vào cuối năm tài khóa 2020.

Theo ông Alessio Patalano, một chuyên gia hải quân thuộc Khoa nghiên cứu chiến tranh của Đại học King London, khi phối kết hợp các lực lượng này sẽ tạo thành một hạm đội hải quân có sức mạnh vượt trội., với nhiều sự thay đổi quan trọng liên quan đến việc tích hợp các hệ thống và tăng cường các chức năng chung.

Trong số 3 chương trình này, các tàu ngầm lớp Soryu thế hệ thứ 3 có thể sẽ tạo nên sự đóng góp lớn nhất cho thế trận răn đe của Nhật Bản.

"Đặc điểm địa lý của những chiến trường tác chiến hàng hải rất thuận lợi cho các hoạt động của tàu ngầm. Một trong những vấn đề quan trọng đối với người Nhật Bản là làm thế nào để gia tăng phạm vi và thời gian hoạt động của các tàu của họ để chúng có thể hoạt động lâu hơn trên biển, và nếu cần thiết, xa bờ biển Nhật Bản hơn nữa" - ông Patalano nói.

Trong khi đó, ông Corey Wallace, một chuyên gia về chính sách an ninh Nhật Bản tại Trường đại học Auckland của New Zealand cho rằng, tàu ngầm lớp Soryu có ý nghĩa quan trọng dưới góc độ bảo vệ chặt chẽ an ninh quốc gia. Khả năng tác chiến chống ngầm sẽ không thể được đảm bảo nếu không có tàu ngầm.

Nhật đang triển khai đóng mới các chiến hạm Aegis theo thiết kế của Mỹ

Nhật đang triển khai đóng mới các chiến hạm Aegis theo thiết kế của Mỹ

Về vấn đề gia tăng tầm hoạt động của tàu ngầm Soryu, ông Wallace cho rằng ưu tiên trước tiên là cho phép chúng hoạt động trên biển và lặn lâu hơn, chứ không nhất thiết phải hoạt động được ở khoảng cách rất xa lãnh hải Nhật Bản. Tuy nhiên, khả năng triển khai lực lượng tại Biển Đông trong tương lai sẽ góp phần răn đe trong khu vực là điều hải quân Nhật Bản đã nhận thấy.

Việc tăng cường khả năng của lực lượng tàu chở trực thăng và tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo đã đặt ra thêm những câu hỏi: liệu Nhật Bản có đang hướng tới thiết lập cơ sở hạ tầng cho nhóm tác chiến tàu sân bay hay không, và tại sao hải quân Nhật Bản lại cần thêm 2 chiếc tàu tuần dương mang tên lửa.

Trước khi tính đến những nguy cơ của việc Trung Quốc xây dựng sức mạnh quân sự và khả năng đẩy khu vực này vào một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn, thì việc thành lập một hạm đội tàu sân bay cũng sẽ đòi hỏi Nhật Bản phải tăng chi tiêu quốc phòng vượt ngưỡng thông thường là 1% GDP, đây là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản.

Hiện chưa ai biết được chiến lược A2/AD của Trung Quốc và đối sách của Nhật Bản sẽ đi đến đâu, nhưng trước mắt nó đang đẩy khu vực này vào một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt nhất từ trước tới nay, khiến các nước láng giềng trong khu vực cũng không thể khoanh tay đứng nhìn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại