Giải mã thành công của chiến đấu cơ MiG -Kỳ cuối

Nhà thiết kế máy bay Liên Xô Artyom Mikoyan đã tạo ra những mẫu máy bay quân sự MiG nổi tiếng, lập được 55 kỷ lục thế giới.

Dưới đây là những sản phẩm ấn tượng nhất do Văn phòng Thiết kế Thực nghiệm MiG (Mikoyan Guryevich) chế tạo.

“Balalayka” sát thủ

Sự thành công tiếp theo của nhà thiết kế Mikoyan là MiG-21, chiến đấu cơ siêu thanh được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Hơn 50 quốc gia đã sử dụng loại máy bay này và hiện MiG-21 vẫn đang phục vụ trong không quân một số nước.

Giải mã thành công của chiến đấu cơ MiG - Kỳ 1 Giải mã thành công của chiến đấu cơ MiG - Kỳ 1

Nhà thiết kế máy bay Liên Xô Artyom Mikoyan đã tạo ra những mẫu máy bay quân sự MiG nổi tiếng, lập được 55 kỷ lục thế giới. Dưới đây là những sản phẩm ấn tượng nhất do Văn phòng Thiết kế Thực nghiệm MiG (Mikoyan Gurevich) chế tạo.

Sau 50 năm kể lần bay đầu tiên, MiG-21 đã lập được một số kỷ lục hàng không như: Máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không; máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới 2 (khoảng 10.350 chiếc MiG-21 được chế tạo); máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất. NATO đã gọi máy bay này Fishbed, nhưng các phi công Liên Xô lại đặt cho nó biệt danh là “Balalaika”, theo tên cây đàn truyền thống của Nga.

MiG-21.

MiG-21 ghi điểm lần đầu tiên là trong Chiến tranh Việt Nam. Đây là loại máy bay có khả năng đạt vận tốc Mach 2 (gấp 2 lần tốc độ âm thanh). Dù thiếu radar tầm xa, tên lửa và khả năng mang bom hạng nặng như những chiếc máy bay đa năng cùng thời của Mỹ, nhưng MiG-21 tỏ ra là một đối thủ đầy thách thức và nguy hiểm trước các chiến đấu cơ của Mỹ khi trong tay những phi công xuất sắc của Không quân Nhân dân Việt Nam, đặc biệt được sử dụng trong các cuộc tấn công ở tốc độ cao và nhanh dưới sự điều khiển của hệ thống đánh chặn dưới mặt đất (GCI). MiG-21 được thiết kế để đánh chặn những máy bay như F-105 Thunder Chief rất hiệu quả, cũng như việc bắn hạ những máy bay khác của Mỹ, hay chí ít cũng khiến chúng phải giảm tải trọng bom mang theo.

Khi đối đầu với những chiến đấu cơ cùng thời của Mỹ, các phi công Việt Nam đã thực hiện chiến thuật rất thông minh với MiG-21 - còn được gọi là chiến thuật đánh nhanh, rút nhanh: Được dẫn đường từ dưới mặt đất, sau đó phi công lái MiG-21 sẽ tìm cách tiếp cận vị trí ở đằng sau, phía dưới máy bay Mỹ, thực hiện một vụ tấn công bằng các tên lửa dẫn đường và trở lại căn cứ.

Những kỳ tích ít biết của phi công tiêm kích Việt Nam Những kỳ tích ít biết của phi công tiêm kích Việt Nam

Trải qua hai cuộc chiến tranh, lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam đã chứng tỏ được những khả năng phi thường, biến cái không thể thành có thể.

Không những thế, các máy bay tiêm kích F-4 của Mỹ cũng nhiều lần bị MiG-21 hạ “đo ván”. Chính vì kết quả chiến đấu tồi tệ giữa F-4 và F-105 với MiG-21 đã khiến Không quân Mỹ thiết lập cái gọi là "Chương trình huấn luyện không chiến đặc biệt” và Hải quân Mỹ có “Chương trình Top Gun” để nâng cao khả năng không chiến của những phi công Mỹ. Theo đó, các máy bay A-4 và F-5 được sử dụng là “quân xanh” vì chúng có những tính năng khá tương đồng với MiG-17 và MiG-21.

Đặc biệt, phi công Phạm Tuân của Việt Nam lái chiếc MiG-21 MF đã bắn rơi chiếc “pháo đài bay” B-52 của Mỹ lần đầu tiên. Chiếc MiG-21FM của Phạm Tuân cất cánh hồi 22 giờ 16 phút đêm 27/12/1972 từ sân bay dã chiến Yên Bái, theo chiến thuật "đi thấp kéo cao" nhằm tránh radar của máy bay địch. Sau khi dẫn đường mặt đất thông báo cách phi đội địch 8–9 km, Phạm Tuân kéo cao rồi tăng tốc máy bay, dùng tốc độ cao để bất ngờ bay vọt qua hai tốp F-4 hộ tống, khiến những chiếc F-4 không kịp phản ứng.

Sau khi vọt qua đội F-4 hộ tống, ông tiếp cận hai chiếc B-52, khi còn cách B-52 khoảng 4 km, dẫn đường mặt đất ra lệnh bắn, nhưng Phạm Tuân chờ thêm mấy giây để tiếp cận gần hơn rồi mới bắn. Chiếc MiG-21 cũng tắt radar và các thiết bị liên lạc để B-52 không phát hiện ra là đang bị áp sát. Ông bắn rơi một chiếc B-52 trên vùng trời phía tây Hà Nội bằng 2 quả tên lửa không đối không NHK-8-9-1-2, rồi trở về hạ cánh xuống sân bay Yên Bái.

Một con mắt cảnh giác

Máy bay chiến đấu tấn công mặt đất MiG-27 được biết đến với biệt danh “chòi canh chiến trường” với tầm quan sát rất tốt từ buồng lái, nhờ vào phần mũi của máy bay này chứa được hệ thống đo khoảng cách và tìm kiếm bằng tia laser. Cơ cấu hạ cánh của MiG-27 cũng được thiết kế nặng và lớn hơn để có thể dễ dàng hạ cánh ở những sân bay chất lượng kém.

MiG-27.

Ban đầu, loại máy bay này được Phòng thiết kế Mikoyan-Gurevich của Liên Xô phát triển sau đó được cấp giấy phép cho công ty Hindustan của Ấn Độ chế tạo. MiG-27 tham chiến lần đầu tiên là ở Sri Lanka. Không quân nước này đã sử dụng 3 chiếc MiG-27 để ném bom các mục tiêu của phong trào Những con Hổ giải phóng Tamil ở khu vực Chavakachceri.

Tuy nhiên, trên thực tế, MiG-31 mới thực sự là chiến đấu cơ có độ cảnh giác cao. Đây là chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống radar mạng pha, cho phép nó có khả năng phát hiện các mục tiêu bay trên không (trong đó bao gồm cả các mục tiêu có tầm nhìn thấp) ở khoảng cách 320km. Hệ thống điện tử của nó cũng có khả năng theo dõi 24 mục tiêu, sau đó chọn ra 4 mục tiêu nguy hiểm nhất để khai hỏa với tên lửa không đối không tầm xa. Chỉ cần 4 chiếc MiG-31 là có thể kiểm soát được vùng không phận từ giới tuyến kéo về sau khoảng 800-900km.

Nhanh nhẹn và tải trọng lớn

MiG-29 là loại máy bay chủ lực của không quân Nga và đồng thời đóng vai trò là một phòng thí nghiệm bay để thử nghiệm những công nghệ mới. Nó rất nhanh nhẹn, thực hiện những pha quay ngoắt tức thời trong khi duy trì độ ổn định cao.

Máy bay này được trang bị 2 động cơ phản lực Klimov RD-33 được lắp đặt trong khoảng không gian rộng. Khoảng không gian giữa 2 động cơ sinh ra lực nâng, do đó giảm đáng kể lực tác dụng lên cánh, một cải tiến nhằm nâng cao khả năng cơ động. Phi công tiêm kích Canada Bob Wade với 6.500 giờ bay sau khi bay thử MiG-29 nhận xét: “Tôi kinh ngạc về sức cơ động và khả năng điều khiển của tiêm kích này, nhất là khả năng thay đổi hướng trong khi bay. Một tiêm kích với khả năng xoay trở kinh hoàng. Tôi không được phép đưa ra so sánh trực tiếp với loại tiêm kích cụ thể nào đó của phương Tây, nhưng tôi có thể nói rằng, các tính năng của nó khi bay trình diễn trên không cho đến bay ở tốc độ thấp là không thua kém hoặc thậm chí còn tốt hơn những gì mà các tiêm kích phương Tây làm được”.

MiG-29 được thiết kế để chiếm ưu thế trên không. Được phát triển vào thập niên 1970 bởi Phòng thiết kế Mikoyan, nó bắt đầu đi vào hoạt động trong Không quân Liên Xô vào năm 1983, và tiếp tục được sử dụng bởi Không quân Nga cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. MiG-29 được thiết kế để đối đầu với những loại máy bay tiêm kích mới của Mỹ như F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet. Tới nay, đã có khoảng 1.600 chiếc được sản xuất, 900 trong số đó để xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia trên thế giới.

