Tiết lộ nguyên nhân hàng chục tiêm kích Su-30MKI hỏng hóc động cơ

Nhật Huy - Duy Khánh |

Trong một buổi trả lời chất vấn trước quốc hội hôm 17/3, Bộ trưởng QP Ấn Độ Manohar Parrikar đã lần đầu tiên công bố những con số cụ thể liên quan đến vấn đề động cơ Su-30MKI

Đây là chiến đấu cơ hiện đại nhất của Không quân Ấn Độ hiện nay.

Bộ trưởng bộ quốc phòng Manohar Parrikar

Trong 2 năm 2013 và 2014, đã có 35 trường hợp động cơ phản lực của Su-30MKI gặp hỏng hóc khi máy bay đang ở trên không.

Tính từ năm 2012, con số này là 69 trường hợp. Trong đó, 33 vụ là do nhiên liệu có tạp chất, 11 trường hợp gây ra do rung động mạnh và 8 trường hợp do áp suất dầu bôi trơn thấp.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Không quân Ấn Độ mất 5 chiếc Su-30 do tai nạn.

Bên cạnh đó, Không quân Ấn Độ còn gặp vấn đề với tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của Su-30.

Con số này trước đây chỉ ở mức 50%, nghĩa là chỉ một nửa trong số 200 chiếc Su-30 MKI có thể được triển khai vào một thời điểm bất kì.

Ông Manohar Parrikar cho biết, con số này đã được tăng thêm 7% trong vòng hơn 8 tháng qua và mục tiêu đến cuối năm nay sẽ phải đạt trên 70%.

Một chiếc Su-30 MKI đang cất cánh từ căn cứ Yelahanka

Theo thiết kế thì AL-31FP, động cơ phản lực dùng trên Su-30 MKI, có tuổi thọ 3.000 giờ và cần được đại tu sau mỗi 1.000 giờ vận hành.

Nhưng trên thực tế, theo ông Parrikar, chúng thường phải được đại tu sau 500-700 giờ.

NPO Saturn, nhà sản xuất động cơ của Nga, đã đề xuất 9 giải pháp kỹ thuật, giúp nâng con số này lên 900 giờ.

Những vấn đề đối với dòng động cơ AL-31, được sử dụng trên Su-27 và Su-30, đã bắt đầu được các kỹ sư Nga lưu tâm từ năm 2009.

Ấn Độ trước đây cũng từng lên tiếng yêu cầu phía Nga có biện pháp khắc phục nhưng phải đến nay, nước này mới công khai những con số cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Su-30 là máy bay 2 động cơ và vẫn có thể hạ cánh an toàn nếu mất một động cơ trong quá trình bay. Vì vậy về mặt an toàn bay, đây chưa phải là vấn đề nghiêm trọng.

Tuy nhiên, việc mất một động cơ khi đang tác chiến có thể dẫn đến tổn thất khó lường. Ngoài ra, độ tin cậy thấp của động cơ còn khiến chi phí vận hành, bảo dưỡng tăng cao.

Cũng trong buổi chất vấn này, ông Parrikar xác nhận việc Ấn Độ gặp vấn đề thiếu hụt vật tư, phụ tùng cho Su-30 cũng như nhiều loại vũ khí Nga khác.

Những loại phụ tùng này được sản xuất tại các nhà máy ở Ukraine và Belarus. Giải pháp của Ấn Độ là đặt mua phụ tùng thay thế từ những nhà cung cấp phương Tây.

“Một số phụ tùng do phía Nga cung cấp thật ra là từ các công ty phương Tây, đặc biệt là Pháp và Israel. Vì vậy hiện nay chúng ta đang mua trực tiếp từ các công ty này, với sự đồng ý của Nga”, ông Parrikar giải thích thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại