Nga đã biến Crimea thành pháo đài như thế nào?

Tùng Dương |

Crimea và thủ phủ Sevastopol trở thành một phần của Liên bang Nga từ tháng 3/2014.

Bất chấp việc Kiev và phương Tây phản đối việc sáp nhập, Nga liên tục tăng cường khí tài quân sự, nhằm biến bán đảo này thành pháp đài bảo vệ nước Nga từ hướng Biển Đen.

Căn cứ Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol

Moscow khẳng định “Crimea là một phần lãnh thổ nước Nga”

“Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, không thể có bất cứ cuộc thương lượng nào với bất cứ ai về tương lai của bán đảo này”, tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 7 vừa qua được xem là minh chứng đanh thép nhất của Moscow đối với phần lãnh thổ mới nhất của Liên bang Nga – bán đảo Crimea.

Theo đó, nước Nga khẳng định sẽ “hành động phù hợp với học thuyết an ninh quốc gia” trong trường hợp một cuộc xâm lược vào lãnh thổ đất nước”, trong đó bao hàm cả bán đảo Crimea.

Để thực hiện điều đó, Moscow khẳng định sẽ tập trung đầu tư tối đa để nâng cao tiềm lực quốc phòng của Crimea với mục tiêu đến năm 2016 sẽ xây dựng hạm đội biển Đen thành một hạm đội cực mạnh để đối phó với Mỹ và NATO và sau 6 năm tới, cơ sở hạ tầng quân sự ở Crimea sẽ phát triển theo tiêu chuẩn hiện đại nhất của Nga.

Theo kế hoạch nâng cao tiềm lực phòng thủ cho bán đảo Crimea, các đơn vị đóng quân trên bán đảo sẽ nhận được vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại, Hạm đội biển Đen sẽ đổi mới thành phần tàu chiến, gồm cả tàu mặt nước và tàu ngầm, cùng với lực lượng không quân của hải quân, trước đây từng bị Ukraine cản trở hiện đại hóa.

Nga đang biến Crimea thành pháo đài như thế nào?

Tháng 6, Tư lệnh Không quân Nga, tướng Viktor Bondarev cam kết, sẽ nâng cấp tất cả các sân bay quân sự ở Crimea đạt “tầm cao mới” và tất cả các sân bay sẽ được hiện đại hóa trước khi kết thúc năm 2014.

“Trên lãnh thổ Liên bang Nga, chúng tôi có quyền sử dụng tất cả các sân bay ở khắp mọi nơi, chúng tôi sẽ đưa các sân bay Crimea lên cấp độ thứ nhất và sẽ vận hành những phi trường này”, tướng Viktor Bondarev tuyên bố.

Tháng 7, Bộ Quốc phòng Nga hoàn tất Cụm hậu cần vật chất kỹ thuật của Lực lượng Vũ trang Nga ở Crimea.

Đại tướng Dmitry Bulgakov, Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, Cụm hậu cần bao gồm các bộ phận cố định và cơ động, trong đó phần cố định là Trung tâm đảm bảo của Hạm đội Biển Đen với hệ thống các cơ sở và kho chứa, phần cơ động gồm lữ đoàn biệt lập đảm bảo hậu cần.

Thượng nghị sĩ James Inhofe của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trong họp của Nghị viện Mỹ tháng 9 tiết lộ rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng 8 đã công bố phê chuẩn bố trí tên lửa tầm ngắn Iskander-M có đầu đạn hạt nhân cùng nhiều oanh tạc cơ Tu-22 có sức mạnh hạt nhân ở Crimea, nằm trên biển Đen.

Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng việc triển khai hạt nhân của Nga ở Crimea mô tả “hành động xé nát rõ ràng và không thể thu hồi được” thỏa thuận năm 1997 giữa NATO và Nga rằng cho phép Nga duy trì sự hiện diện quân sự bên trong khối liên minh này.

Theo Washington, các kế hoạch bố trí hạt nhân và sự vi phạm hiệp ước của Nga lẽ ra phải được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh gần đây của NATO, nhưng điều này lại không diễn ra.

Ngày 23/9, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, Phó Đô đốc Alexander Vitko, cho biết đến năm 2020, Chính phủ Nga sẽ tăng cường cho Hạm đội Biển Đen thêm 80 tàu chiến mới và sẽ hoàn thành căn cứ hải quân thứ hai cho Hạm đội này tại vùng biển gần thành phố Novorossiysk vào cuối năm 2016.

Báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông tới thăm thành phố cảnh Novorossiysk, Phó Đô đốc Alexander Vitko cho biết căn cứ thứ hai cho Hạm đội Biển Đen là rất cần thiết và nó sẽ cùng với căn cứ chính của Hạm đội này ở bán đảo Crimea góp phần bảo đảm an ninh cho Liên bang Nga trước những mối đe dọa của việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang mở rộng về phía Đông.

Phó Đô đốc Vitko cũng cho biết những tàu chiến mới sẽ cập cảng Novorossiysk trước năm 2020 và tới khi đó, Hạm đội Biển Đen sẽ có tổng cộng 206 tàu chiến các loại. Ngoài ra, căn cứ mới ở Novorossiysk sẽ được trang bị bảy tàu ngầm mang tên lửa có cánh với tầm bắn tới 1.500km.

Ngày 4/10, Trung tướng Alexander Golovko, Tư lệnh Các lực lượng phòng không vũ trụ Nga tuyên bố, hệ thống radar Dnepr sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trực chiến tại Sevastopol vào năm 2016.

Trung tướng Alexander Golovko tuyên bố, hệ thống radar Dnepr được trang bị các thiết bị radar hiện đại, nâng cấp tổ hợp vi tính, các hệ thống kỹ thuật và công nghệ.

Ngoài ra, theo lời Trung tướng các hệ thống điều khiển thiết bị vũ trụ của Liên bang Nga cũng sẽ được đưa vào hoạt động trên bán đảo Crimea.

Đầu tháng 11, các tàu ngầm mới cho Hạm đội Biển Đen Nga đã được khởi công xây dựng trong một buổi lễ đặc biệt với sự có mặt của Phó Tư lệnh Hải quân Nga.

Xưởng đóng tàu JSC Admiralty cho biết, các tàu ngầm đóng mới cho Hạm đội Biển Đen là tàu Veliky Novgorod và tàu Kolpino. Cả hai tàu đều sử dụng năng lượng điện-diezel, có tính năng tàng hình âm học và được tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu từ xa.

Ngoài ra, hai tàu còn có hệ thống định vị quán tính và hệ thống quản lý thông tin tự động hóa.

Veliky Novgorod và Kolpino thuộc lớp tàu ngầm thế hệ mới Varshavyanka, có thiết kế trên cơ sở dựa trên các tàu của những năm 1980.

Có tổng cộng 6 tàu ngầm lớp Varshavianka sẽ được trang bị cho Hạm đội Biển Đen.

Novorossiysk, chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Varshavyanka (còn có tên lớp 636) đã được chuyển giao cho Hải quân Nga từ hôm 21/10.

Chiếc thứ hai có tên Rostov-on-Don đang trong quá trình thử nghiệm trên biển và dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.

Ngày 26/11, Moscow thông báo kế hoạch triển khai thêm máy bay chiến đấu tới bán đảo Crimea.

4 chiếc máy bay chiến đấu, bao gồm các mẫu Su-27SM và Su-30 thế hệ thứ tư dự kiến sẽ hạ cánh tại căn cứ không quân Belbek.

Chiến đấu cơ Nga hiện diện ở Crimea

Đại úy Vyacheslav Trukhachev, phát ngôn viên của Hạm đội Biển Đen của Nga cho biết, có 10 chiếc Su-27SM đã được nâng cấp và 4 chiếc Su-30. Tất cả đều là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư.

Theo Trukhachev, trong số này có 4 chiếc là máy bay mới được sản xuất.

“10 chiếc máy bay đã đạt được số giờ bay nhất định, đang được duy trì ở tình trạng tốt và giờ sẽ thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Crimea. Số máy bay này được chuyển tới theo chương trình triển khai đội ngũ chính thức của lực lượng vũ trang Nga”, Đại úy Vyacheslav Trukhachev cho biết.

Tháng 12, quan chức Crimea cho biết, lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đóng tại Crimea vừa tiếp nhận hệ thống phòng không tầm xa S-300PMU được chuyển tới từ Bộ Quốc phòng Liên bang.

Hệ thống phóng không S-300PMU

“Với việc trang bị S-300PMU, có thể khẳng định rằng, bán đảo Crimea đã tạo ra một hệ thống phòng thủ đầy đủ, giúp cho việc đảm bảo an ninh, cũng như bảo vệ phương tiện của Hạm đội Biển Đen từ trên không”, RIA Novosti dẫn nguồn tin cho biết.

Theo đó, hệ thống S-300PMU được cho là giúp lực lượng vũ trang Nga tại Crimea đối phó những cuộc tập kích ồ ạt của các loại máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật, ban ngày cũng như ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại