Những lựu pháo kéo uy lực nhất và...đắt nhất thế giới

Hải Dương |

(Soha.vn) - Lựu pháo kéo hiện vẫn là vũ khí không thể thiếu trong tác chiến hiệp đồng binh chủng của mọi quân đội trên thế giới.

Dưới đây là một số lựu pháo kéo hiện đại có tính năng chiến đấu được đánh giá rất cao và dĩ nhiên đi kèm cũng là mức giá rất khủng khiếp.

1. M-777 155 mm: 4,5 triệu USD

Thông số cơ bản: trọng lượng 3.420 kg; dài 10,7 m khi chiến đấu, 9,5 m khi hành quân; nòng dài 200 inches (5,08 m); khẩu đội 8 người; góc nâng hạ 00 - +71,70; tốc độ bắn tối đa 5 phát/phút, trung bình 2 phát/phút; tầm bắn 24 km với đạn M-107, 30 km với đạn tăng tầm, 40 km với đạn Excalibur.

Lựu pháo kéo nòng dài 155 mm M-777 là sản phẩm của BAE Systems, được sản xuất nhằm mục đích thay thế pháo 155 mm M-198 đời cũ. M-777 chính thức ra mắt năm 2005, hiện đang phục vụ trong biên chế Quân đội Mỹ, Canada và Australia.

M-777 nổi lên như một hình mẫu phát triển pháo binh của thế giới với những ưu điểm nổi trội như nhẹ, kết nối thông tin và tầm bắn xa cực kì chính xác. Nhờ chủ yếu sử dụng hợp kim nhôm và titan nên M-777 có trọng lượng rất nhẹ so với các lựu pháo nòng dài cỡ 155 mm khác, có thể dễ dàng vận chuyển bằng trực thăng MH-60 thậm chí chỉ cần một chiếc HUMVEE để kéo. Dù có khối lượng nhẹ nhưng độ ổn định khi bắn vẫn đảm bảo nhờ cơ cấu cân bằng với nòng pháo đặt thấp.

M-777 được trang bị hệ thống điều khiển bắn kỹ thuật số tương tự pháo tự hành M-109A6 Paladin giúp tự động hóa việc nhận lệnh bắn và khai hỏa chính xác, cung cấp dữ liệu, định vị vị trí thông qua GPS/INS. Tọa độ sẽ được truyền gửi thông qua máy bay chiến đấu, UAV hay những thiết bị khác, thậm chí màn hình trên M-777 cũng có thể được sử dụng để gửi tin nhắn tới các khẩu pháo khác.

2. 2A65 Msta-B 152 mm: 1,2 triệu USD

Thông số cơ bản: trọng lượng 6.800 kg; khẩu đội 6 - 11 người; góc nâng hạ -3,50 - +700; tốc độ bắn tối đa 8 phát/phút; tầm bắn 24,7 km, sơ tốc 828 m/s với đạn OF-45 hoặc 28,9 km với đạn tăng tầm.

Lựu pháo xe kéo 2A65 152 mm còn được gọi với cái tên M-1987 (năm tình báo NATO phát hiện sự xuất hiện của loại pháo này trong biên chế Quân đội Liên Xô) hiện chỉ phục vụ trong Quân đội Nga và các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. 2A65 cũng thường được gọi là Msta-B vì dùng cùng loại nòng với pháo tự hành 152 mm 2S19 Msta-S (Chữ B trong Msta-B viết tắt của Buksiruemyi nghĩa là “được kéo”).

Pháo 152 mm 2A65 đặt trên khung bệ có 2 bánh xe để di chuyển, khi tác chiến 2 càng được hạ xuống còn trục thủy lực ngay dưới bệ pháo sẽ được nâng lên, như vậy cơ cấu ổn định dựa trên 3 điểm là trục thủy lực và 2 càng pháo. Ở mỗi bên càng có 1 bánh xe nhỏ dùng để di chuyển tới vị trí bắn, khi đã ổn định phần tử bắn thì bánh xe sẽ được gập 1800 lên thân càng.

Nòng pháo 2A65 lắp loa giảm giật 3 khoang và cơ chế nạp bán tự động với đầu đạn và liều phóng riêng rẽ, ngoài ra pháo còn được lắp thiết bị giảm giật thủy lực và bộ phận làm mát bằng chất lỏng. 2A65 Msta-B bắn đạn OF-45 nặng 43,56 kg đi kèm liều phóng OF-72 (bắn tầm xa), OF-58 (liều đủ) hoặc OF-73 (liều giảm), đạn pháo OF-45 có thể gắn thiết bị đẩy để tăng tầm bắn lên 28,9 km. Ngoài ra Msta-B còn bắn được các loại đạn cũ của pháo xe kéo D-20 152 mm và pháo tự hành 2S3 Akatsya.

3. FH-2000 155 mm: 4,5 triệu USD

Thông số cơ bản: trọng lượng 13.200 kg; dài 12,9 m (khi tác chiến); rộng 9,73 m (khi tác chiến); nòng dài 8,06 m; khẩu đội 6 người; góc nâng hạ -30 - +700, góc xoay ngang +200; tốc độ bắn 6 phát/3 phút; tầm bắn hiệu quả 19 km với đạn M-107, 40 km với đạn tăng tầm ERFB.

Lựu pháo kéo bán tự hành FH-2000 (Field Howitzer 2000) là sản phẩm của ST Kinetics, Singapore được thiết kế từ năm 1990 và chính thức đi vào phục vụ năm 1993. Pháo được trang bị một động cơ diesel phụ trợ công suất 75 mã lực (56 kW) cho phép tự di chuyển với tốc độ 10 km/h.

FH-2000 có một số cải tiến so với người tiền nhiệm FH-88 trong đó đáng kể nhất là nòng dài gấp 52 lần đường kính so với 39 lần của FH-88. Khi bắn, pháo ổn định thông qua 3 điểm tựa gồm xi lanh thủy lực và 2 càng pháo. FH-2000 được trang bị hệ thống ngắm bắn quang điện kết hợp với máy tính điều khiển hỏa lực và hệ thống nạp đạn bán tự động thông qua tay cần.

Mặc dù được đánh giá rất hiện đại tuy nhiên đã có một tai tạn xảy ra với pháo FH-2000 trong lần thử nghiệm tại New Zealand khiến 2 người chết và 12 người bị thương khi đạn pháo phát nổ trong nòng, nguyên nhân được xác định do ngòi nổ của đạn bị lỗi. Hiện tại Singapore đã xuất khẩu FH-2000 cho Indonesia và đang xúc tiến để bán phiên bản IFH-2000 cho Ấn Độ.

4. TRF-1 155 mm: 2 triệu USD

Thông số cơ bản: trọng lượng 10.520 kg; dài 8,75 m khi hành quân, 10 m khi tác chiến; rộng 3,09 m khi hành quân, 8,4 m khi tác chiến; nòng dài 6,2 m; khẩu đội 8 người; góc nâng hạ -60 - +660, góc xoay ngang 270 trái/380 phải; tốc độ bắn 3 phát/15 giây, 6 phát/2 phút (nòng pháo cần thời gian làm mát); tầm bắn tối đa 24 km với đạn thường, 33 km với đạn tăng tầm.

Lựu pháo kéo bán tự hành 155 mm TRF-1 của Pháp được thiết kế trong giai đoạn 1980 - 1987 bởi Giat để thay thế lựu pháo M-50 đời cũ, ước tính có khoảng 145 khẩu đã được sản xuất. TRF-1 sử dụng nòng pháo L/40 chuẩn NATO cho tầm bắn hiệu quả 24 km với đạn thường, 18,5 km với đạn M-107 hoặc 32,9 km khi bắn đạn tăng tầm ERFB, tầm hiệu quả khi bắn trực tiếp đạt 2 km.

TRF-1 thường được kéo bởi xe tải 6x6, tốc độ hành quân tối đa trên đường nhựa đạt khoảng 80 km/h, ngoài ra pháo còn có thể tự di chuyển với tốc độ 8 km/h mà không cần kéo nhờ động cơ phụ trợ. TRF-1 đã được Pháp xuất khẩu cho Cộng hòa Cyprus và Saudi Arabia. Hiện nay trong Quân đội Pháp, TRF-1 đang dần được thay thế bằng pháo tự hành Caesar 155 mm.

Lựu pháo M-777 tại chiến trường Afghanistan

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại