Câu chuyện Na Uy vô tình trao căn cứ tàu ngầm bí mật cho Nga bắt đầu chỉ cách đây 6 năm:
Các chính khách Na Uy nhận định Nga không còn là nỗi đe dọa đáng kể, nên đã đến lúc bán căn cứ bí mật Olavsvern vốn được đào trong một ngọn núi, trang bị những thiết bị điện tử hiện đại nhất.
Căn cứ này nằm gần thị trấn Ramfjord gần biên giới Na Uy-Nga. Chính phủ Na Uy rao bán trên mạng finn.no (tương đương eBay, của Na Uy).
Cả cho đến lúc đó, “tài sản độc đáo” này-như quảng cáo-không đạt được số tiền 105 triệu kroner (12,1 triệu euro) mà chính phủ Na Uy mong muốn.
Cuối cùng, cơ sở có tổng diện tích 948.900 mét vuông được bán cho doanh nhân Na Uy Gunnar Wilhelmsen với giá 38.1 triệu kroner (4,4 triệu euro).
Chính phủ Na Uy bị cáo buộc quá hớ hênh
Như bồi thêm vào sự lo lắng của giới quân sự, nay Wilhelmsen cho thuê căn cứ tàu ngầm bí mật này. Bên thuê là một đội tàu nghiên cứu Nga.
Wilhelmsen từ chối bình luận với Newsweek. Nhưng trên trang web của mình, ông quảng cáo một nhà máy 25.000 mét vuông đào trong núi, có một kè sâu 3.000 mét vuông và 124 phòng ngủ.
Một trong những chiếc tàu nghiên cứu Nga gần đây đến Olavsvern là chiếc Viện sĩ Nemchinov của Sevmorneftegeofizika, một công ty địa vật lý Nga chuyên đo đạc động đất ở những vùng nước nông và sâu.
Nghiên cứu động đất là một lĩnh vực thật của nghiên cứu quốc tế, nên tàu nghiên cứu động đất cập cảng nước khác không là điều bất thường.
Nhưng công ty Sevmorneftegeofizika không như các công ty nghiên cứu động đất khác: nó có khách hàng là tập đoàn dầu khí Nga cùng nhiều công ty nhà nước Nga khác.
Cựu hạm trưởng hải quân Na Uy Goran Frisk giải thích: “Các tàu nghiên cứu Nga là một phần trong sức mạnh hải quân Nga.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của hải quân Nga là bảo đảm tàu ngầm hạt nhân Nga có thể hoạt động tự do trong các vùng biển của thế giới.
Tàu nghiên cứu Nga không phải chuyện đùa. Không thể hiểu được tại sao chính quyền Na Uy lại hớ hênh đến thế”.
Theo ông Frisk, các tàu nghiên cứu Nga ở ngoài vùng biển Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy cũng thả tàu ngầm mi-ni để theo dõi và sẵn sàng chiến đấu, cùng thăm dò thềm lục địa và các điều kiện thủy văn.
Vì thế, trong lần hải quân Thụy Điển truy lùng “tàu lạ” nghi của Nga ở quần đảo Stockholm hồi năm 2014, tàu nghiên cứu Nga Giáo sư Logachev xuất hiện bí ẩn rồi nhanh chóng rời đi. Chiếc tàu ngầm đáng ngờ không bao giờ được tìm thấy.
Người dân địa phương mừng vì có việc làm
Theo Newsweek, điều trớ trêu là vị Thủ tướng Na Uy từng ký duyệt vụ bán căn cứ tàu ngầm bí mật, nay là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Anne-Margrete Bollmann, một cựu sĩ quan quân đội và nay là chủ tịch Hiệp hội quốc phòng Na Uy, nói:
“Sự sẵn sàng phòng thủ quân-dân sự của chúng tôi bị suy yếu nghiêm trọng. Cơ sở hạ tầng bị đóng cửa, khả năng dự trữ bị giảm, các kế hoạch sẵn sàng phòng thủ bị lãng quên.
Olavsvern là ví dụ điển hình về một cơ sở hạ tầng bị mất, và rõ ràng nhận thức muộn màng là việc bán nó là một quyết định tệ hại”.
Bà Bollman cho rằng vị trí chiến lược quan trọng ngày càng tăng của Na Uy, và của vùng Bắc Âu thuộc NATO đòi hỏi cần có một sự hiện diện quân sự thường trực tại khu vực.
Theo nghị sĩ Oyvind Korsberg của vùng Troms, nơi có căn cứ Olavsvern, căn cứ này giữ vai trò cốt tử trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Na Uy.
Ông nói: “Olavsvern có vai trò chiến lược rất quan trọng, là hệ thống phòng thủ của Na Uy và NATO ở phía bắc.
Đáng tiếc là nước láng giềng lớn của chúng tôi đang phát triển khả năng quân sự ở phía bắc, thì chúng tôi lại làm điều ngược lại”.
Nhưng dân địa phương không quan tâm, hy vọng chủ nhân mới sẽ đem thật nhiều tàu đến Olavsvern “ vì nó đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương”, theo thị trưởng Jens Johan Hjort của vùng Troms vốn gồm thị trấn Ramfjord.
Ông Hjort thừa nhận có thể là một sự nghịch lý, khi Olavsvern chỉ vài năm trước từng là một căn cứ quân sự tuyệt mật, nhưng ông nói “Tin tốt là cơ sở này có thể đem tới tiền tài”.
Và trong cuộc sống hàng ngày ở Troms, quan hệ Na Uy-Nga vẫn ấm cúng, và người Nga chiếm số đông trong cộng đồng không nói tiếng Nga. Nils Kristian Srheim Nilsen, giám đốc điều hành Hiệp hội làm ăn khu vực Troms, chia sẻ sự lạc quan của thị trưởng Hjorts:
“Tôi không thể thấy có vấn đề với những khách hàng như những tàu nghiên cứu Nga. Do có hoạt động dầu khí tăng trong khu vực, cũng liên quan Nga, những chuyến cập cảng của tàu láng giềng của chúng tôi là điều bình thường”.
Lỡ bán hớ rồi, có đòi lại được không?
Hiện các đảng trong liên minh cầm quyền Na Uy phản đối việc bán căn cứ quân sự Olavsvern, và Bộ trưởng quốc phòng Ine Eriksen Sreide thường cảnh báo về những hoạt động của Nga ở phía bắc Na Uy.
Nhưng dù chính phủ Na Uy quyết thu hồi Olavsvern chăng nữa, chính ông Wilhelmsen mới có quyền quyết định, và chưa có dấu hiệu ông sẵn sàng bán lại căn cứ quân sự này.
Bộ trưởng quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Soreide nhất trí, trong một lần trả lời báo chí:
“Khủng hoảng Ukraine đòi hỏi chúng tôi phải cẩn thận giám sát kỹ những hoạt động trong vùng lãnh thổ. Chúng tôi cần một NATO hiểu rõ từng khu vực của khối”.
Ngày 16.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt Hạm đội Bắc Hải vào tình trạng báo động cao,sẵn sàng chiến đấu trong các cuộc tập trận ở vùng Bắc cực thuộc Nga.
Theo Newsweek, động thái này là sự phản ứng với việc Na Uy hoàn tất cuộc tập trận “Tham gia Viking” ở vùng Bắc Âu. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Na Uy.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoygu nói đích thân ông Putin ra lệnh. Lãnh đạo Nga đã hứa chi hơn 21.000 tỷ rúp (340 tỷ USD) từ cuối thập niên này, để cải thiện khả năng chiến đấu của Nga.