Hải quân kiểu Mỹ
Tờ Vietnam+ dẫn thông tin từ Kyodo News cho biết ngày 7/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố Tokyo sẽ cân nhắc trang bị cho Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) các tàu tấn công đổ bộ.
Trả lời báo giới sau khi tới thăm tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island của Hải quân Mỹ tại San Diego (bang California), ông Onodera nói: "Chúng tôi sẽ coi các tàu tấn công đổ bộ đó như tàu vận tải đa năng để sẵn sàng phục vụ các đơn vị thiết yếu bảo vệ các đảo."
USS Makin Island là một trong 8 tàu tấn công đổ bộ lớp LHD (Wasp) của Mỹ. Hiện nay Mỹ đang có 8 tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp (LHD), bao gồm: USS Wasp (LHD-1); USS Essex (LHD-2); USS Kearsage (LHD-3); USS Boxer (LHD-4); USS Batan (LHD-5); USS Bonhomme Richard (LHD-6); USS Iwo Jima (LHD-7) và USS Makin Island (LHD-8).
Tàu USS Makin Island của Mỹ
Các tàu lớp này có lượng giãn nước 41.150 tấn; chiều dài 253,2 m; rộng 31,8 m; mớn nước 8,1 m; tốc độ 25 hải lý/h (41 km/h); phạm vi hoạt động 9.500 hải lý (17.600 km) với tốc độ 33 km/h, tổng biên chế 1.894 người, chuyên chở thêm 1.208 lính thủy đánh bộ.
Năng lực chuyên chở máy bay của các tàu đổ bộ lớp Wasp bao gồm: 6 chiếc máy bay phản lực cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier II, 4 máy bay trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra, 12 máy bay trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc 4 chiếc máy bay vận tải cánh quạt lật MV-22 Osprey, 4 máy bay trực thăng CH-53 Sea Stallion, 3-4 trực thăng UH-1N Huey.
Trước đó, hôm 1/2/2014, lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản đã quyết định nhập khẩu tàu đổ bộ tấn công LHD-2 USS Essex lớp Wasp của Mỹ nhằm tăng cường bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phía Tây Nam gần Okinawa.
USS Essex được mệnh danh là "cá sấu thép" (Steel Alligator), có khả năng sẽ về đến Nhật Bản trước năm 2018. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có kế hoạch thay đổi một loạt các trực thăng vận tải cũ kỹ Huey bằng việc mời thầu một số công ty nước ngoài.
Tàu USS Essex Nhật Bản sắp mua của Mỹ
Thời gian vừa qua, Nhật Bản đã có các động thái nhằm nới lỏng chính sách "cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự", nâng cao quyền hạn của lực lượng phòng vệ như cho phép Nhật Bản được tham chiến và có quyền phòng vệ tập thể với các cuộc chiến của đồng minh dù không liên quan đến Nhật Bản.
Với những nới lỏng đầy tính cấp thiết này cùng với sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một cường quốc quân sự kiểu Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vì sao là tàu đổ bộ tấn công?
Vì sao Nhật Bản tập trung vào tàu đổ bộ tấn công hiện đại, có thể đáp ứng được cùng lúc nhiều nhiệm vụ? Trước hết, xét về đối thủ của Nhật Bản là Trung Quốc, hải quân của quốc gia này đang có sự gia tăng sức mạnh chóng mặt, trong đó, một hạng mục rất được Bắc Kinh đầu tư là đổ bộ chiếm đảo.
Việc góp sức của hàng loạt tàu đổ bộ cỡ lớn như Tỉnh Cương Sơn, kết hợp với việc Trung Quốc mua công nghệ sản xuất tàu đổ bộ đệm khí Zubr lớn nhất hành tinh của Ukraine đã cho thấy dã tâm của Bắc Kinh trong cuộc chiến giành đảo với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền.
MV-22 Osprey trên tàu đổ bộ Osumi của Nhật Bản
Đáp lại, Nhật Bản với tiêu chí không gây chiến trước buộc phải chuẩn bị một cách chủ động nhất việc giành lại các đảo của mình bị chiếm. Để thực hiện được điều này, Nhật Bản sử dụng sức mạnh không quân và hải quân để triển khai một cách nhanh chóng các lực lượng tái chiếm.
Về không quân, các trực thăng MV-22 Osprey được biên chế trong các căn cứ quân sự tại Okinawa hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu của chiến sự. Tokyo hoàn toàn có thể yên tâm bởi tính khả dụng của Osprey bởi nó đã được chính Quân đội Mỹ kiểm chứng trong nhiều cuộc chiến mà nước này tham gia trên toàn cầu.
Nhưng để đảm bảo sự hoạt động một cách hiệu quả và kết hợp nhịp nhàng không - hải quân, các tàu đổ bộ đa nhiệm sẽ phải tham gia vào cuộc chiến này tích cực hơn. Đó là lý do vì sao Nhật Bản đóng mới hàng loạt tàu khu trục mang trực thăng lớp Izumo, cải tiến khu trục lớp Hyuga, lớp Osumi (tiêu biểu là tàu JDS Kunisaki vừa đến thăm Việt Nam hồi tháng 6). Các tàu chiến này vừa có khả năng mang trực thăng đổ bộ, vừa có khả năng vận tải tàu đổ bộ đệm khí, xe lội nước, và binh sĩ.
Với tiềm lực của nền kinh tế thứ ba thế giới và nền khoa học công nghệ hiện đại, việc sở hữu những khí tài mang tiêu chuẩn Mỹ này hoàn toàn nằm trong khả năng của Nhật Bản.