Việt Nam biến lựu pháo M2A1 Mỹ thành vũ khí huyền thoại

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, lựu pháo M2A1 của Mỹ đã được Việt Nam cải tiến thành công, tiếp tục là pháo chủ lực cấp chiến dịch của quân đội ta.

“Lấy vũ khí địch đánh địch” là một phương châm xuyên suốt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng sáng tạo phương châm này, chúng ta đã cải tiến được nhiều vũ khí chiến lợi phẩm, biến chúng thành phương tiện phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền. Loạt bài NGHỆ THUẬT CẢI TIẾN VŨ KHÍ CHIẾN LỢI PHẨM CỦA VIỆT NAM sẽ giúp độc giả hiểu thêm về tài hoa và sáng tạo, mồ hôi và máu của những người thực hiện công việc này.

Chiến binh giàu kinh nghiệm trận mạc

Trong lịch sử pháo binh thế giới hiếm có loại pháo nào có được lịch sử tham chiến dày dạn như lựu pháo M2A1. Loại pháo này ra đời từ năm 1920, cải tiến trong những năm 1930 và được sản xuất hàng loạt ngay trước chiến tranh thế giới. Lựu pháo M2A1 được xếp vào loại vũ khí hạng nặng cấp tiểu đoàn dã chiến, được quân đội Mỹ sử dụng trong toàn bộ thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, M2A1 tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Triều Tiên, Grenada.

M2A1 có càng pháo có thể xếp, mở, thiết bị chống giật khí thủy lực, khóa nòng trượt theo phương ngang. Hai càng pháo có tác dụng để tăng độ ổn định cho pháo và để kéo pháo đi khi hành quân. Khối lượng pháo: 2030 kg, chiều dài nòng pháo:2,31 mét, góc tầm từ -5 đến +66 độ; góc hướng: 46 độ. Kiểu và khối lượng đạn: đạn nổ mảnh/14,97kg, sơ tốc đầu nòng: 472m/s, tầm bắn tối đa 11, 2km.

Vì tính ưu việt về cấu tạo và hiệu quả chiến đấu mà cho đến ngày nay lựu pháo M2A1 đã có mặt trong lực lượng quân đội 67 quốc gia khác nhau.

Chiến công oai hùng của pháo binh Việt Nam

Lịch sử tham chiến của M2A1 ở Việt Nam là một trường hợp hết sức đặc biệt khi nó được sử dụng từ rất sớm và ở cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong kháng chiến chống Pháp, trước khi diễn ra trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Việt Nam đã thành lập Trung đoàn pháo binh 45 với khoảng 20 khẩu lựu pháo 105mm do Trung Quốc viện trợ cùng 4 khẩu chiếm được của quân Pháp. Số pháo được viện trợ chính là M2A1 do Mỹ viện trợ cho Trung Hoa Quốc dân đảng, sau đó được Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa thu giữ.

Quân Pháp tại Điện Biên Phủ trang bị 24 khẩu M2A1 105mm, 4 khẩu M114 155mm, 28 khẩu cối 120mm.

Trung đoàn pháo binh 45 sau bao nhiêu vất vả, phải kéo pháo vào rồi kéo pháo ra theo phương châm đánh chắc thắng chắc đã trút bão lửa lên đầu giặc, góp công lớn cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo một số tài liệu, trong trận chiến ở Điện Biên Phủ, quân Pháp đã bắn hết hơn 110.000 đạn pháo cỡ 105mm trở lại. Trong khi đó, quân ta chỉ bắn hết khoảng 20.000 quả pháo 105mm.

 	Lựu pháo M2A1 105 mm của Trung đoàn 45 trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Lựu pháo M2A1 105 mm của Trung đoàn 45 trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, lựu pháo M2A1 vẫn đóng vai trò là loại pháo chủ lực cấp chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo cuốn Lịch sử pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1945-1975), tính đến tháng 2/1975, lực lượng pháo binh của ta có tổng cộng 34 trung đoàn, lữ đoàn và 17 tiểu đoàn pháo binh chủ lực với loại lựu pháo 105mm là phổ biến.

Về phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tính đến trước tháng 4/1975 có 33 tiểu đoàn lựu pháo M2A1 105 mm trong 11 đơn vị pháo binh sư đoàn và 5 tiểu đoàn thuộc các Quân đoàn, mỗi tiểu đoàn có 18 khẩu.

Ngay trong các chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Trị-Thiên, chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã chủ trương dùng vũ khí địch để đánh địch và đạt hiệu quả chiến đấu cao, trong đó nhiều nhất là lựu pháo M2A1.

Sau khi giành thắng lợi, cùng với số đã có từ trước, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục thu được nhiều lựu pháo M2A1 và nhanh chóng biến nó thành loại pháo chủ lực cấp chiến dịch.

Cải tiến nâng cao sức sống bền bỉ

Tuy số lượng pháo Quân đội Việt Nam thu được khá nhiều nhưng không hoàn toàn là nguyên vẹn. Trước khi rút chạy, địch đã đập phá, tháo gỡ các kính ngắm. Đặc biệt, qua quá trình khai thác, sử dụng, hiện nay số lượng cụm máy ngắm hướng M21A1 của pháo 105mm bị hư hỏng là khá lớn. Trong khi đó, chúng ta lại không có nhiều chi tiết dự phòng để thay thế nên ảnh hưởng đến tính đồng bộ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của pháo binh.

Trước tình hình đó, năm 2012, các cán bộ nhà máy Z133 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã tiến hành nghiên cứu cải tiến thành công cụm máy ngắm hướng M21A1. Quá trình thiết kế gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống đo lường của máy ngắm M21A1 sử dụng đơn vị theo tiêu chuẩn tiêu chuẩn của Anh, tất cả các mối lắp ghép của cụm máy ngắm cũng sử dụng ren hệ Anh. Để thuận lợi cho sử dụng, các kỹ sư của Z133 thực hiện theo hướng chuyển toàn bộ các lắp ghép ren, các lắp ghép vòng sang tiêu chuẩn thông dụng, và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đến nay, Nhà máy Z133 đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ chế tạo máy ngắm hướng từ khâu tạo phôi đến gia công các chi tiết, cụm chi tiết; tổng lắp, hiệu chỉnh trên pháo…

Sản phẩm máy ngắm hướng cải tiến (ký hiệu M21A1CT) đã được chế tạo, thử nghiệm thành công và đã được sản xuất để đồng bộ cho các lô pháo 105mm sửa chữa lớn tại Nhà máy Z133, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí, trang bị.

 	Pháo M2A1 105 mm tiếp tục là pháo chủ lực cấp chiến dịch của Pháo binh Việt Nam

Pháo M2A1 105 mm tiếp tục là pháo chủ lực cấp chiến dịch của Pháo binh Việt Nam

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại