Nhà máy Z153 đột phá trong sửa chữa, nâng cấp tăng, thiết giáp

Vũ Xuân Dân |

Nhiều dây chuyền mới được lắp đặt, đưa vào sử dụng hiệu quả như: Dây chuyền sửa chữa động cơ diesel, động cơ xe TTG; dây chuyền chế tạo két mát của các loại xe tăng: T-54, K-63, PT-76, xe thiết giáp BMP-1...

Nhà máy Z153 (Tổng cục Kỹ thuật) là cơ sở kỹ thuật cấp chiến lược, thực hiện nhiệm vụ sửa chữa vừa, sửa chữa lớn xe tăng, thiết giáp (TTG); sửa chữa, sản xuất vật tư kỹ thuật (VTKT) phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật TTG của các đơn vị trong toàn quân và làm nhiệm vụ kinh tế.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhà máy đã đột phá vào làm chủ khoa học và công nghệ, bảo đảm VTKT, phục vụ sản xuất, sửa chữa.


Quân đội Việt Nam diễn tập phối hợp với tăng thiết giáp

Quân đội Việt Nam diễn tập phối hợp với tăng thiết giáp

Qua "cổng công nghiệp" của Nhà máy Z153 là khung cảnh sôi động, khẩn trương sản xuất, sửa chữa của cán bộ, công nhân kỹ thuật, bảo đảm tiến độ, chất lượng đáp ứng yêu cầu của các đơn vị và đối tác.

Đại tá Lê Xuân Khanh, Giám đốc nhà máy, cho biết: Tính đến tháng 11-2015, nhà máy đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, kế hoạch sửa chữa, sản xuất trong năm với trị giá sản lượng hàng hóa tăng 6,59% so với năm 2014.

Trong điều kiện VTKT đặc chủng khan hiếm, nhà máy đã có nhiều biện pháp khắc phục, hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho 50 xe TTG các loại; sửa chữa, đồng bộ 23 xe TTG; sửa chữa cơ động 28 máy, cụm chi tiết xe TTG...

Bên cạnh đó, nhà máy còn sản xuất 126 mặt hàng VTKT phục vụ kịp thời sửa chữa tại chỗ và sửa chữa cơ động ở các đơn vị.


Trung tướng Lê Quý Đạm, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, kiểm tra Nhà máy Z153, tháng 11-2015.

Trung tướng Lê Quý Đạm, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, kiểm tra Nhà máy Z153, tháng 11-2015.

Sửa chữa xe TTG là công việc rất khó khăn, trong điều kiện VKTBKT ngày càng xuống cấp, quá trình sửa chữa thường xuyên đòi hỏi cần có khoảng 2.000 chủng loại vật tư, phụ tùng khác nhau.

Nhà máy Z153 đã phát huy sự chủ động, sáng tạo của cán bộ, nhân viên tiến quân vào khoa học kỹ thuật, làm chủ dây chuyền công nghệ mới được đầu tư để hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ được giao.

Điển hình là việc tổ chức “Tổ khoa học trẻ” ở tất cả các phòng, phân xưởng, tạo ra phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sôi nổi.

Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ra đời đã góp phần khai thác hiệu quả các trang thiết bị, máy móc, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác và thu nhập cho người lao động.

Trung tá Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị nhà máy, cho biết: Chỉ tính trong 2 năm 2014 và 2015, nhà máy đã có 183 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị đạt hiệu quả thiết thực.

Trong đó, có 4 công trình, sáng kiến đoạt giải cấp Tổng cục Kỹ thuật, 2 công trình, sáng kiến đoạt giải nhì, ba cấp toàn quân là: Nghiên cứu, chế tạo xi-lanh dẫn động van ngăn nước động cơ xe PT-76 và nghiên cứu, chế tạo vòng găng chắn dầu ly hợp chuyển hướng xe BMP-1.

Theo giới thiệu của cán bộ nhà máy và trực tiếp quan sát, chúng tôi nhận thấy: Với sự quan tâm của cấp trên, Nhà máy Z153 đang được đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực sửa chữa xe TTG.

Nhiều dây chuyền mới được lắp đặt, đưa vào sử dụng hiệu quả như: Dây chuyền sửa chữa động cơ diesel, động cơ xe TTG; dây chuyền chế tạo két mát của các loại xe tăng: T-54, K-63, PT-76, xe thiết giáp BMP-1.

Đặc biệt là dây chuyền công nghệ thiết kế ngược (S-Cam3D) cho phép quét lại mô hình sản phẩm thật, sau đó máy tự động thiết kế mẫu, khuôn, lập trình gia công tự động vật tư, phụ tùng.

Các dây chuyền công nghệ mới này đều do cán bộ, nhân viên kỹ thuật còn rất trẻ vận hành.

Đây là biểu hiện cụ thể về sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, đồng thời thể hiện sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên trẻ trong tiếp cận, nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới.

Để thực hiện đột phá vào công tác bảo đảm VTKT phục vụ sản xuất và sửa chữa, cùng với huy động các nguồn cung của cấp trên, khai thác VTKT ngoài thị trường, biện pháp chủ động của Nhà máy Z153 là nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên, tích cực nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng phù hợp với công nghệ của nhà máy được trang bị.

Đến nay, nhà máy đã sản xuất, phục hồi được khoảng 30% VTKT thay thế trên xe.

Nhiều loại có hàm lượng khoa học kỹ thuật công nghệ cao như: Mắt xích xe tăng T-54, trục xoắn, hộp số xe tăng, các chi tiết kẹp chặt... đồng thời phục hồi được nhiều chi tiết cũ theo nguyên bản của xe như trục cân bằng, bánh tỳ, trục xoắn...

Tiếp tục đột phá vào làm chủ khoa học kỹ thuật và sản xuất VTKT phục vụ sản xuất, sửa chữa nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng phát triển của nhà máy thời gian tới.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy nhà máy, cho biết: Chủ trương của nhà máy là tiếp tục chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên.

Từng bước đầu tư lắp đặt, thay thế, khai thác, sử dụng hiệu quả dây chuyền công nghệ mới.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo đảm VTKT phục vụ tốt cho nhiệm vụ sửa chữa, sản xuất của nhà máy với các loại VKTBKT của quân đội có trong biên chế và các VKTBKT mới, hiện đại.

Đồng thời, tiếp tục phát huy năng lực sửa chữa, sản xuất phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao nguồn thu, cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại