Nga có thể cứu lực lượng không quân đang ngày một già nua?

Nhật Huy |

Theo Robert Beckhusen, Không quân Nga đứng thứ 2 thế giới về phương tiện chiến đấu nhưng đa số đã có từ thời Chiến tranh Lạnh và đang ngày một lạc hậu.

Hãng tin Reuters đăng bài viết của tác giả Robert Beckhusen đề cập tới thực trạng Không quân Nga và những thách thức mà Moscow đang phải đối mặt trong quá trình hiện đại hóa không quân.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Không quân Nga mạnh nhưng đang già nua

Ngày 3/3 vừa qua, 7 chiến đấu cơ Nga cất cánh từ sân bay quân sự Novofederovka tại Crimea và hướng về vị trí của 2 tàu chiến của khối NATO trên Biển Đen, gồm tàu tuần dương tên lửa Vicksburg - Mỹ và khinh hạm Tugutreis - Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông nhà nước Nga gọi đây là một bài hoạt động huấn luyện trinh sát, trong đó các chiến đấu cơ tìm cách theo dõi tàu chiến từ khoảng cách an toàn.

Những phi vụ như vậy đang trở nên ngày một phổ biến hơn kể từ sau cuộc chiến tại Ukraine.

Máy bay Nga tiếp cận tàu chiến hoặc không phận các nước thành viên NATO để trinh sát hoặc diễn tập các tình huống tấn công.

Chỉ trong vòng 1 năm, số lần máy bay Nga áp sát biên giới các nước thành viên NATO đã tăng gấp 3 lần.

Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn tần suất các tình huống tương tự diễn ra hàng tuần trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đối với phương Tây, đây tất nhiên là một xu hướng đáng lo ngại.

Không quân Nga hiện đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng phương tiện, với gần 2.500 máy bay, trong đó hơn 70% là ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

beckhusen-top

Một chiếc Su-30SM của Không quân Nga tại triển lãm MAKS 2013

Không như quân chủng hải quân, với vai trò giờ đây chủ yếu gói gọn trong việc phòng thủ lãnh hải, Không quân Nga vẫn có khả năng phô diễn sức mạnh trên quy mô toàn cầu.

Nó sở hữu lực lượng máy bay ném bom chiến lược lớn thứ 2 trên thế giới, có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân đến mục tiêu cách xa hàng nghìn kilomet.

Tuy nhiên, Không quân Nga cũng phải đối mặt với những vấn đề chung của quân đội nước này. Trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, đa số phương tiện đã có từ thời Chiến tranh Lạnh và đang ngày một lạc hậu.

Những máy bay mới vẫn được bổ sung nhưng với số lượng rất ít. Trong tương lai, quy mô Không quân Nga dự kiến sẽ ngày càng thu hẹp.

Nguồn gốc những vấn đề này là do sự sụp đổ của Liên Xô. Những nhà máy sản xuất máy bay và trang thiết bị hàng không bị đóng cửa hoặc trở thành thành sở hữu của quốc gia khác, chủ yếu là Ukraine.

Nhiều kỹ sư có năng lực và kinh nghiệm nghỉ hưu hoặc di cư.

Từ năm 2003 trở về trước, Nga không mua thêm máy bay mới và cũng tạm dừng phần lớn các hoạt động thao diễn.

Vì vậy nước này giờ đây phải rất nỗ lực để bù đắp cho quãng thời gian đó. Hiện đại hóa không quân là ưu tiên hàng đầu của Moscow, không chỉ mua sắm máy bay mới mà nâng cấp những phương tiện hiện có.

Phóng viên Quốc phòng, từng cộng tác với The Daily Beast
Robert Beckhusen
Không quân Nga đứng thứ 2 thế giới về số lượng phương tiện nhưng đa số đã có từ thời Chiến tranh Lạnh và đang ngày một lạc hậu. Trong tương lai, quy mô không quân Nga dự kiến sẽ ngày càng thu hẹp.

Thách thức trong nỗ lực hiện đại hóa không quân

Trong năm 2014, Nga chi ra hơn 1 tỷ USD chỉ riêng cho việc nâng cấp các hệ thống điều khiển và tác chiến điện tử cho máy bay.

Theo nhà nghiên cứu Dmitry Gorenberg, tổng cộng, Nga dự kiến chi 4 nghìn tỷ rúp (130 tỷ USD) cho đến năm 2020 để hiện đại hóa không quân.

Đặc biệt, kế hoạch này sẽ tập trung vào năng lực sản xuất trong nước. Tuy nhiên sẽ có những thách thức không nhỏ mà Nga sẽ phải tìm cách vượt qua.

Thách thức đầu tiên nằm ở khả năng hạn chế của ngành công nghiệp chế tạo vi xử lý tại Nga.

Tầm quan trọng của nó tuy ít được công chúng biết đến nhưng lại đóng một vai trò không thể thiếu trong chiến đấu cơ hiện đại.

Không có sức mạnh xử lý này, những công nghệ hiện đại như radar, cảm biến nhiệt…sẽ không thể phát huy tác dụng.

Phát triển năng lực sản xuất quốc phòng nội địa hiện là một vấn đề rất cấp bách với Nga.

Một lượng lớn vũ khí của nước này đến từ Ukraine và cuộc chiến tại đây đang làm gián đoạn nguồn cung quan trọng này.

Một ví dụ là công ty quốc phòng quốc doanh Ukroboronprom của Ukraine từng là nơi cung cấp nhiều động cơ trực thăng cho Nga cho đến trước năm ngoái.

Cơ sở vật chất của Nga không đủ khả năng sản xuất số lượng động cơ cần thiết cho chương trình nâng cấp trực thăng của nước này. Vì vậy, đa số động cơ trước đây được nhập từ Ukraine.

Ukraine cũng cung cấp hơn phân nửa số bộ phận của máy bay vận tải hạng nặng An-124, một sản phẩm hợp tác giữa Nga và Ukraine.

Một trong những nhà máy sản xuất trang thiết bị hàng không lớn nhất của Ukraine nằm ở Zaporizhia, gần vùng chiến sự, cũng từng là một nhà cung cấp quan trọng cho Không quân Nga.

Nhiều thiết bị phụ trợ, như các hệ thống thủy lực, dù hãm trang bị trên Su-27, Su-30, Su-35, Su-34 của Nga cũng do Ukraine sản xuất.

Russian Air Force Su-34 fighter-bombers take part in a military parade during celebrations marking Independence Day in Minsk

Các máy bay ném bom Su-34 trong một buổi duyệt binh

Cả 4 loại chiến đấu cơ trên là những phương tiện hiện đại nhất của Không quân Nga hiện nay và đều rất tương đồng, mặc dù động cơ và hệ thống điện tử có một số khác biệt.

Tuy nhiên, chúng lại đang do 2 công ty khác nhau, Irkut and KnAAPO, cùng sản xuất.

Lý do của sự trùng lặp này là do Nga cần duy trì nền tảng của ngành công nghiệp quốc phòng của mình trong điều kiện không có đủ các đơn hàng quốc tế.

Chương trình T-50, phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 của Nga, cũng không phải không gặp khó khăn.

Chính phủ Nga không công khai về các vấn đề gặp phải nhưng Ấn Độ, đối tác của Nga trong chương trình này, vẫn luôn theo dõi chặt chẽ tiến độ của T-50 và có những quan ngại của riêng mình.

Ấn Độ đã đóng góp 5 tỷ USD cho chương trình và có kế hoạch mua 200 chiếc. Nước này rất cần những chiến đấu cơ thế hệ 5 để đối phó với Trung Quốc, nước cũng có chương trình J-20 của riêng mình.

Ngoài T-50, J-20 thì loại chiến đấu cơ thế hệ 5 duy nhất có sẵn trên thị trường là F-35 nhưng lại có giá quá cao đối với Ấn Độ.

Tiêm kích tàng hình thế hệ năm T-50

Tiêm kích tàng hình thế hệ năm T-50

Song theo tờ Business Standard của Ấn Độ, dựa trên biên bản một cuộc họp năm 2013 của các sĩ quan cao cấp của không quân nước này, động cơ T-50 bị đánh giá là kém tin cậy, radar không đủ hiệu năng và thiết kế tàng hình có nhiều khiếm khuyết.

Nga cho đến nay đã chế tạo 5 nguyên mẫu phát triển của T-50, và mỗi nguyên mẫu đều có những khác biệt nhỏ.

Sự không đồng nhất của các góc và mặt phẳng trên bề mặt máy bay có thể làm tăng khả năng bị radar phát hiện.

Nó cũng có khoang động cơ dạng hình trụ tròn, một đặc điểm tối kị trong thiết kế tàng hình vì nó phản xạ rất mạnh tín hiệu radar.

Mặc dù vậy, T-50 vẫn là một chiến đấu cơ rất nhanh và tầm hoạt động lớn.

Nga dự kiến sẽ trang bị cho T-50 tên lửa tầm xa hiện đại Kh-58UshE. F-22 và F-35 có tốc độ thấp hơn và tên lửa có tầm hoạt động ngắn hơn.

Air Power Australia, một cơ sở nghiên cứu về hàng không, đánh giá T-50 có thể đánh bại F-35 trong cận chiến.

Dù vậy, Nga chỉ có thể sản xuất một số lượng hạn chế T-50.

Theo kế hoạch, nước này sẽ sỏ hữu 60 chiếc vào 2020. Nhưng con số này có vẻ quá lạc quan.

Chiếc đầu tiên đáng lẽ đã phải được đưa vào biên chế năm ngoái. Giờ đây, mốc thời gian này bị đẩy lùi sớm nhất là đến 2016.

Thoạt nhìn thì 60 chiến đấu cơ thế hệ 5 có vẻ là một con số lớn. Nhưng Mỹ dự kiến sản xuất 2.400 chiếc F-35 trong 2 thập niên tới và đã bắt đầu nhận máy bay từ nhà sản xuất.

Đó là chưa tính đến 187 chiếc F-22 đang trong biên chế.

Do đó, những chiến đấu cơ Nga sẽ dễ dàng bị áp đảo về số lượng. Và đó là chưa tính đến việc những phương tiện khác của Không quân Nga vẫn chưa có thế hệ mới thay thế và ngày càng lạc hậu hơn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Robert Beckhusen

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại