Trong chiến công của Bộ đội Tên lửa Việt Nam qua nhiều năm tháng đối mặt với các chiến dịch tập kích đường không của không quân Mỹ, việc bảo đảm kỹ thuật cho hàng chục bộ khí tài tên lửa, với hàng trăm xe, máy rất khó khăn.
Chiến công của lực lượng kỹ thuật tên lửa thầm lặng, nhưng hiệu quả rất cao, đảm bảo hệ số chiến đấu cao cho các thành phần hết sức đa dạng từ hệ điều khiển, tính toán, thu phát, bệ phóng, cho tới radar, nguồn điện…
Xuất xứ từ Liên Xô, vùng ôn đới, khí tài vô tuyến điện tử của dòng tên lửa SAM-2 (S-75) rất “khó tính”. Về Bắc Việt Nam, khí hậu nhiệt đới, nồm, ẩm, mưa nhiều, lũ lụt , bão lốc triền miên, nhất là mùa mưa năm 1967 đến 1971…
Vậy mà hệ số kỹ thuật bảo đảm sẵn sàng chiến đấu của tên lửa S-75 rất tốt.
Hầu hết các hệ thống quan trọng của khí tài tên lửa thập kỷ 60 và 70 ở Việt Nam sử dụng đèn điện tử, dạng bóng thủy tinh chân không, sợi đốt. Không phải là các linh kiện bán dẫn, vi mạch, được hàn chắc, phủ keo “nhiệt đới hóa”, mô-đun hóa như bây giờ.
Mà đèn điện tử phải “cắm chân”, tủ máy, khối máy không được giảm xóc tốt như ngày nay.
Do nhu cầu tác chiến và chiến thuật đánh trả, các tiểu đoàn tên lửa thường xuyên phải cơ động. Đường cơ động dã chiến ở miền Trung, khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị rất xóc. Nhiều xe chiến đấu bị xô, đổ, khí tài hỏng là điều khó tránh khỏi.
Có một số phân đội phải lắp “đài thu phát nọ, với xe điều khiển kia”, có khi chỉ bảo đảm 1 đến 2 bệ, phóng đạn xong là lại cơ động, sơ tán. Chỉ tính trong năm 1972, các phân đội tên lửa phải cơ động chuyển trận địa 98 lần.
Một máy bay Mỹ bị tên lửa SAM-2 Việt Nam bắn tan xác.
Tên lửa bị ngập nước 10 ngày...
Câu chuyện về “bộ khí tài bị ngập lụt” trong bùn nước, ướt sũng trên 10 ngày của Trung đoàn tên lửa 261 vào tháng 8 năm 1971 là một điển hình về ý chí bảo đảm vũ khí cho chiến đấu.
Số là cuối mùa mưa năm ấy, nước sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê dâng cao, đê bờ bắc Gia Lâm - Đông Anh bị vỡ. Huyện Yên Phong, Thị xã Bắc Ninh (Hà Bắc) khi đó cũng ngập nước, tràn đồng, tràn đường.
Tiểu đoàn tên lửa 57 ở trận địa Đại Chu nằm giữa cánh đồng, trên đường từ chợ Chờ - Yên Phong về Bắc Ninh bị nước lụt tràn vào rất nhanh.
Cán bộ và chiến sĩ cùng nhân dân ra sức tôn cao nền xe, bệ phóng, đắp bờ ngăn nước tràn vào các ụ đất. Quân, dân vật lộn tới cả tuần, nhưng rồi “thủy tặc” đã tràn vào, nước dâng tràn qua cửa công sự.
Thế là toàn bệ phóng còn nguyên đạn, xe điều khiển, xe tính toán… chìm trong nước phù sa nâu đỏ. Khu trung tâm, nước ngập cao, tới hai phần ba thành xe khí tài.
Trung đoàn trưởng và Chủ nhiệm kỹ thuật phải trực tiếp xuống chỉ đạo khắc phục, giúp tiểu đoàn. Ngày chậm rãi qua đi, rồi nước cũng rút. Nước rút đến đâu, rửa, lau tạm kiểu thủ công đến đó.
Cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn 57 - những chiến binh quả cảm trong đánh máy bay Mỹ, phải ngậm ngùi nhìn “con ngựa chiến” dầm mình trong bùn nước, lòng xót xa buồn thấu ruột.
Họ cẩn trọng tháo cáp, gỡ từng khối máy lem nhem bùn, đưa lên chỗ cao bờ công sự hong khô.
Sau đó tỉnh Hà Bắc nhiệt tình cho thuyền lớn đến, chở các khối máy về núi Chờ để tạm. Vài hôm sau có xe chở về Bãi Trám (Đông Anh) xử lý tiếp. Khi nước rút nhiều, đường lộ ra, bùn trong trận địa ngập đến đầu gối.
Trong sàn xe, trong ca bin, bùn sệt cũng lênh láng chân tủ máy. Chưa bao giờ bộ khí tài vô tuyến gồm hàng chục xe đại xa, lại nhếch nhác “thảm thương” như thế.
Khoảng 10 ngày sau, đường khô dần, xe xích ATC, xe Kraz mới vào móc cáp lôi các bệ phóng đi, hướng về Đông Anh tạm trú.
Rồi chuyên viên kỹ thuật của cấp trên đến kiểm tra trực tiếp, nhìn tình cảnh khí tài vô tuyến ngập bùn, ẩm sịt, đều lắc đầu, cho rằng khó mà khôi phục lại để chiến đấu, vì bị ngập nước quá lâu.
Nhìn lý lịch bộ khí tài này đã có thời gian vận hành tích lũy cũng rất cao, trên 13.000 giờ! Có ý kiến, nên tháo dỡ các linh kiện, khối máy quý, về xưởng làm “linh kiện dự phòng”. Bộ khí tài của tiểu đoàn 57 đứng trước nguy cơ bị "rã thịt”.
Các kỹ sư, cán bộ ban kỹ thuật Trung đoàn 261 và Tiểu đoàn 57 xót xa, họp bàn và hạ quyết tâm khôi phục “đứa con” gắn bó với chặng đường chiến đấu của mình.
Được trên đồng ý, từ ban kỹ thuật tới từng cán bộ, kỹ thuật viên, trắc thủ của tiểu đoàn phân công nhau cặm cụi căng nhà bặt, dựng lán, nối điện. Một công trường khôi phục khí tài nhanh chóng hình thành.
Các xe “công trình xa”, trạm nguồn, vật tư, và cả xe Zip ( xe chứa linh kiện dự phòng) hội về quanh lán đủ.
Thời tiết nắng oi, nhà tạm không thắng được ý chí khôi phục khí tài. Theo quy trình bảo dưỡng, hàng ngàn chân đèn điện tử được rửa, lau, sấy. Đèn “chân tăm” được bảo quản, thử thông số từng chiếc.
Các mạch điện, khối máy, xen-xin (sensor - cảm biến), EMU (khuyếch đại điện-từ), động cơ chấp hành được mang ra phun nước, lau cồn, tra dầu mỡ thật chuẩn. Từng chi tiết trên cả ngàn mạch điện được đo cách điện cẩn thận.
Rồi lần lượt các khối máy được lắp ráp, từ phân đoạn tới tổng thể, nối điện, đo, chỉnh lấy tham số chuẩn.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (giữa) - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị QC PK-KQ.
... vẫn bắn rơi 11 máy bay Mỹ
Hà Nội vào mùa khô, tới giữa tháng 12 năm 1971, sau hơn 4 tháng miệt mài khôi phục, với sự cẩn trọng, cần cù, sáng tạo, cán bộ kỹ thuật của Trung đoàn và Tiểu đoàn 57 đã vui mừng giao máy cho kíp chiến đấu kiểm tra thông số.
Sau đó họ bước vào điều chỉnh các khối trong hệ thống khí tài SAM-2 theo tiêu chuẩn trực chiến. Sư đoàn 361 chuẩn y cho “57” vào trực chiến.
Thời cơ chiến đấu của 57 đã đến vào buổi chiều ngày 18 tháng 12 năm 1971. Hôm đó “57” đứng chân tại trận địa Cổ Loa.
Theo lệnh phát sóng của chỉ huy Trần Khắc Cần, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên đã kẹp tốp mục tiêu số 447 vào cánh sóng đài điều khiển ở cự ly khá xa.
Sau khi nghe trắc thủ 3 mặt phẳng tọa độ là Nguyễn Văn Hữu, Mè Văn Thi, Nguyễn Xuân Đài báo cáo ngắn gọn, Kiên đã ấn nút phóng quả đạn ở cự ly 22 ki-lô-mét.
Kíp chiến đấu đã điều khiển đạn bùng lên mục tiêu ở cự ly khoảng 20 ki-lô-mét. Chiếc F-4 này được xác nhận rơi ở Hồi Xuân.
Niềm vui bừng lên tiếng reo hò vang trận địa bên thành cổ. Vui hơn nhiều trận khác vì chỉ trước đó ít ngày, bộ khí tài trên 13.000 giờ mà các anh lập công vừa khôi phục sau sự cố ngập nước dài ngày.
Vui nữa là trận thắng ngày 18 tháng 12 năm 1971 có thể gọi là “cơ duyên” đánh dấu một trận hiệp đồng chiến đấu rất tốt giữa tên lửa và không quân.
Tốp máy bay địch mà kíp chiến đấu của Nguyễn Đình Kiên vừa tiêu diệt chính là tốp địch đang truy kích không quân ta sau khi hoàn thành nhiệm vụ đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.
Cũng là trận đầu lập công của “sĩ quan điều khiển” Nguyễn Đình Kiên, một sinh viên Đại học Nông nghiệp mới tròn 3 tuổi quân.
Bước sang năm 1972, sau ngày 16 tháng 4, Không quân Mỹ đánh thẳng vào Hà Nội, B-52 đánh vào Hải Phòng. Thủ đoạn gây nhiễu của không quân Mỹ nham hiểm hơn và cường độ nhiễu cũng nặng hơn nhiều.
Tới ngày 27 tháng 6, “bộ khí tài ngập lụt” lại có cơ hội. Từ 8 giờ sáng, đài nhìn vòng và mạng B1 thông báo, phương vị 220 có mục tiêu.
Nhiễu quá nặng, sĩ quan điều khiển không bắt được mục tiêu. Trên “chuồng cu” hai trắc thủ quang học PA-00, sử dụng kính TZK là Đoàn Văn Súc, Nguyễn Đình Thanh báo cáo, nhìn thấy mục tiêu và vê tay quay theo tầm nhìn.
Đồng bộ với xen-xin của 3 trắc thủ trong xe, kíp chiến đấu căn cứ vào tầm, hướng PA-00, thống nhất bám sát vào dải nhiễu và phóng đạn. Kiên phóng 2 quả đạn theo lệnh Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, tiếng reo hò vang lên từ 2 trắc thủ PA-00.
Chiếc F-4 rơi từ độ cao 4.000 mét xuống cánh đồng Đại Kim, Thanh Trì. “Bộ khí tài ngập lụt” lập công bắn rơi chiếc thứ 3.700 trên miền Bắc. Đây là chiếc máy bay đầu tiên được trên công nhận “bắn rơi tại chỗ” ngay trên Thành phố Hà Nội.
Tiếp đó, trong tháng 7 và tháng 9 năm 1971, Tiểu đoàn 57 lại bắn rơi thêm mấy chiếc máy bay F4 của Mỹ.
Tới ngày 5 tháng 9, sau khi cơ động trở lại trận địa Cổ Loa, Tiểu đoàn phóng đạn vào tốp 4 chiếc F-105, một quả tên lửa sơ-rai cao tốc đã lao thẳng vào trung tâm trận địa nổ tung, 1 đồng chí hy sinh 8 đồng chí bị thương, khí tài hỏng, đạn cháy.
Cán bộ chiến sĩ 57 dũng cảm lao vào dập lửa trên thân đạn. “Bộ khí tài ngập lụt” trên mình đầy thương tích, nhưng được cơ quan kỹ thuật nhanh chóng khôi phục, vào trực chiến tiếp.
Tới tháng 10, tiểu đoàn 57 cơ động về trận địa Đông Anh, đón đánh đường bay Tây Bắc Thủ đô. Kíp chiến đấu được tập huấn thành thạo về cách đánh máy bay, kể cả khi chúng phóng sơ-rai. Sang tháng 10, tiểu đoàn lại bắn rơi 2 chiếc nữa.
Thế là trước chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", 12 ngày đêm Tháng Chạp năm 1972, Tiểu đoàn 57 đã bắn rơi 6 máy bay, kể từ khi “bộ khí tài ngập lụt” được khôi phục.
Tại trận địa phía Tây Bắc Hà Nội này, chính cán bộ chiến sĩ “57” cũng không biết trước được, “bộ khí tài ngập lụt” của tiểu đoàn lại cùng họ tiếp tục giành chiến công hiển hách, bắn rơi 4 máy bay B-52 trong nhiễu cực nặng.
Có đêm “57” bắn rơi 2 chiếc, là đơn vị nêu cao tấm gương 1 đạn cũng bắn rơi B-52. “Bộ khí tài ngập lụt” cùng những chiến binh tiểu đoàn được tính đã bắn rơi nhiều B-52 nhất Trung đoàn 261.
"Bộ khí tài ngập lụt" đã bắn rơi 11 máy bay, trong đó có 4 siêu pháo đài bay B-52 của Mỹ. Ảnh minh họa.
Tiểu đoàn 57 là đơn vị góp chiến công đặc biệt xuất sắc trong 12 ngày đêm Tháng Chạp 1972. Đảng và Nhà nước đã tặng Tiểu đoàn 57 Huân chương Quân công Hạng Nhất. Có 2 Anh hùng LLVTND đã lập công xuất sắc từ bộ khí tài “huyền thoại” này.
Những cán bộ kỹ thuật của Trung đoàn 261 và Tiểu đoàn 57 thấy rõ mình trong chiến công chung.
Được biết, trước mùa mưa bão năm 1971, “Bộ khí tài ngập lụt” cũng đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ.
Như thế, kể từ khi hồi sinh sau lụt năm 1971 đến kết thúc chiến tranh phá hoại của Mỹ, trong 16 tháng bộ khí tài này đã bắn rơi thêm 11 chiếc nữa, trong đó có 4 pháo đài bay B-52. Tổng số là 12 máy bay Mỹ bị “nó” tiêu diệt.
Trong tay các chiến binh tên lửa quả cảm, tài trí Việt Nam, tên lửa SAM-2, khí tài mang tên dòng sông Đơ-vi-na (Dvina) nước Nga đã rạng danh Thế giới, qua 8 năm đối kháng quyết liệt với KQ Mỹ - “Không lực” xếp vào hàng mạnh nhất Thế giới lúc bấy giờ.