MiG-29.

Vũ khí của MiG-29 bao gồm một khẩu pháo 30 mm GSh-30-1. 3 giá treo được gắn vào mỗi cánh (một số phiên bản của nó có 4 giá treo). Trong mỗi giá treo có một thùng nhiên liệu chứa được 1.150 lít, mỗi giá treo mang được 1 tên lửa không đối không tầm trung R-27 (AA-10 "Alamo"), hoặc bom không điều khiển hoặc rocket. Một số chiếc có thể mang 1 quả bom hạt nhân tại giá treo đặc biệt nằm ở giữa thân. Những điểm treo phía ngoài thường mang tên lửa không chiến tầm gần R-73 (AA-11 "Archer"), hoặc tên lửa R-60 (AA-8 "Aphid"). Những phiên bản nâng cấp mang được bom dẫn hướng bằng laser và bom dẫn hướng quang học, cũng như tên lửa không đối đất và không đối hải.

Seiniger, một phi công Đức từng lái MiG-29 cho biết: “Với kinh nghiệm nhất định, MiG-29 có thể vượt qua bất kỳ máy bay phản lực nào về mặt cơ động, kể cả F-16 và F/A-18 Hornet. Thiết kế tuyệt vời kết hợp với hệ thống vũ khí đã biến máy bay này thành một sát thủ đích thực. Tên lửa AA-11 Archer (tên của NATO là R-73) của MiG-29 có thiết bị tự dẫn hồng ngoại, một số tính năng tuyệt vời và tầm bắn xa hơn tên lửa Sidewinder của Mỹ. Khả năng của MiG-29 tự động bám các mục tiêu ngay cả khi mũi máy bay ngược với hướng mục tiêu, đã buộc 'rất nhiều đối thủ phải đổ lệ'”.

Liên Xô đã xuất khẩu MiG-29 cho một số quốc gia đang phát triển. Vì máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 yêu cầu các phi công phải có nhiều kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng phục vụ, bảo dưỡng và nâng cấp, những chiếc MiG-29 đã có lịch sử hoạt động đa dạng với nhiều lực lượng không quân khác nhau.

Những chiếc MiG-29 do các phi công Iraq điều khiển đã tham chiến trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Nga sau này phát hiện ra rằng một chiếc Panavia Tornado của Anh, số hiệu ZA467, đã bị bắn rơi ở tây bắc Iraq bởi MiG-29. Một số thành tích khác của MiG-29 tại Iraq cũng được ghi nhận, bao gồm 1 chiếc B-52 bị trúng tên lửa và bị hư hại đáng kể. Năm 1997, Mỹ đã mua được 21 chiếc máy bay MiG của Moldova để đánh giá và phân tích, theo hiệp định Hợp tác chống mối đe dọa từ bên ngoài. Một phần lý do mà Mỹ mua những máy bay này là để ngăn chặn chúng sẽ được bán cho "một quốc gia đối địch", đặc biệt là Iran.

Chiến đấu cơ của tương lai

Năm 2001, MiG tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển loại máy bay chiến đấu thể hệ thứ 5 đời mới với tên gọi là MiG-35. Đây là máy bay chiến đấu được thiết kế nhằm tăng cường sự linh hoạt và khả năng phạm vi hoạt động lên thêm 2.100 km.

MiG-35.

MiG-35 được kế thừa các tính năng, trang bị của dự án MFI (dự án nhằm phát triển loại máy bay chiến đấu mới có khả năng vượt trội so với F-22 Raptor, loại máy bay chiến đấu ưu việt của không quân Mỹ). Máy bay này có thể mang tên lửa không đối không tầm xa và tên lửa không đối đất có điều khiển, và nó còn được trang bị một khẩu pháo 30 mm. Nó có 8 giá treo vũ khí và mang được 3 thùng nhiên liệu phụ bên ngoài. MiG-35 khi mang 2 tên lửa Vympel R-73 và 3 thùng xăng phụ sẽ đạt tầm bay 3.100km, xa hơn các phiên bản của MiG-29 trước đó.

Được mô tả là tương đương với F-35 của Mỹ, MiG-35 nhắm đến các đối tượng khách hàng "thu nhập thấp". Tư lệnh Không quân Nga Alexander Zelin năm 2011 đã tuyên bố nước này sẽ sử dụng MiG-35 như một đối trọng với F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, Không quân Nga đã từ chối hợp đồng mua MiG-35 cho đến năm 2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại